Phú Yên vui mùa mía ngọt

NDO -

Sau nhiều vụ liền mía đường rớt giá, người trồng mía thua lỗ nặng nề, nhờ các biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công thương áp dụng cho mía đường nhập khẩu từ Thái Lan đã và đang mang lại lợi ích cho ngành mía đường trong nước.

Nông dân xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, Phú Yên khẩn trương thu hoạch vụ mía bội thu.
Nông dân xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, Phú Yên khẩn trương thu hoạch vụ mía bội thu.

Riêng tại Phú Yên, giá mía năm nay tăng cao nhất từ trước tới nay (1,2 triệu đồng/tấn), đã thực sự tìm lại vị ngọt cho người nông dân. Đời sống người dân vùng nông thôn miền núi Phú Yên tiếp tục ổn định, phát triển đi lên sau đại dịch Covid-19.

Giá mía kỷ lục, nông dân bội thu 

Phú Yên đang những ngày cao điểm thu hoạch mía đường niên vụ 2021-2022. Trên các tuyến quốc lộ phía tây của tỉnh như quốc lộ 25 đi Gia Lai, quốc lộ 29 đi Đắc Lắk, quốc lộ 19c nối với Bình Định và các tuyến đường liên huyện tấp nập các loại xe tải chở đầy ắp mía cây đổ về các nhà máy đường. Với giá mía 1,2 triệu đồng/tấn mía cây (10 chữ đường), năm nay người trồng mía có thu nhập cao, người dân phấn khởi.

Gặp chúng tôi, vẫn với cái giọng hóm hỉnh, đầy nhiệt huyết với loại cây trồng chủ lực này, người nông dân từng một thời được mệnh danh là “vua mía” Đoàn Đắc Miên ở xã Sơn Nguyên, huyện Sơn Hòa cho biết, đại gia đình ông vẫn giữ ổn định 35 ha mía mỗi vụ. Riêng phần ông và anh con trai có 12 ha, năm nay cầm chắc trong tay vài trăm triệu.

“Tôi vẫn duy trì tưới nhỏ giọt, nhưng năng suất mía của tôi năm nay chỉ đạt 80 tấn/ha, mất 20 tấn so với năm trước. Nhưng bù lại năm nay Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt thu mua với giá cao nhất từ trước tới nay nên gia đình có thu nhập tương đối”, ông Đoàn Đắc Miên nói.

Còn gia đình ông Ngô Văn Khánh, ở thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa niên vụ này trồng 10 ha mía, sản lượng đạt trên 800 tấn. Ông Khánh hợp đồng bán toàn bộ cho Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, trừ chi phí gia đình ông Khánh thu lãi hơn 300 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình ông còn tạo việc làm có thu nhập cho 50 lao động chặt và bốc mía lên xe.

Theo ông Tô Phương Bắc, chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa, xác định cây mía là cây trồng chủ lực, là cây xóa đói giảm nghèo bền vững tại địa phương, nhiều năm qua chính quyền đã phối hợp với đơn vị có nhà máy nằm trên địa bàn là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam vận động người dân trồng mía, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định trên dưới 13.000 ha.

Phú Yên vui mùa mía ngọt -0
 Giá mía cao kỷ lục, người trồng mía Phú Yên có lãi cao trong niên vụ 2021-2022.

Huyện khuyến khích và có những chính sách đầu tư cho người nông dân áp dụng các tiến bộ khoa học và canh tác, như trồng mía có tưới, đưa máy móc cơ giới vào khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch mía, đã đem lại lợi nhuận cao hơn trên một đơn vị diện tích.

"Trong 13 ngàn ha mía của huyện, đã có 2.400 ha mía có nguồn nước tưới ổn định, năng suất đạt 100 tấn/ha, diện tích mía còn lại bình quân đạt từ 58-60 tấn/ha, nhờ năm nay trời mưa nhiều vào những tháng cuối năm. Tính bình quân, mỗi ha người trồng mía có lãi 30-40 triệu đồng", ông Tô Phương Bắc nói.

Cần tạo liên kết bền vững

Sau huyện Sơn Hòa, huyện Sông Hinh có diện tích mía đứng thứ hai trong tỉnh, hằng năm dao động từ 4.500 ha đến 5.300 ha, chiếm tỷ lệ từ 20-23% tổng diện tích cây trồng hằng năm trên địa bàn huyện (khoảng 23.000 ha). Riêng niên vụ 2021-2022 có khoảng 4.520 ha, tăng 118 ha so với niên vụ trước (4.402 ha).

Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Sông Hinh, Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa là đơn vị trước đây được tỉnh phân vùng nguyên liệu mía tại địa phương, đang thu mua với giá 1.130.000 đồng/tấn (mía trên 9CCS), cao hơn 140.000 đồng/tấn so năm trước.

“Nếu giá mía tiếp tục giữ ổn định như hai năm nay thì đời sống bà con trồng mía ổn định hơn, diện tích mía sẽ phát triển nhiều hơn nữa, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số có nhiều diện tích đất sẽ có thu nhập cao hơn".

