Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng chủ trì phiên thảo luận. Diễn giả bao gồm các nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong; Lê Anh Đạt, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Đại Đoàn Kết. Khách mời bao gồm các nhà báo Hồ Trí (VTV24); Võ Mạnh Hùng (Báo điện tử VietnamPlus), Chu Trung Đức (Đài Tiếng nói Việt Nam-VOV).
Theo nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, phóng sự điều tra là thể loại đặc biệt, được coi là trọng pháo của báo chí nhưng cũng tốn kém nhất và gây hiệu ứng lớn nhất.
CẦN HÀNH LANG PHÁP LÝ RIÊNG CHO NHỮNG NGƯỜI LÀM PHÓNG SỰ ĐIỀU TRA
Chia sẻ tại phiên, nhà báo Phùng Công Sưởng, Phó Tổng Biên tập báo Tiền Phong đã nêu ra những thách thức mang tính sống còn trong việc phát triển thể loại báo chí điều tra.
Khẳng định, phóng sự điều tra là thể loại "búa bổ", là "hòn đá tảng" trên mỗi tờ báo, nhà báo Phùng Công Sưởng cũng nhận định, hiện nay, số lượng các tác phẩm thuộc thể loại này đang khá thưa thớt, ít tác phẩm thực sự hấp dẫn và lay động.
Nhà báo Phùng Sưởng cũng thẳng thắn chỉ ra những rào cản như tâm lý ngại khó, ngại khổ, ngại tiếp xúc, va đập với cuộc sống của nhiều phóng viên trẻ; nguy cơ khi tác nghiệp; chi phí bỏ ra lớn; thiếu sự quan tâm của lãnh đạo cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, việc bạn đọc ngày một kén tác phẩm cũng khiến cho điều tra đứng trước nguy cơ lớn.
Nhà báo Phùng Công Sưởng chia sẻ tại phiên thảo luận. |
Nhà báo Phùng Sưởng cũng vạch rõ những nguy cơ pháp lý mà nhà báo điều tra hay gặp phải, bao gồm việc sử dụng những tài liệu chưa được giải mật; thông tin về những vấn đề đang trong quá trình điều tra theo quy trình tố tụng, nhưng sau khi khi kết luận thì thông tin không như báo nêu; tiếp cận thông tin từ các nguồn chưa được kiểm chứng; người cung cấp thông tin không phải là người đúng thẩm quyền; nhập vai trong quá trình tác nghiệp vượt giới hạn cho phép dẫn đến vi phạm pháp luật, thậm chí bị đe doạ và bị hành hung.
"Trong luật chưa thừa nhận nhà báo khi tác nghiệp là người thi hành công vụ. Đó cũng chính là những rủi ro cho người làm điều tra", ông Sưởng nêu thực trạng.
Để phát triển báo chí điều tra, Phó Tổng Biên tập Báo Tiền Phong đưa ra 4 nhóm giải pháp, bao gồm:
Một là, tiếp tục có chương trình, giáo trình, có đội ngũ nhân sự để đào tạo các phóng viên điều tra ngay từ khi các em còn học đại học; tăng cường sự tương tác giữa môi trường học và hành; tăng cường trao đổi kinh nghiệm kỹ năng nghề nghiệp với các nhà báo điều tra có kinh nghiệm với mục đích truyền nghề, truyền cảm hứng cho các thế hệ phóng viên điều tra.
Đông đảo nhà báo, công chúng báo chí tham dự phiên thảo luận. |
Hai là, tại các cơ quan báo chí nhất là các cơ quan báo chí lớn, tuỳ điều kiện khôi phục lại nhóm/ tổ/ phòng ban chuyên về thể loại điều tra. Trên các số báo; giao diện; chương trình của các cơ quan báo chí nên duy trì những chuyên mục, mục, chương trình với tên gọi gắn với thể loại nhằm “giữ lửa” cho thể loại và giữ chân độc giả yêu thích thể loại này đồng thời lôi kéo phát triển các nhóm độc giả mới.
Ba là, cần có cơ chế chính sách phù hợp về điều kiện làm việc, thu nhập, nhằm khuyến khích những cây viết lĩnh vực này yên tâm công tác, có thu nhập khá, có sự đảm bảo khi gặp rủi ro, sự cố. Cần thiết có thể thành lập “Quỹ phòng ngừa rủi ro”. Cơ quan báo chí ưu tiên đầu tư về công nghệ phương tiện để hỗ trợ các tác phẩm báo chí không chỉ có chất lượng cao mà còn có hình thức hấp dẫn, tiếp cận nhanh nhất đến độc giả.
