“Phủ xanh” các cảng biển

Xanh hóa và số hóa hệ thống cảng biển được xem là xu thế tất yếu khi sau năm 2030, tiêu chí cảng xanh trong quy hoạch, đầu tư xây dựng và kinh doanh khai thác cảng biển tại Việt Nam được áp dụng bắt buộc trên cơ sở phê duyệt của Bộ Giao thông vận tải. Hệ thống cảng biển khu vực Đông Nam Bộ đang nỗ lực chuyển mình tiến tới “phủ xanh” Cảng biển để bảo vệ môi trường, tiết kiệm nhiên liệu mang lại hiệu quả chi phí vận hành.
0:00 / 0:00
0:00

Giảm phát thải, chuyển đổi sang năng lượng xanh

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Giám đốc kinh doanh Cảng quốc tế Tân Cảng - Cái Mép (TCIT) thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, nhiều năm nay TCIT đã thay đổi toàn bộ hệ thống chiếu sáng từ sử dụng bóng đèn OSRAM sang sử dụng bóng đèn LED trên tất cả các cẩu RTG & STS. Cảng này cũng chuyển các thiết bị nâng chạy bằng dầu diesel sang chạy bằng điện để giảm phát thải, bảo vệ môi trường và góp phần tiết kiệm chi phí vận hành.

Tương tự, các cảng như ICD Tân Cảng - Sóng Thần, Tân Cảng Cát Lái thuộc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn đã trở thành trung tâm logistics “xanh” đầu tiên sử dụng điện mặt trời tại Việt Nam, đó cũng là lộ trình tiến tới “phủ xanh” cảng biển theo xu hướng của Việt Nam và toàn cầu.

Đại tá Bùi Văn Quỳ, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết: Doanh nghiệp đã triển khai thực hiện các giải pháp Cảng xanh từ rất sớm như tiết kiệm nguồn tài nguyên, sử dụng năng lượng sạch tại cảng, xử lý chất thải tại cảng, ứng dụng công nghệ 4.0...

Những giải pháp đó được cụ thể hóa thông qua các hoạt động như thay thế thiết bị nâng hạ sử dụng dầu diesel bằng các thiết bị chạy điện (tiết kiệm 1,5-2 triệu USD phí nhiên liệu/năm); tăng cường vận tải thủy với sức chở cùng lúc được 3.000 TEU (thay thế được khoảng 2.000 ô-tô chở container); áp dụng chứng từ điện tử giúp thời gian xe đậu chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút còn 6 phút; xóa bỏ văn bản giấy tại cảng khoảng 30.000-50.000 tờ/ngày; trồng cây xanh dọc tuyến bến tàu và đường giao thông...

Hiện nay các cảng cũng không ngừng đổi mới trang thiết bị sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tự nhiên nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo vệ môi trường; thay thế, sử dụng bóng đèn LED trên toàn bộ hệ thống cẩu bờ, cẩu bãi; phát triển hệ thống lọc sóng để bảo đảm hệ thống điện lưới ổn định, tận dụng nguồn điện dư thừa từ cẩu bờ để làm năng lượng sử dụng cho văn phòng, bãi container và hệ thống điện bãi.

“Mục tiêu sắp tới của chúng tôi là tiếp tục xanh hóa các dịch vụ của hệ thống theo chuẩn quốc tế nhằm bảo đảm năng lực cạnh tranh khu vực và toàn cầu. Trong đó, chúng tôi cũng là đơn vị đi đầu trong phát triển dịch vụ vận tải xanh với các dịch vụ vận tải bằng sà-lan kết nối các cảng khu vực Đông Nam Bộ; kết nối cảng tại Thành phố Hồ Chí Minh với vùng đồng bằng sông Cửu Long...”, Đại tá Bùi Văn Quỳ nhấn mạnh.

