Hàng nghìn hộ gia đình bị nước ngập, tràn nhanh vào nhà hơn 2m. Vì tính mạng và tài sản của người dân, ngay trong đêm, tỉnh Phú Yên chỉ đạo huy động nhiều lượng lượng, phương tiện ứng cứu, di dời hàng nghìn người đến nơi an toàn.
Sáng 11-11, nước trên các sông đang xuống dần. Những vùng không còn bị chia cắt, chính quyền và lực lượng chức năng khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả. Trong khi đó, ở những vùng còn ngập sâu, các phương án ứng cứu, hỗ trợ được chính quyền các địa phương cùng lực lượng chức năng và phương tiện tiếp cận, sẵn sàng giúp dân trong mọi điều kiện, tình huống cho đến khi nước rút hẳn.
Chạy lũ trong đêm
Đại úy Hồ Trần Hiếu, Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Tuy An đang trực tại chốt tạm dưới chân đèo Thị, thôn Phong Hậu, xã An Định, huyện Tuy An cho biết: từ 15 giờ 30 phút ngày 10-11, nước dâng cao, chúng tôi đã kịp thời có mặt lập chốt hướng dẫn ngăn chặn không cho bất cứ ai qua lại. Đến 13 giờ trưa nay, 11-11 trên tuyến Tỉnh lộ ĐT 641 từ thị trấn Chí Thạnh huyện Tuy An đi huyện Đồng Xuân vẫn còn ngập nhiều đoạn đến hơn 1m, như tại cầu Bến Nhát, cầu Cây Cam. Một số thôn của hai xã An Nghiệp, An Định, An Thạch lực lượng cứu hộ phải dùng cano đi vào tiếp tế lương thực thực phẩm. Tại chân đèo Thị đến 12 giờ 30 phút hàng trăm người và phương tiện vẫn phải dừng lại. Công an tiếp tục điều động lực lượng cảnh sát cơ động đi giúp dân.
Ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND huyện Tuy An cho biết, lũ lên quá nhanh, kéo dài từ chiều qua tới giờ đã có 11.653 ngôi nhà bị ngập; trong đó có hàng trăm nhà ngập hơn 2m. Huyện triển khai tối đa lực lượng và phương tiện ứng cứu, ưu tiên bảo đảm an toàn về người. Theo kế hoạch huyện di dời 251 hộ/778 nhân khẩu, nhưng trước tình hình lũ đổ về quá mạnh huyện đã di dời gần 500 hộ với hơn 1.380 người đến nơi an toàn.
Tại huyện miền núi Đồng Xuân, lúc 10 giờ trưa nay, nước trên sông Kỳ Lộ tại Trạm Hà Bằng đã giảm 1,54m so với lúc 23 giờ ngày 10-11, nhưng vẫn ở mức 10,41m, trên báo động 3: 0,91m. Trong đêm, lũ lên rất nhanh, hàng nghìn người dân vội vã chạy lũ. Nhiều người được chính quyền địa phương sơ tán về nơi an toàn, nhưng đến nay vẫn canh cánh nỗi lo khi tài sản và nhà cửa còn chìm trong nước lũ. Bà Nguyễn Thị Nhị, ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân lo lắng: “Nước ngập hơn nửa nhà, còn mấy bao lúa đã cột chặt đưa lên cao, không biết bây giờ có bị ngập không”.
Mặc dù nước sông Kỳ Lộ đang xuống, nhưng hiện huyện Đồng Xuân còn 2.048 nhà bị ngập từ 0,5 đến 2m. Toàn hộ hệ thống lưới điện bị cắt và dự kiến phải mất từ 3 đến 5 ngày nữa mới được khắc phục hoàn toàn. Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết: “Các địa bàn bị chia cắt như xã Xuân Sơn Nam, Xuân Lãnh, Đa Lộc và thị trấn La Hai đã cơ bản thông tuyến lúc 8 giờ sáng 11-11. Riêng xã Xuân Sơn Bắc vẫn còn bị ngập. Rút kinh nghiệm những năm trước, người dân vùng lũ đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm tại chỗ từ trước. Trừ một số khu dân cư đến nay phương tiện đường bộ không qua lại đường, phải dùng ca nô của lực lượng vũ trang để tiếp cận ứng cứu, hỗ trợ”.