Bốn là, Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu cơ chế, chính sách; đưa ra các kiến nghị để coi người làm báo chí điều tra là những người thi hành công vụ.
Nhà báo Hồ Quang Lợi, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định, hiện nay, hệ thống pháp luật chưa đủ để bảo vệ các nhà báo. Do đó, cần phải có quy định rõ ràng hơn, đủ hiệu năng hơn; cũng như cần những người thực thi pháp luật để bảo vệ các nhà báo.
Ngoài ra, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: Mỗi Tổng Biên tập cần phải luôn luôn ở phía sau phóng viên, để họ cảm thấy có chỗ dựa.
"Tổng Biên tập dũng khí, thấy cái sai kiên quyết đấu tranh, thấy cái đúng kiên quyết bảo vệ thì sẽ có những phóng viên có phẩm chất như thế trong chính toà soạn của mình", nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh.
NHỮNG BÀI HỌC XƯƠNG MÁU PHÍA ĐẰNG SAU TRANG VIẾT
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Lê Anh Đạt, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Đại Đoàn Kết đã có những chia sẻ về kinh nghiệm thực hiện phóng sự điều tra cũng như những bài học rút ra phía sau trang viết.
Đồng tình với nhà báo Phùng Công Sưởng về việc thiếu hành lang pháp lý cho những người làm điều tra, ông Đạt lưu ý, các nhà báo, phóng viên khi tham gia vào thể tài này cần phải có kế hoạch được Ban Biên tập phê duyệt và lên phương án bảo đảm an toàn.
Nhà báo Lê Anh Đạt chia sẻ kinh nghiệm làm điều tra tại Báo Đại Đoàn Kết. |
Bên cạnh đó, Phó Tổng Biên tập thường trực Báo Đại Đoàn Kết cũng đưa ra thực tế về việc các tuyến bài điều tra thường xuyên bị can thiệp từ nhiều cấp bậc và các mối quan hệ đan xen. Ông Đạt khẳng định: Nếu không xử lý khéo vấn đề này, hầu hết các tuyến bài điều tra sẽ bị "việt vị".
Dẫn chứng kinh nghiệm khi thực hiện loạt bài “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc 'ma mị' giữa Thủ đô”, ông Đạt cho biết, vào thời điểm đó, Báo Đại Đoàn Kết cũng từng bị can thiệp rất nhiều. Mặc dù vậy, Ban Biên tập báo vẫn quyết định đi tới cùng sự việc và sử dụng báo giấy-phương thức không thể bị gỡ bỏ-để phát hành.
"Có ngày, chúng tôi dành đến 5 trang báo giấy để đăng tải về vụ việc", nhà báo Lê Anh Đạt thông tin.
Loạt bài “Vén bức màn bí ẩn Câu lạc bộ Tình Người mang màu sắc ma mị giữa Thủ đô” được thực hiện từ đầu tháng 3/2021. Đây là loạt bài điều tra độc quyền của Báo Đại Đoàn Kết về hoạt động lợi dụng tâm linh để trục lợi.
Ban Biên tập báo khẳng định quan điểm: Đi tới cùng vấn đề, và làm tổng lực trên các ấn phẩm, với nhiều cách khác nhau. Bắt đầu từ một ấn phẩm không thể gỡ bài khi đã xuất bản, đó là báo giấy.
Sau khi báo giấy tiên phong đi trước đăng gần chục bài đưa ra ánh sáng hoạt động ma mị của Câu lạc bộ này, ngày 19/4/2021, Báo Đại Đoàn Kết điện tử tổ chức Tọa đàm trực tuyến: “Thực hành tâm linh thế nào cho đúng”; và “Trách nhiệm công chức trước hoạt động mê tín dị đoan”. Loạt bài về sau đã nhận giải A - giải cao nhất Giải Báo chí quốc gia năm 2021 và Giải báo chí toàn quốc về chống tham nhũng, tiêu cực năm 2021.
Chia sẻ lại câu chuyện trên, nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định: Đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng xã hội tiến bộ là sứ mệnh cao cả của báo chí. Ông đồng thời cũng đưa ra các bài học "xương máu" trong hành trình dấn thân và làm nghề như việc nhập vai thế nào cho an toàn và không vượt qua... ranh giới; quy trình bảo mật đề tài và quá trình thực hiện; cách lựa chọn nền tảng đăng tải; việc thẩm định chi tiết; xử lý phản hồi; cách bảo vệ nguồn tin và lưu trữ tài liệu.
