Năm 2030, cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét

NDO -

NDĐT – Đó là mục tiêu đến năm 2030 của dự thảo Nghị quyết về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới vừa được Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cơ bản thông qua.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)
Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế)

Nghị quyết đã đánh giá các kết quả quan trọng đạt được trong thời gian qua, đưa ra các hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, đúc rút năm quan điểm, mục tiêu và chín nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho thời gian tới.

Nâng cao sức khỏe và chất lượng cuộc sống người Việt

Mục tiêu mà Nghị quyết đặt ra là nâng cao sức khỏe, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế xây dựng đội ngũ cán bộ y tế “Thầy thuốc như mẹ hiền”, có năng lực chuyên môn vững vàng, tiếp cận trình độ quốc tế. Nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi sản xuất, cung ứng dược phẩm, dịch vụ y tế.

Theo đó, đến năm 2030, tuổi thọ trung bình người Việt Nam phấn đấu khoảng 75 tuổi, số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế trên 95% dân số. Tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đạt 95% với 14 loại vắc xin. Giảm tỷ suất tử vong trẻ em: dưới 5 tuổi còn 15‰, dưới một tuổi còn 10‰.

Nghị quyết đặt ra tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi của trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%; khống chế tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành dưới mức 10%. Chiều cao trung bình thanh niên 18 tuổi đối với nam đạt 168,5 cm, nữ 157,5 cm.

Phấn đấu trên 95% dân số được quản lý sức khỏe; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Đạt 32 giường bệnh viện, 11 bác sỹ, 3,0 dược sỹ đại học, 33 điều dưỡng trên 10.000 dân. Tỷ lệ giường bệnh tư nhân đạt 15%.

Nghị quyết nhấn mạnh bảo đảm tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đạt trên 90%. Đồng thời, cơ bản chấm dứt các dịch bệnh AIDS, lao và loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Nhiều nhiệm vụ thách thức với ngành y tế

Tập trung cao cho y tế dự phòng, y tế cơ sở là một trong những giải pháp được đặt ra cho ngành y tế để thực sự coi việc phòng bệnh hơn chữa bệnh. Người dân có quyền lựa chọn cơ sở chăm sóc ban đầu và có trách nhiệm đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại cơ sở chăm sóc ban đầu đó để thực hiện việc theo dõi, quản lý sức khỏe đến từng người dân trên địa bàn. Thực hiện cập nhật thông tin sức khỏe, bệnh tật của người dân gắn với hệ thống quản lý thẻ, thanh toán bảo hiểm y tế.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nhấn mạnh, trạm y tế xã thật sự là cánh tay nối dài của y tế huyện, là tuyến đầu trong y tế dự phòng và chăm sóc sức khỏe. Thúc đẩy kết nối y tế cơ sở với các phòng khám tư nhân, lương y theo hướng phát triển y học gia đình. Triển khai đồng bộ các hoạt động phòng chống các bệnh không lây nhiễm; chú trọng sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý, điều trị, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở.

Ngành y tế phải cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe liên tục từ y tế thôn bản trở lên, bao gồm: dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu - dịch vụ trước bệnh viện (hệ thống cấp cứu) - bệnh viện. Kiên quyết thực hiện lộ trình liên thông, công nhận kết quả xét nghiệm, giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Đổi mới cơ chế hoạt động, quản lý các bệnh viện công lập gắn trao quyền tự chủ với trách nhiệm giải trình. Thực hiện mô hình quản trị bệnh viện tương tự mô hình quản trị doanh nghiệp công ích.

Ngoài ra, Nghị quyết cũng nhấn mạnh củng cố hệ thống phân phối thuốc, không để tình trạng doanh nghiệp nước ngoài chi phối. Tăng cường chỉ đạo thực hiện đấu thầu tập trung, giảm giá thuốc; tập trung chấn chỉnh tình trạng bán thuốc phải kê đơn nhưng vẫn được bán không có đơn, không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin, kết nối mạng để quản lý việc bán thuốc của các nhà thuốc trên toàn quốc.

Về đào tạo, ngành y tế thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện công tác đào tạo nguồn nhân lực về khung trình độ, phương thức, chương trình và quản lý đào tạo để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở y tế về chất lượng nhân lực và hội nhập được với quốc tế: đào tạo bác sĩ đa khoa, sau đó mới đào tạo chuyên khoa.

Bên cạnh đó, sẽ thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia, tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn. Bộ Y tế thí điểm giao cho các cơ quan độc lập tổ chức cấp chứng chỉ hành nghề, phù hợp với thông lệ quốc tế (để thế giới công nhận văn bằng y khoa do Việt Nam cấp).

Tới đây, ngành y tế sẽ tổ chức hệ thống cung ứng dịch vụ theo ba tuyến ở cấp độ khác nhau: chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp hai, chăm sóc cấp ba. Cấp chăm sóc ban đầu cung cấp các dịch vụ ngoại trú, dự phòng, nâng cao sức khỏe (thực hiện ở trạm y tế xã, phòng khám bác sĩ gia đình, phòng khám của bệnh viện, trung tâm y tế huyện). Chăm sóc cấp hai cung cấp các dịch vụ điều trị nội trú cho các trường hợp cấp tính, mạn tính. Chăm sóc cấp ba theo chuyên khoa sâu.

Đồng thời, Bộ Y tế sẽ thí điểm hình thành các chuỗi bệnh viện và chuyển dần một số bệnh viện T.Ư, bệnh viện bộ, ngành về địa phương quản lý (trừ Bệnh viện công an, quân đội). Bộ Y tế chỉ giữ lại một số bệnh viện vừa nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, gắn với cơ sở thực hành của sinh viên đại học.

Nghị quyết cũng đề cập tới vấn đề điều chỉnh mệnh giá BHYT phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế và thu nhập của người dân, chất lượng dịch vụ, giảm tỷ lệ chi tiền túi (để 5-10-15 năm nữa, khi có điều kiện sẽ nâng mức đóng BHYT, không chỉ cho khám, chữa bệnh mà còn dự phòng, y tế cơ sở để giảm chi khám chữa bệnh, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT). Đa dạng các gói BHYT (có nhiều gói BHYT) theo nguyên tắc mức đóng phù hợp với mức hưởng.

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) nhấn mạnh, nhà nước không thể bao cấp hết cho người dân về công tác chăm sóc sức khỏe. Việc đẩy mạnh xã hội hóa gắn liền với bảo hiểm y tế toàn dân sẽ nhằm giảm tỷ lệ chi tiền túi của người dân vào các dịch vụ y tế. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ già đình cho chăm sóc y tế giảm còn 30%. Để hạn chế ảnh hưởng của lạm dụng xã hội hóa trong ngành y tế, Bộ Y tế đang triển khai nhiều giải pháp như chấn chỉnh công tác xã hội hóa của các bệnh viện, bảo đảm đáp ứng nhu cầu trang thiết bị chuyên môn, quy trình chỉ định…