Giữ nét đẹp tranh thêu truyền thống làng Quất Động

NDO -

NDĐT - Làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, Hà Nội từ bao đời nay nổi tiếng với nghề thêu tay truyền thống. Trải qua hàng trăm năm, đến nay, ứng dụng công nghệ cao thay thế sức người đã thúc đẩy sản xuất. Vì vậy, làng thêu thủ công nay không còn giữ được vẻ nhộn nhịp khi xưa. Thế nhưng, nét đẹp truyền thống làng thêu Quất Động vẫn luôn được lưu giữ bởi vẫn còn đó những người con Quất Động mang trong mình niềm đam mê, nhiệt huyết nghề thêu.

Bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thêu.
Bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thêu.

Truyền thống nghề thêu quý báu

Trải qua bao thế kỷ, Quất Động vẫn giữ được vẻ cổ kính của làng quê Bắc Bộ. Trong khung cảnh bình yên của làng, đền thờ cụ Lê Công Hành uy nghi hiện ra, người được tôn vinh là ông tổ nghề thêu Việt Nam.

Cụ Lê Công Hành từng được cử đi sứ Trung Quốc, học được nghề thêu rồi trở về nước và truyền lại nghề cho dân làng Quất Động. Từ thế kỷ 17, nghề thêu phát triển rộng khắp cả nước, ông tổ nghề thêu làng Quất Động trở thành ông tổ nghề thêu của cả Việt Nam.

Ở Quất Động từ đó tới nay, cùng nghề nông, nghề thêu thủ công vẫn là nghề trọng yếu, cung cấp công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Người Quất Động rất yêu nghề. Những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình giữ nghề tới năm, bảy đời. Từ nhỏ, các bé gái đã được cha mẹ cho giữ những chiếc khung thêu hình tròn xinh xắn, cùng mấy cái đê, kim khâu, vải vụn và kéo nhỏ để tỉ mẩn học thêu. Lớn lên, ít cũng được hai chục năm tuổi nghề, nhiều người trở thành thợ thêu chuyên nghiệp, nghệ nhân tầm cỡ.

Xưa kia, thợ thêu Quất Động dùng chỉ mầu tự nhiên nhuộm từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, hoa hòe, lá chàm, vỏ sò… với năm mầu chỉ cơ bản vàng, đỏ, tím, xanh, lục. Tới thế kỷ 20 đã có thêm chỉ trắng của Pháp và chỉ mầu nhân tạo Trung Quốc.

Biết ở Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc có nhiều phương pháp thêu độc đáo, thợ thêu Quất Động tích cực tìm tòi, học hỏi và cho ra nhiều sản phẩm mới lạ, hấp dẫn, đa dạng từ tế tự, y môn, liễn trướng, tán, lọng, hoành phi, câu đối… bày biện đền chùa, cho đến áo mão, cân đai, khăn chầu, trang phục tuồng chèo, chăn, mền, khăn trải bàn, tấm lót đĩa, ga trải giường, mành, lô-gô, áo phông, áo dài, đồng phục học sinh… và đặc biệt là tranh thêu. Các sản phẩm này được dùng trong nhiều lĩnh vực như trang trí nội thất, làm quà tặng, phần thưởng, vật tiến cúng trong các dịp hiếu hỷ, sinh nhật, cúng lễ và các hình thức sinh hoạt tín ngưỡng khác…

Thêu là nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cần mẫn, tỉ mỉ. Nhìn những nghệ nhân Quất Động làm việc, nhiều người phải thán phục: thêu là một nghệ thuật tuyệt vời. Chỉ với đôi bàn tay khéo léo, những người thợ đã biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo, đẹp mắt.

Không một cỗ máy hiện đại nào có thể thay thế được những đường nét tinh xảo mà tài hoa từ bàn tay của các nghệ nhân. Chúng như chứa đựng cả tâm hồn của người thêu trong đó. Giá trị quý báu, nét tinh hoa của nghệ thuật thêu tay truyền thống được hình thành như vậy.

Người giữ “lửa” nghề thêu, giữ “hồn” Quất Động

Ngày nay, làng thêu Quất Động tuy không còn giữ được diện mạo khi xưa nhưng vẫn còn đó những người con yêu nghề, giữ nghề và đam mê với nghề. Họ luôn khắc khoải một mong muốn, đó là truyền bá nghề thêu rộng rãi.

Tấm gương tiêu biểu cho sự yêu nghề của người dân nơi đây phải kể đến Nghệ nhân Hoàng Thị Khương - một nghệ nhân tài năng không khuất phục trước hoàn cảnh. Do di chứng từ cơn sốt lúc còn nhỏ, bà Khương gặp nhiều khó khăn khi đi lại. Tuy nhiên, bà vẫn kiên trì tiếp nối truyền thống của gia đình. Đến nay, nghề thêu của gia đình đã truyền đến đời thứ ba. Đối với bà Khương, một khi đến với nghề cần phải kiên định yêu nghề, vì nghề thêu cần sự kiên trì, tỉ mỉ lâu dài. Để hoàn thành một sản phẩm thêu cần mất rất nhiều thời gian. Thế nhưng đó sẽ là một tác phẩm đầy giá trị vì từng đường kim mũi chỉ trong đó là tâm tình và niềm tự hào của nghệ nhân.

