Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thanh Ba Nguyễn Chí Thành chia sẻ, sau hơn 10 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện Thanh Ba đã huy động gần 5.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình này.
Đến nay toàn huyện đã có 18/18 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 22 khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/người/năm (tăng 33,4 triệu đồng so với năm 2011); giá trị sản phẩm đạt 116 triệu đồng/ha đất canh tác nông lâm nghiệp và thủy sản; tỷ lệ đường giao thông nông thôn bê-tông kiên cố hóa về xã 100%...
Huyện cũng xác định xây dựng nông thôn mới phải gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân theo hướng bền vững, đi vào chiều sâu gắn với bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị tốt đẹp văn hóa truyền thống...
Lãnh đạo tỉnh Phú Thọ và huyện Thanh Ba thăm vùng nguyên liệu chè đặc sản búp tím của huyện. |
Các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng từ huyện đến cơ sở với phương châm “phát huy nội lực là chính”, huy động sức mạnh tổng hợp trong nhân dân, phù hợp với sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và thực tiễn ở địa phương, cơ sở; phát huy sáng kiến, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân...
Đặc biệt, với tinh thần và quan điểm chỉ đạo, “vững từ khu, chắc từ xã” để huyện đạt nông thôn mới vững chắc, các địa phương tập trung chỉnh trang, củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí. Các xã, thị trấn đều phát động các đợt cao điểm xây dựng nông thôn mới, trọng tâm vào các tiêu chí như tổ chức sản xuất, giao thông, bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu... thu hút sự tham gia, hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân…
Bí thư Huyện ủy Thanh Ba Nguyễn Kim Chi cho biết thêm, huyện Thanh Ba phấn đấu trong giai đoạn 2023-2025 mỗi năm có 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (lũy kế đến hết năm 2025 có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu); đến năm 2030 huyện Thanh Ba đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao.
Theo đó, huyện Thanh Ba sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, kết nối giữa các vùng với trục trung tâm đô thị và các trục kinh tế, khu vực động lực của tỉnh. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, bền vững, gắn sản xuất với chế biến nông sản, nâng cao đời sống về mọi mặt cho người dân nông thôn.
Tuyến đường kết nối trung tâm huyện Thanh Ba với cao tốc Nội Bài-Lào Cai mở ra hướng phát triển mới cho huyện. |
Từng bước gắn sản xuất nông nghiệp, nông thôn mới với du lịch, dịch vụ, bảo vệ môi trường sinh thái, xây dựng làng xã sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa...
Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đề nghị trong thời gian tới, huyện Thanh Ba cần tiếp tục triển khai hiệu quả các vấn đề về phát triển kinh tế xã hội, phát triển không gian vùng trong quy hoạch của tỉnh đã được thông qua giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 với ưu tiên phát triển nông lâm nghiệp, chế biến lâm nông sản theo hướng giá trị gia tăng cao, phát triển mạnh về dịch vụ.
Huyện Thanh Ba sẽ tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, kết nối giữa các vùng với trục trung tâm đô thị và các trục kinh tế, khu vực động lực của tỉnh.
Tiếp tục thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm có chất lượng cao hơn, hiệu quả cao hơn, nhất là xây dựng các sản phẩm đã có thương hiệu sẵn có của địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Tập trung khai thác tốt tiềm năng và lợi thế sẵn có để phát triển một cách toàn diện, trong đó chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ…, phấn đầu đến năm 2030 huyện Thanh Ba là huyện nông thôn công nghiệp…
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ Bùi Minh Châu đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất và Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Thanh Ba.