Hội thảo là diễn đàn khoa học để các giảng viên, chuyên viên, nhà nghiên cứu về quản lý giáo dục đại học trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về các giải pháp hiệu quả nâng cao chất lượng đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy... trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm, từ quá trình triển khai thực hiện tự chủ của Trường đại học Thương mại, đồng thời, tạo diễn đàn tham luận trao đổi giữa các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia quản lý giáo dục, nhà nghiên cứu giáo dục đại học đánh giá tổng thể những kết quả đạt được, nhận diện cơ hội, thách thức và đề xuất giải pháp khả thi nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo,bảo đảm sự phát triển bền vững của trường đại học.
Ban tổ chức hội thảo cho biết đã có 103 bài viết của các tổ chức, cá nhân gửi tới. Sau khi tiến hành phản biện khoa học, độc lập, nghiêm túc, Hội đồng thẩm định đã lựa chọn 63 bài viết đăng kỷ yếu hội thảo. Nội dung các bài viết tập trung vào hai vấn đề lớn: Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp tổ chức đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo; Đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên và phương pháp học tập của sinh viên trong điều kiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Thương mại cho biết, trong thời gian qua, các trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã nỗ lực đổi mới cơ chế quản lý nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, hoàn thiện bộ máy nhân sự, đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư tăng cường cơ sở vật chất... Bên cạnh những kết quả bước đầu đáng khích lệ đạt được, các trường đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả cùng sự nỗ lực và năng động của các trường trong thời gian tới.
Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học là một trong những biện pháp hữu hiệu để các trường đại học đổi mới, phát triển theo hướng hội nhập quốc tế, đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều trường trong thực tế thực hiện cơ chế tự chủ đang gặp không ít thách thức.
Từ kết quả điều tra khảo sát 143 giảng viên tại chín trường đại học đã triển khai cơ chế tự chủ ở miền bắc, PGS.TS Nguyễn Hoàng và ThS Ngô Thanh Hà, Trường đại học Thương mại đã chỉ ra những thách thức đối với chất lượng đào tạo mà các trường đang phải đối mặt. Đó là: Chất lượng giảng viên, chất lượng chương trình đào tạo, chất lượng sinh viên, chất lượng cơ sở vật chất, chất lượng quản lý nhà trường, hoạt động đánh giá và điều chỉnh.
Hai tác giả đưa ra một số giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc các trường cần chủ động hơn nữa trong quá trình áp dụng cơ chế tự chủ, bên cạnh nâng cao chất lượng trên mọi khía cạnh đào tạo. "Tâm thế bị động của các cơ sở giáo dục đào tạo đại học hiện nay cũng là một nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng đào tạo còn nhiều hạn chế. Các trường từ trước đến nay luôn được bao bọc bởi nhà nước, các khoản đầu tư được tài trợ bởi cơ chế xin-cho, vì vậy, nhiều trường không muốn thoát ra khỏi vòng bảo vệ của nhà nước, e ngại các hoạt động tự thu hút đầu tư, tự tổ chức công tác tuyển sinh hay tự hạch toán thu chi... " - báo cáo chỉ ra.
Từ phân tích những điểm mấu chốt trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở Hàn Quốc để từ đó liên hệ với thực tiễn phát triển các trường đại học ở Việt Nam, Th.S Nguyễn Quỳnh Trang, Trường đại học Thương mại cũng cho rằng, để thực hiện thành công tự chủ đại học, sự chủ động của các trường đại học là điều kiện tiên quyết: "Quá trình này đòi hỏi các trường phải chủ động xác định cho mình lộ trình với những bước đi của từng nhiệm vụ cụ thể. Ngoài mong muốn có những chính sách thông thoáng, mở rộng đầu tư nhiều hơn mỗi trường phải chủ động chuẩn bị hành trang cho mình, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đủ mạnh, đội ngũ giảng viên chất lượng cao và họ dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình đối với sản phẩm đào tạo trước xã hội" - Th.S Nguyễn Quỳnh Trang đưa ra quan điểm trong tham luận tại hội thảo.