Khuyến khích nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

Trong những năm qua, phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đạt được nhiều kết quả, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương; mạnh dạn đầu tư, áp dụng kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra giá trị hàng hóa, lợi nhuận cao.

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hội viên nông dân chăm sóc lúa.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn các hội viên nông dân chăm sóc lúa.

Góp phần thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp

Thông qua phong trào lớn nêu trên của Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội đã có nhiều biện pháp chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, hỗ trợ hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương lớn trong nông nghiệp như: “dồn điền, đổi thửa”, hợp tác liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, nông dân liên kết xây dựng hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hợp tác xây dựng “cánh đồng lớn” tạo vùng sản xuất tập trung, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, dạy nghề, xây dựng các mô hình trình diễn, tín chấp cho nông dân vay vốn mua vật tư, máy móc nông nghiệp, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể, phối hợp các bộ, ngành thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở nông thôn. Các hình thức hoạt động nêu trên đã thu hút đông đảo hộ nông dân tham gia phong trào và ngày càng có nhiều nông dân đạt danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi; tạo ra nhiều mô hình sản xuất quy mô lớn, thu hút hàng trăm lao động, thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Chị Hoàng Thị Mơ (36 tuổi), xã Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, huyện An Lão (Bình Định) bắt đầu cuộc sống mới trên vùng đất xứ “nẫu” với nghề nông bằng cả ý chí và lòng quyết tâm từ chính bàn tay, khối óc của mình. Với phương châm “Lấy công làm lời, sống tiết kiệm”, chị Mơ chọn cây đậu phộng và lúa để sản xuất trên diện tích đất mà gia đình được cấp. Bình quân một năm tổng thu nhập từ trồng trọt của gia đình chị đạt 25 triệu đồng. Đồng thời, chị còn trồng thêm ngô để cung cấp lương thực, bổ sung thức ăn cho gia súc, gia cầm, góp phần giảm chi phí đầu tư trong chăn nuôi. Vợ chồng chị đầu tư chăn nuôi gà, vịt, heo thịt hướng nạc. Với kiến thức về nghề nuôi heo do tự học, tự nghiên cứu, kết hợp với kiến thức do các cấp Hội Nông dân và ngành nông nghiệp tập huấn, hướng dẫn, gia đình chị đã áp dụng các kỹ thuật mới như sử dụng quy trình lên men lỏng trong chăn nuôi heo, phối trộn thức ăn, nhờ vậy trọng lượng đàn heo tăng trưởng nhanh.

Cựu chiến binh Lý Văn Thiệp, xã Văn Yên, huyện Đại Từ (Thái Nguyên) với ý chí và nghị lực của người thương binh “tàn nhưng không phế”, đã tích cực tăng gia sản xuất và làm giàu từ chính đôi tay của mình trên mảnh đất quê hương. Hiện nay, gia đình ông đã có được cơ ngơi rộng 21 ha. Trong đó, ông dành 3.000 m2 để làm trại gà, lợn; 7.000 m2 làm ao thả cá; một héc-ta trồng cây ăn quả; 18 ha trồng cây gỗ mỡ và cây keo các loại. Mỗi năm, gia đình ông cung cấp cho thị trường 24 nghìn con gà, thu hoạch 15 tấn cá, nuôi 200 con lợn nái, 1.000 con lợn giống và khoảng 3.000 con lợn thịt. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm 70 con dê, hơn 20 con lợn rừng, 30 con bò để lấy thịt và nguồn phân bón cho cây trồng. Với mức thu hoạch từ nhiều nguồn kinh tế, trừ hết các khoản chi phí như thuê nhân công, tiền thức ăn, tiền đầu tư chuồng trại… mỗi năm gia đình ông Thiệp cũng thu được trên dưới ba tỷ đồng lợi nhuận.

Khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức Hội Nông dân

Tuy nhiên, kết quả phong trào phát triển chưa đồng đều giữa các vùng, miền, địa phương; còn nặng về thành tích, số lượng, chất lượng chưa cao. Tỷ lệ hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi cấp trung ương và cấp tỉnh còn thấp. Công tác truyền thông về phong trào còn hạn chế. Việc tuyên truyền, giáo dục nhận thức cho nông dân về phát triển kinh tế chưa đi vào chiều sâu, chưa làm chuyển biến nhận thức của một bộ phận nông dân trong việc khắc phục khó khăn, nỗ lực vươn lên. Việc khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển sản xuất vươn lên làm giàu chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số cấp Hội chưa thấy được tầm quan trọng, ý nghĩa, tác dụng của phong trào dẫn đến coi nhẹ công tác chỉ đạo. Nhiều giải pháp, cách làm cụ thể để huy động các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư và sự tham gia của xã hội cho phát triển phong trào chưa được coi trọng. Quy mô hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cơ bản còn nhỏ, phương thức sản xuất cá thể, tự phát, trình độ khoa học, kỹ thuật và quản lý còn yếu, hoạt động sản xuất, kinh doanh theo chuỗi liên kết còn hạn chế, chưa coi trọng các yếu tố liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường trong sản xuất, kinh doanh, dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa đạt yêu cầu, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường, thậm chí sản phẩm không an toàn…

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm đưa phong trào phát triển sâu rộng, thiết thực, hiệu quả, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp và hội nhập kinh tế quốc tế, Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Nghị quyết về Nâng cao chất lượng phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, trọng tâm là tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, hình thành các mô hình liên kết sản xuất lớn, các tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh theo chuỗi. Vận động và tạo nguồn lực để phong trào có bước phát triển mới nhằm góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hình thành những vùng sản xuất hàng hóa tập trung đạt năng suất cao, tiêu chuẩn an toàn đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng phong trào trở thành hoạt động thiết thực, phát triển, đa dạng hóa các hình thức sinh hoạt của nông dân nhằm trao đổi kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất, thông tin thị trường. Phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái trong phong trào thi đua giúp nhau cùng làm giàu và quan tâm giúp đỡ hộ nghèo, hộ còn gặp khó khăn ở địa phương. Thông qua phong trào đẩy mạnh công cuộc xây dựng nông thôn mới và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.