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện Sông Hinh hiện đang xảy ra tình trạng tranh mua nguyên liệu tại một số nhà máy từ Khánh Hòa, Đắk Lắk ở một số địa phương giáp ranh. Đối với những nông dân ký hợp đồng đầu tư, tiêu thụ với Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa, nông dân bán mía về công ty, còn phần lớn bán cho tư thương, sau đó tư thương bán cho các nhà máy ngoài tỉnh theo giá thị trường. 

Ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã EaLy, huyện Sông Hinh cho biết, xã có diện tích mía lớn nhất huyện với 1.700 ha, sản lượng ước đạt trên 100 ngàn tấn mía. Tuy nhiên Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa hợp đồng liên kết với người nông dân chỉ 200 ha.

Mặt khác, giá mía thu mua của nhà máy nhiều năm trước đây thấp hơn giá thị trường và các nhà máy khác. Như tại thời điểm này giá thu mua của nhà máy là 1.130.000đ/tấn mía 10 chữ đường. Trong khi đó các nhà máy ngoài tỉnh đến thu mua thông qua tư thương là 1.150.000đ đến 1.160.000 đồng/tấn mía, nhưng mua xô, không căn cứ chữ đường.

Nhiều nông dân cho rằng, qua nhiều vụ, chính sách đầu tư vùng nguyên liệu của nhà máy trên địa bàn chưa phù hợp với lợi ích, nông dân muốn liên kết với nhà máy nhưng giá thu mua thấp hơn thị trường từ những vụ trước đó, nên chưa có sự gắn kết quyền lợi.

Bất cập hiện nay là để có nguyên liệu chạy máy, nhà máy phải ra ngoài tỉnh mua mía về, còn mía trong tỉnh lại bán ra các nhà máy khác ngoài tỉnh.

Phú Yên vui mùa mía ngọt -0
 Sản xuất đường tinh luyện tại Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (Phú Yên).

Ông Nguyễn Minh Thương, nông dân trồng mía huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nói: “Nhà máy đường bỏ tiền lên Đắk Lắk mua mía về chạy, còn nông dân bán mía lên Đắk Lắk, Cam Ranh. Không biết nhà máy đường họ làm kiểu gì. Thay vì họ bỏ tiền nâng giá lên để bà con bán mía trong tỉnh mà họ lên Đắk Lắk mua mía về…”.

Vì những bất cập đó mà nông dân trồng mía trên địa bàn huyện Sông Hinh không bán mía cho nhà máy dù diện mía trên địa huyện này vốn được quy hoạch cho Công ty cổ phần mía đường Tuy Hòa.

Như hiện nay trong 1.300 ha/4.600 ha mía trên địa bàn huyện Sông Hinh đã thu hoạch chỉ có 35% sản lượng mía được bán về Nhà máy đường của Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa, 65% mía còn lại đi ra ngoài tỉnh.

Theo ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên, từ năm 2016, tỉnh Phú Yên có quyết định phân vùng nguyên liệu chi tiết cho các nhà máy để tạo điều kiện cho các nhà máy chủ động việc xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết với nông dân, tranh tình trạng cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Tuy nhiên, bắt đầu từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã quyết định bãi bỏ các quy định này. Ông Đinh Ngọc Dạn, chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trong thời gian tới, huyện vận động nông dân trồng mía liên hệ các nhà máy ký kết hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm bảo đảm lợi ích hài hòa giữa các bên.

Theo quy hoạch toàn tỉnh phát triển ổn định trên 23 ngàn ha mía mỗi vụ, tập trung chủ yếu tại các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân, Tuy An, Phú Hòa, Tây Hòa. Phú Yên có ba nhà máy đường với tổng công suất 14.000 tấn/ngày của hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt nam (100% vốn Ấn Độ) và Công ty Cổ phần mía đường Tuy Hòa. Với công suất này bảo đảm tiêu thụ hết nguyên liệu cho người nông dân.

Riêng Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam (100% vốn nước ngoài) có hai nhà máy đặt tại hai huyện trọng điểm mía là Sơn Hòa và Đồng Xuân với tổng công suất 11.000 tấn mía cây/ngày.

Để bảo đảm lợi ích hài hòa với người trồng mía, nhiều năm qua Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng làm hạ tầng cho vùng nguyên liệu. Công ty có nhiều chính sách liên kết với nông dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía gần 16.000 ha.

Bắt đầu từ vụ mía 2021, công ty đã đưa máy thu hoạch mía về hỗ trợ thu mía cho người dân, giúp nông dân tiết kiệm được được 60.000 đồng/tấn so với chặt tay.

Vụ mía năm nay, Công ty KCP còn đầu tư xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận lợi trong khâu áp dụng cơ giới hóa. Ngoài ra, công ty còn đầu tư giống mía mới, phân bón; hỗ trợ giàn trồng mía, máy thu hoạch để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu.

Theo ông SUBBAIAH, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, niên vụ 2021-2022 công ty hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân 40 tỷ đồng để trồng, chăm sóc mía. Công ty cũng đã cố gắng thu mua mía giá cao giúp nông dân có thêm thu nhập, để nông dân nhận thấy được hiệu quả và gắn bó với cây mía.

Dự kiến niên vụ mía năm 2022-2023, công ty tiếp tục đầu tư 50 tỷ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân trồng mía và ký hợp đồng với 9.000 hộ, nâng diện tích mía hợp đồng với nông dân lên 19.000 ha.