Còn tại thị xã Sông Cầu, giáp ranh với tỉnh Bình Định, lũ chạm gần mốc lũ lịch sử năm 2009, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên đã điều hai ca nô và 100 cán bộ, chiến sĩ cùng với lực lượng tại chỗ đưa 30 người dân mắc kẹt trong các nhà bị ngập sâu đến nơi an toàn trong đêm. Đại úy Lê Quốc Tuấn, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Sông Cầu nói: “Nhận được lệnh, bản thân tôi chỉ muốn giúp được nhiều người dân trong nước lũ an toàn tính mạng là trên hết”.
Khẩn trương khắc phục thiệt hại
Với tinh thần nước rút đến đâu, vệ sinh môi trường đến đó, sáng 11-11, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ cùng các ban ngành, đoàn thể và người dân huyện Đồng Xuân ra đường làm vệ sinh đường phố, thôn bôn, dọn dẹp nhà cửa, chuồng trại để sớm ổn định cuộc sống. Anh Nguyễn Thái Phong, ở thị trấn La Hai cho biết: “Đêm 10-11, nước ngập nhà 3,5m, chỉ thấp hơn cơn lũ lịch sử 2009 khoảng 1m, cả nhà phải di dời lên tầng 2 ở. Khi nước xuống, 1 giờ sáng dọn dẹp lại nhà cửa, rồi sau đó cùng mọi người dọn vệ sinh chung”.
Ông Phạm Trung Chánh Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân cho biết thêm: “Tại những vùng nước rút, nhưng còn rất nhiều bùn, đất tồn đọng. Chúng tôi đã đề nghị lực lượng vũ trang chi viện thêm 150 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội giúp dân trở về nhà cũ, dọn dẹp nơi ở, đường sá”. Cùng với đó, tỉnh Phú Yên cũng đã điều động 85 thanh niên xung kích, một xe cứu hỏa chở nước hỗ trợ dân khắc phục hậu quả.
Có mặt tại huyện Đồng Xuân cùng với đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng chí Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: “Mặc dù một số địa bàn nước đã rút, các địa phương đã chuẩn bị phương án bốn tại chỗ từ trước, nhưng cũng cần có các biện pháp hỗ trợ từ tỉnh để khắc phục sớm, đặc biệt là nhà ở, trường học, trạm y tế. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang khẩn trương thống kê thiệt hại; đồng thời kiểm tra, tìm hiểu các địa phương cần sự trợ giúp gì để kịp thời hỗ trợ để khắc phục sớm hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống nhân dân”.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên, bão số 12 làm 62 nhà dân bị sập, hư hỏng và tốc mái, hơn 7.000 người phải sơ tán; 68/110 xã bị mất điện; nhiều trường học bị đổ tường, đường giao thông sạt lở, đất đá bồi lấp; một tàu cá bị chìm, một bị cuốn trôi; một người mất tích do trượt chân rơi xuống sông và hai người bị thương; 41 ha lúa, hoa màu bị hư hỏng…
Hiện nay, tình trạng ngập úng và lũ lụt trên các sông vẫn còn, nên các địa phương đang chờ nước rút xuống và tiếp tục rà soát, cập nhật số liệu thống kê, báo cáo thiệt hại. Đối với ngành điện, đang khẩn trương khắc phục sự cố mất điện tại các địa phương trong thời gian sớm nhất để người dân ổn định cuộc sống sinh hoạt, sản xuất.
Do nước lũ vẫn còn đổ về từ thượng nguồn, lúc 9 giờ ngày 11-11, Thủy điện sông Ba Hạ đang xả lũ 4.500 m3/s, dự kiến 12-24 giờ tiếp theo, tổng lưu lượng về hạ du đạt từ 4.900-5.900 m3/s; Thủy điện sông Hinh 254 m3/s; Krông HNăng 317 m3/s; La Hiêng 159 m3/s. Các phương án phòng chống lũ và bão số 13 tại Phú Yên đang tiếp tục được triển khai đề phòng thiệt hại.