Cũng nằm trong xu thế xanh hóa hệ thống cảng biển, theo Ban điều hành Công ty cổ phần Cảng Long An, giai đoạn 2024-2025 và hướng đến năm 2030 mô hình cảng xanh sẽ là tất yếu. Do đó, Cảng Long An thực hiện 100% thiết bị nâng hạ được thay thế từ chạy dầu diesel qua chạy bằng điện; đồng thời đầu tư hệ thống năng lượng mặt trời, đầu tư điện bờ để cấp điện cho tàu vào làm hàng nhằm hạn chế tàu vào cảng phải nổ máy nằm chờ xếp dỡ.

Cần nguồn vốn và nhân lực

“Cảng xanh” là cảng phát triển dựa trên tiêu chí về tăng trưởng kinh tế xanh, và đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt từ tháng 10/2020. Với tiêu chí cảng xanh đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố, để được công nhận là cảng xanh, các cảng phải đáp ứng nhiều tiêu chí từ việc sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời...), sử dụng nhiên liệu LNG, hydro, amoniac...

Cảng cũng có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa các chuỗi vận hành khai thác; thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử. Đây cũng là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp triển khai việc xanh hóa cảng biển.

Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng: Hành trình chuyển đổi Cảng xanh thách thức đầu tiên là nguồn vốn, sau đó là hệ thống pháp lý và nguồn nhân lực. Theo tính toán, hệ thống cảng biển Việt Nam cần 313 nghìn tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2023 để đầu tư kết cấu hạ tầng hàng hải phục vụ chuyển đổi xanh. Thời gian qua, các doanh nghiệp đang tích cực trong chuyển đổi xanh, trong đó có các cảng ở khu vực Đông Nam Bộ như đầu tư thiết bị bốc dỡ, thay thế năng lượng sạch để giảm phát thải và tiết kiệm chi phí.

Trong giai đoạn hiện nay, Cục Hàng hải Việt Nam đang thực hiện điều chỉnh Quy hoạch tổng thể hệ thống phát triển cảng biển Việt Nam, đưa ra định hướng phát triển cảng biển và trình độ công nghệ để góp phần thực hiện cảng biển xanh, góp phần giảm phát thải, đồng thời thực hiện rà soát toàn bộ Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, để làm sao tích hợp các quy định liên quan đến chuyển đổi xanh từ đó định hướng, tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp thực hiện.

Là đơn vị tư vấn cho Dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (Thành phố Hồ Chí Minh), ông Phạm Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast) chia sẻ: Theo Tiêu chuẩn cơ sở về cảng xanh được ban hành bởi Cục Hàng hải Việt Nam, ba tiêu chí chính về cảng xanh, bao gồm: Cam kết và sẵn sàng; Hành động và thực hiện; Hiệu lực và hiệu quả. Đối với Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, ngay từ giai đoạn nghiên cứu khởi đầu, nhà đầu tư đã nhận thức, sẵn sàng và cam kết thúc đẩy cảng xanh.

Các thiết kế sơ bộ của dự án cũng hướng đến việc hệ thống thiết bị cảng sẽ sử dụng năng lượng điện thay cho năng lượng có nguồn gốc hóa thạch nhằm giảm phát thải, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động khai thác được đặc biệt quan tâm. Giải pháp xây dựng công trình được nghiên cứu kỹ nhằm sử dụng tài nguyên một cách hợp lý.

Ngay từ giai đoạn nghiên cứu khởi đầu, nhà đầu tư đã nhận thức, sẵn sàng và cam kết thúc đẩy cảng xanh. Các thiết kế sơ bộ của dự án cũng hướng đến việc hệ thống thiết bị cảng sẽ sử dụng năng lượng điện thay cho năng lượng có nguồn gốc hóa thạch nhằm giảm phát thải, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động khai thác được đặc biệt quan tâm.

Theo ông Tuấn, đối với các cảng biển khu vực Đông Nam Bộ, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp cảng đã nhận thức và sẵn sàng cho lộ trình chuyển đổi. Tuy nhiên do hầu hết các cảng đang khai thác đã trang bị thiết bị sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch, vì vậy các cảng sẽ theo lộ trình chuyển đổi mà Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh của Chính phủ đề ra. Đối với các cảng mới, đang trong bước chuẩn bị đầu tư hoặc chưa đầu tư thì cần thiết kế để đáp ứng tiêu chí cảng xanh ngay từ đầu.