Nhận thấy nghề thêu đang dần mất những giá trị vốn có, bà Khương đã đứng ra mở lớp dạy nghề thêu tay truyền thống cho những người khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ngay tại địa phương. Lớp học của bà đặc biệt bởi chính những học trò và hơn hết là niềm tâm huyết yêu nghề mà bà đang cố gắng lan tỏa đến mỗi người.

Bà Khương chia sẻ: “Có những lúc người ta trả những bức tranh của cô không phải ít tiền, nhưng cô không muốn bán vì cô có ước mơ muốn mở một phòng tranh”. Mở một phòng tranh không phải để mọi người biết đến một bà Khương có đôi bàn tay khéo léo như thế nào, có tài năng đặc biệt đến đâu. Chỉ mong có thể ghi lại trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam rằng có một làng thêu mang tên Quất Động, nơi đang lưu giữ một truyền thống lịch sử - văn hóa mang “hơi thở” của dân tộc, nơi có những con người tâm huyết gắn bó với nghề, tôn trọng, thành kính trước những giá trị mà ông cha để lại.

Người ta vẫn cho rằng, giới trẻ hiện nay thường thích những gì mới lạ mà bỏ qua những nét đẹp truyền thống. Nhưng với Phương Anh lại khác, Phương Anh được sinh ra và lớn lên tại làng thêu truyền thống, từ nhỏ cô đã được mẹ và bà dạy cho từng đường kim mũi chỉ của nghề thêu tay. Đối với Phương Anh, hình ảnh đẹp nhất chính là hình ảnh các mẹ, các cô vừa ngồi thêu vừa trò chuyện cùng nhau bên hiên nhà. Chính những hình ảnh đó đã nuôi lớn tình yêu trong cô với nghề thêu.

Trò chuyện với chúng tôi, ánh mắt và nụ cười của Phương Anh sáng lên tình cảm dành cho nghề thêu: “Nghề thêu tay truyền thống của làng đối với em nó là thứ gì đó quý giá lắm, chẳng thể gì sánh được…”. Tuy tuổi còn trẻ nhưng Phương Anh đã có những dự định tương lai cho bản thân. Những dự định đó đều gắn liền với nghề thêu tay truyền thống. Cô nói sẽ cố gắng học hỏi thêm từ các nghệ nhân trong làng về nghề thêu, đem được nét đẹp quý báu của nghề thêu đến gần hơn với mọi người không chỉ trong nước và mà ra cả thế giới.

Những nghệ nhân như bà Khương và bạn trẻ Phương Anh đang “thắp sáng” hy vọng cho tương lai của nghề thêu tay truyền thống.

Giữ nét đẹp tranh thêu truyền thống làng Quất Động ảnh 1

Nghệ nhân thêu tay truyền thống làng Quất Động.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương

Hiện nay, các khu công nghiệp ở xã Quất Động đang nổi lên ngày càng nhiều. Đây là một trong những lý do nhiều người bỏ nghề thêu để kiếm việc làm thu nhập cao hơn. Ông Kiều Xuân Tác, Phó Chủ tịch UBND xã Quất Động cho biết, cách đây khoảng 30 năm, gần 90% các hộ ở xã Quất Động đều theo nghề thêu. Nhưng những năm gần đây, bởi nhiều lý do mà chỉ còn gần 200 hộ theo nghề. Các hộ kinh doanh, buôn bán tự phát và tự làm chủ theo cơ chế thị trường.

Nghề thêu ảm đạm nhưng không vì thế mà chính quyền địa phương giảm bớt sự quan tâm với những giá trị cốt lõi của nghề thêu vốn có từ bao đời. Vào chính hội làng, ngày 12-6 Âm lịch hằng năm, đại diện chính quyền đến đình làng, nơi diễn ra ngày hội nghề thêu quan trọng trong năm để cùng người dân tổ chức và thực hiện các nghi lễ quan trọng.

Mặt khác, chính quyền địa phương thường xuyên gây quỹ để tài trợ động viên các lớp học như lớp của Nghệ nhân Hoàng Thị Khương. Khoản tài trợ này tuy không nhiều nhưng là sự quan tâm, khuyến khích của chính quyền dành cho các học viên. Mọi nỗ lực đều vì mục đích gìn giữ và lưu truyền nghề thêu cho các thế hệ mai sau.

Ông Tác chia sẻ, sắp tới xã sẽ xây dựng nhà thờ Tổ với số vốn ban đầu là mười tỷ đồng. Mặc dù chưa có chính sách cụ thể khuyến khích phát triển nghề thêu tay truyền thống địa phương, nhưng việc xây dựng nhà thờ Tổ như mở ra một cơ hội mới, với kỳ vọng vực dậy nghề thêu tay truyền thống Quất Động.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức đang đặt ra với nghề thêu truyền thống, nhưng với những nỗ lực của chính quyền và người dân Quất Động, truyền thống nghề thêu sẽ luôn được đề cao và lưu truyền cho các thế hệ con cháu. Để rồi mai sau, mai sau nữa, những câu ca vẫn còn vang mãi:

Hỡi cô mà thắt bao xanh
Có về Quất Động với anh thì về
Quất Động anh đã có nghề
Thêu gà, thêu vịt, thêu huê trên cành
Thêu tranh sơn thủy hữu tình
Thêu cả tranh ảnh của mình, của ta.