Phục hồi du lịch Việt Nam: Cần định hướng và hành động mới

NDO -

“Cũng như việc phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước sau đại dịch, việc phục hồi cơ sở vật chất kỹ thuật trong ngành du lịch, phục hồi các sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch đòi hỏi sự nỗ lực, thời gian lâu dài cũng như sự đầu tư lớn của toàn ngành”. 

Toàn cảnh Diễn đàn Phục hồi Du lịch Việt Nam sáng 1/4. (Ảnh: TTXVN)
Toàn cảnh Diễn đàn Phục hồi Du lịch Việt Nam sáng 1/4. (Ảnh: TTXVN)

Đây là định hướng của Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt tại diễn đàn “Phục hồi Du lịch Việt Nam - Định hướng mới, hành động mới” diễn ra sáng 1/4 tại Hà Nội.

Định hướng mới

Tại diễn đàn, các diễn giả tham gia hội nghị đều nhận định, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho du lịch nhưng để rút ngắn thời gian phục hồi, nhanh chóng vào giai đoạn phát triển, cần có thêm nhiều giải pháp đồng bộ, thông thoáng hơn.

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, trước mắt du lịch Việt Nam cần tập trung khai thác tốt các thị trường truyền thống, các thị trường đã phục hồi kết nối hàng không và khôi phục chính sách visa như trước đại dịch, các thị trường đã cho phép công dân đi du lịch nước ngoài.

Phục hồi du lịch Việt Nam: Cần định hướng và hành động mới -0
Các đại biểu tham gia phiên thảo luận 1. (Ảnh: T.LINH) 

Ngoài các sản phẩm du lịch xanh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng là những sản phẩm được ưa chuộng trong bối cảnh sống chung với dịch, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển mới hoặc đẩy mạnh phát triển và khai thác các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh như du lịch nghỉ dưỡng biển dài ngày với hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đạt tiêu chuẩn quốc tế, du lịch golf, du lịch chữa bệnh, du lịch chăm sóc, phục hồi sức khỏe về thể chất và tinh thần sau Covid-19, sử dụng các dược liệu và các liệu pháp điều trị theo y học cổ truyền dân tộc.

Dù nhận định trong khu vực Thái Lan là “đối thủ” chính của du lịch Việt Nam khi liên tục ban hành các quy định mới thông thoáng hơn, quyết liệt hơn nhằm hút khách sau đại dịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng Thái Lan đang có nhiều dấu hiệu của sự bão hòa. “Dấu hiệu này thể hiện ở chỗ Thái Lan đã trở thành điểm đến rất thân thuộc với du khách quốc tế, độ tăng trưởng khách đã chững lại. Trong khi đó, Việt Nam cùng với nhiều nước trong khu vực khác đang nổi lên là điểm đến mới, có nhiều dịch vụ mới, khác biệt hơn. Do đó du lịch Việt Nam cần phải khai thác lợi thế này”, ông Khánh nói.

Trình bày tại diễn đàn, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Ban Pháp chế (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho rằng Việt Nam cần có chính sách cấp thị thực cởi mở hơn để tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam với các nước trong khu vực.

“Chính sách cấp thị thực nhập cảnh hiện nay đã làm giảm tính cạnh tranh trực tiếp của du lịch Việt Nam so với các nước ASEAN. Ngoài ra, việc giới hạn thời gian tạm trú cũng đã đánh mất cơ hội thu hút khách du lịch tới Việt Nam”, ông Tuấn nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần có những biện pháp tháo gỡ rào cản cho du lịch phát triển như xây dựng cơ chế phân chia nguồn thu ngân sách từ lĩnh vực du lịch giữa các Bộ; Rà soát lại các quy định thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí; Điều chỉnh các quy định về ký quỹ, điều kiện chứng chỉ kinh doanh lữ hành;…

Ở góc độ tăng tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam bằng biện pháp thuế, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam đề nghị cần thực hiện việc hoàn thuế cho du khách nước ngoài ngay tại điểm mua hàng, tránh thủ tục mất thời gian tại các điểm hoàn thuế ở sân bay. Ngoài ra, để các doanh nghiệp du lịch tăng khả năng phục hồi sau đại dịch, cần giãn thuế, chia khung thuế đất theo mục đích sử dụng tại khu du lịch, ưu đãi về phí dịch vụ,…

Hành động mới

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam nhận định, sau thời gian dài tê liệt, không hoạt động, các doanh nghiệp, xương sống của ngành kinh tế du lịch sẽ không dễ dàng phục hồi được. Để phục hồi và phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Du lịch phải chuyển đổi rất nhiều từ tư duy đến hành động.

Phục hồi du lịch Việt Nam: Cần định hướng và hành động mới -0
Các đại biểu tại phiên thảo luận 2. (Ảnh: T.LINH) 

Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện, lúc này bản thân các doanh nghiệp du lịch cũng cần tự nỗ lực để phục hồi.

Ông Cao Chí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng cho rằng, các doanh nghiệp, những người làm du lịch cần “Tư duy toàn cầu, hành động địa phương”. Theo đó, các doanh nghiệp cần đi sâu vào nhóm nhu cầu chuyên biệt của khách, từ đó xây dựng các sản phẩm du lịch an toàn, du lịch y tế, du lịch MICE. Đồng thời, áp dụng công nghệ vào việc tăng cường truyền thông hình ảnh quốc gia, giúp khách quốc tế dễ dàng tìm kiếm thông tin về du lịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Hoan, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Flamingo cho rằng, các đơn vị không chỉ tính đến kế sách lâu dài mà cần giải quyết những vấn đề trước mắt như tập trung vào nhóm khách ở thị trường gần. “Hàng không mở đến đâu, chính sách với Covid như thế nào thì cần mở cửa đến đó”, ông Hoan nói.

Xây dựng sản phẩm chuyên biệt, theo ông Phùng Quang Thắng, Chủ tịch Hội lữ hành Hà Nội, Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho hay, các khu du lịch thân thiện với môi trường tại Quảng Nam đang hút khách trong và ngoài nước là thí dụ hay về xây dựng sản phẩm riêng mà vẫn phù hợp với xu thế mới. Ông Thắng cũng gợi ý, để hấp dẫn khách quốc tế, du lịch Việt Nam cần tổ chức các đoàn famtrip, presstrip (khảo sát du lịch) dành cho các đơn vị lữ hành, báo chí nước ngoài để có sự quảng bá, truyền thông hiệu quả hơn.

Mở cửa du lịch trong điều kiện bình thường mới