Ở tuổi ngoài 70, nhưng đến bây giờ bác Hoàng Văn Khánh ở khu 11, xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) và nhiều người dân khác mới được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Bác Khánh cho biết: “Những gia đình ở khu 11, xã An Đạo chúng tôi có nước hợp vệ sinh từ cuối năm 2014 do Nhà máy xử lý nước sạch thị trấn Phong Châu cung cấp. Cả khu rất phấn khởi và càng vui hơn khi nguồn nước được cung cấp rất đầy đủ, nước khỏe và rất bảo đảm". Anh Lê Văn Sủng khu 11, xã An Đạo chia sẻ: “Khoảng vài năm trước, người dân trong khu chúng tôi muốn có nước ăn thì phải lọc nước từ giếng khoan để sử dụng. Không bảo đảm vệ sinh nhưng chẳng còn cách nào khác. Hiện nay, gia đình tôi có bốn người đều dùng nước máy hằng ngày, rất tiện lợi và an toàn”.
Đời sống người dân ở vùng nông thôn Phú Thọ còn nhiều khó khăn. Nhu cầu được sử dụng nước hợp vệ sinh của người dân vùng nông thôn là rất bức thiết. Những năm qua, với sự quan tâm của tỉnh cũng như các ban, ngành chức năng trên địa bàn, các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ở Phú Thọ đã và đang được triển khai hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ người dân nông thôn được tiếp cận nước hợp vệ sinh năm sau luôn cao hơn năm trước, đến nay đã đạt gần 90%; tỷ lệ người nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là gần 78%.
Theo Chi cục trưởng Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ) Lâm Việt Tuấn, việc cấp nước hợp vệ sinh đến với người dân đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Toàn tỉnh đã xây dựng được 197 công trình nước sạch từ nhiều nguồn vốn khác nhau, trong đó có khoảng 130 công trình nước tự chảy, nên khi vào mùa khô thường thiếu nước. Bên cạnh đó, khoảng 60 công trình cấp nước nhỏ không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Một số công trình không sử dụng thường xuyên nên đã xuống cấp, khả năng cung cấp nước bị hạn chế; nhiều công trình đã lạc hậu.
Đứng trước thực trạng đó, khoảng 5 năm trở lại đây, Phú Thọ đã đổi mới tư duy đầu tư bằng việc tập trung xây dựng các nhà máy lớn và mở rộng các công trình cũ nhằm tăng khả năng cung cấp nước, đưa công nghệ hiện đại vào sử dụng, bảo đảm chất lượng nước và tính bền vững của công trình. Giám đốc Nhà máy xử lý nước sạch thị trấn Phong Châu (huyện Phù Ninh) Nguyễn Ngọc Trung cho biết, Nhà máy có công suất 9.500 m3/ngày đêm, được khởi công từ ngày 10-11-2011, bao gồm các hạng mục trạm bơm nước thô; đường ống dẫn nước thô chiều dài 1,75 km; khu xử lý nước với bể chứa nước sạch dung tích 1.000 m3, trạm bơm nước sạch, nhà hóa chất; đường ống dẫn nước sạch dài 5,99 km… tổng nguồn vốn đầu tư 55 tỷ đồng. Nhà máy hoàn thành đưa vào sử dụng bảo đảm cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nhu cầu khác tại các xã, thị trấn trong huyện Phù Ninh và Lâm Thao từ nay đến năm 2020. Hiện, Nhà máy đang cung cấp nước cho khoảng 10 nghìn hộ dân ở 17 xã, thị trấn của hai huyện Phù Ninh và Lâm Thao. Nhà máy lấy nước mặt sông Lô để xử lý theo quy trình trước khi cung cấp đến hộ dân.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đánh giá lại toàn bộ các công trình đã đầu tư trước đó để có phương hướng giải quyết nhằm bảo đảm phục vụ nhu cầu nước hợp vệ sinh của nhân dân tốt hơn; đối với các công trình chưa bảo đảm hiệu quả, sẽ thay đổi cách thức để phục vụ người dân tốt hơn; tập trung đầu tư xây dựng các công trình cấp nước hướng đến nhu cầu của người dân và theo hướng bền vững...