ĐIỀU TRA CẦN KIẾN THỨC, CÁI TÂM TRONG SÁNG VÀ MỘT TINH THẦN DẤN THÂN
Bước sang phần thảo luận, các nhà báo cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm cá nhân trong hành trình "điều tra để làm điều có ích" cho xã hội.
Đứng trên góc độ lãnh đạo cơ quan báo chí, nhà báo Phùng Công Sưởng cho rằng, mỗi tờ báo cần cân bằng giữa thông tin thời sự và các tuyến bài sâu để giữ được giá trị cốt lõi; đồng thời phù hợp với tài chính của từng cơ quan.
Khẳng định những người làm điều tra vô cùng cô đơn, các nhà báo Hồ Trí (VTV24), Chu Trung Đức (VOV Giao thông) và Võ Mạnh Hùng (VietnamPlus) cho rằng, điều cần thiết nhất là lòng quyết tâm và niềm tin vào việc mình đã, đang và sẽ làm những điều có ích cho xã hội.
"Làm điều tra tuy vất vả và hiểm nguy nhưng cũng rất đáng để tự hào, để đam mê vì lý tưởng", nhà báo Võ Mạnh Hùng nói.
Các khách mời chia sẻ tại phiên thảo luận. |
Bàn về vấn đề sức ép khi làm điều tra, nhà báo Lê Anh Đạt khẳng định: Bản thân ông đã nhận được rất nhiều lời đe doạ khi thực hiện loạt bài về Câu lạc bộ tình người.
"Những cuộc tấn công, can thiệp đến từ nhiều nơi. Chúng tôi đã phải chống đỡ rất kinh khủng. May mắn, chúng tôi luôn nhận được ủng hộ của Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, lãnh đạo thành phố Hà Nội; Ban Tôn giáo Chính phủ; nhiều nhà tu hành Phật giáo; nhiều nhà khoa học, đặc biệt là sự ủng hộ của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Niềm hạnh phúc của chúng tôi là đã đi tới tận cùng sự việc", nhà báo Lê Anh Đạt bày tỏ.
Chia sẻ tại phiên thảo luận, nhà báo Nguyễn Xuân Hải, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội Nhà báo Hà Tĩnh cho rằng, điều cốt lõi của nhà báo điều tra là sự dấn thân và truyền cảm hứng.
"Hành trình của phóng sự điều tra từ xưa tới nay vẫn là hành trình làm điều có ích cho xã hội", nhà báo Nguyễn Xuân Hải nhấn mạnh.
Tới dự toạ đàm, nhà báo lão thành Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân đánh giá cao các ý kiến tham luận; đồng thời khẳng định, điều cả xã hội quan tâm là nhà báo sẽ mang lại điều gì có ích cho nhân dân.
Nhà báo Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân chia sẻ tại phiên thảo luận. |
Nhà báo Hồng Vinh đưa ra lời khuyên: Để làm được thể tài điều tra, các nhà báo cần hội tụ đủ 3 phẩm chất: Bản lĩnh - Tri thức và trình độ tác nghiệp.
"Người làm điều tra cần xác định rõ việc mình làm có vì lợi ích nhóm hay không, có phải để nổi danh hơn hay không? Quan trọng và cao cả hơn, mỗi người cần khẳng định mình đang chống tiêu cực để hướng tới mục tiêu có ích cho xã hội, cho nhân dân và dấn thân để đi tới cùng", nhà báo Hồng Vinh chia sẻ.
Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân cũng lưu ý, nhà báo điều tra cần tích luỹ tri thức, hiểu rõ, hiểu sâu về đề tài mình lựa chọn cũng như các quy định pháp luật có liên quan. Ngoài ra, nhà báo cũng cần lựa chọn cách viết để bảo đảm tác phẩm có tính thuyết phục và hấp dẫn.
Đồng tình với nhà báo lão thành Hồng Vinh, nhà báo Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là khả năng tác nghiệp của các nhà báo.
"Đây là một điều vô cùng quan trọng. Mỗi nhà báo phải trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật, hiểu biết xã hội và đặc biệt khả năng tác nghiệp. Mỗi phóng viên phải tự bảo vệ được mình mới có thể bảo vệ được sự thật và lẽ phải", nhà báo Hồ Quang Lợi đúc kết.
Nhà báo Hồ Quang Lợi chia sẻ tại phiên thảo luận. |