Tỉnh Thanh Hóa có quy mô nuôi 1,2 triệu con lợn, 455 nghìn con trâu, bò, gần 24 triệu con gia cầm. Chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô công nghiệp, dần hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm, ngành chăn nuôi cung ứng cho thị trường 252 nghìn tấn thực phẩm, 289 triệu quả trứng, gần 51 nghìn tấn sữa.
Thượng du Thanh Hóa rất giàu tiềm năng, lợi thế phát triển chăn nuôi đại gia súc, số lượng trâu, bò chiếm tới hai phần ba tổng đàn toàn tỉnh. Dẫu vậy, dịch bệnh vẫn phát sinh, gây thiệt hại lớn đối với ngành chăn nuôi. Năm 2014, dịch lở mồm long móng bùng phát ở vùng thượng du Thanh Hóa, rồi lan xuống năm huyện khu vực đồng bằng làm 500 con trâu, bò mắc bệnh.
Tiếp đó, năm 2018, rồi năm 2019 bệnh lở mồm long móng tiếp tục xuất hiện trên đàn trâu, bò, lợn ở một số địa phương trong tỉnh Thanh Hóa, đe dọa sinh kế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng con giống kế cận, thực phẩm, sữa. Cấp ủy, chính quyền các địa phương cùng hệ thống thú y tập trung tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nông hộ thay đổi tập quán chăn nuôi; kiểm soát, kiểm dịch con giống đưa vào tỉnh; sử dụng các loại vắc-xin tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc.
Tại khu vực Quốc Thành, huyện Bá Thước, cấp ủy, chính quyền xã Lũng Niêm, nhất là hệ thống chính trị ở thôn Lặn Trong và Lặn Ngoài tập trung vận động, trợ giúp hơn 170 hộ chăn nuôi chuyển chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; hướng dẫn nông dân tổ chức chăn nuôi theo hướng an toàn dịch bệnh. Anh Hà Văn Ái, ở thôn Lặn Ngoài cho biết: Bảo đảm tiêu chí vệ sinh môi trường gắn với khai thác dịch vụ du lịch, gia đình anh đầu tư hơn 50 triệu đồng dựng cột, đổ sàn bê-tông trên diện tích ao nuôi cá, chuyển toàn bộ khu vực chuồng trại chăn nuôi (quy mô 2 lợn nái, gần 20 con lợn thịt) ra xa nhà.
Huyện miền núi Bá Thước hiện có hơn 50 nghìn con gia súc, 487 nghìn con gia cầm; 36 trang trại chăn nuôi lợn, nuôi trâu, bò, gia cầm. Hưởng lợi từ Chương trình 30a, rồi ngân sách tỉnh hỗ trợ, huyện mua vắc-xin, phân công cán bộ bám cơ sở kiểm tra, hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tiêm phòng triệt để cho đàn gia súc, gia cầm. Kết quả tiêm phòng đợt 1 năm 2022, hộ chăn nuôi cùng lực lượng chuyên môn đã tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò đạt hơn 90,8% diện tiêm. Tiêm vắc-xin phòng bệnh tụ dấu, dịch tả cho đàn lợn đạt tỷ lệ gần 82%; phòng cúm cho gia cầm đạt 57,4%; phòng dại chó, mèo đạt 77,3% diện tiêm.
Các đơn vị chuyên môn, UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng biện pháp kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên làm vệ sinh chuồng trại, diệt côn trùng, ruồi, muỗi, ve, mòng... bằng thuốc, hóa chất sát trùng, vôi; bổ sung chất dinh dưỡng, khoáng chất, tu sửa chuồng trại, chống nóng, chống rét, mưa, gió nhằm nâng cao sức đề kháng cho gia súc. Do vậy, từ tháng 8/2021 đến nay, đã không phát sinh dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm ở huyện Bá Thước.
Dần kiểm soát, khống chế được dịch bệnh lở mồm long móng, nhưng năm 2019 kéo dài sang đầu năm 2020, dịch tả lợn châu Phi xâm nhập, lây lan ở Thanh Hóa, gây thiệt hại 900 tỷ đồng. Ngoài huy động nguồn lực tại chỗ, ngân sách thực chi gần 437 tỷ đồng hỗ trợ người chăn nuôi thực thi các biện pháp quyết liệt dập dịch, tái đàn.
Từ tháng 2 đến tháng 8/2021, bệnh viêm da nổi cục xâm nhập, phát sinh, làm 7.640 con trâu, bò mắc bệnh, buộc phải tiêu hủy hơn 2.000 con trâu, bò, gây thiệt hại khoảng 28 tỷ đồng. Hơn nữa, với 75% các loại dịch bệnh nguy hiểm ở người có nguồn gốc từ động vật, tiêm phòng triệt để cho đàn vật nuôi sẽ hạn chế, triệt tiêu những hiểm họa dịch, bệnh có khả năng lây sang người.
Trưởng phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi-Thú y tỉnh Thanh Hóa Đặng Trường Giang phân tích: Phòng dịch chủ động luôn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên điều kiện dân sinh, kinh tế của người chăn nuôi ở các huyện: Lang Chánh, Bá Thước, Thường Xuân, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát còn nhiều khó khăn. Kết thúc Chương trình 30a, không trông chờ vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn tiếp nối, năm 2021 tỉnh Thanh Hóa trích ngân sách mua năm loại vắc-xin tiêm phòng, bảo vệ đàn vật nuôi ở sáu huyện nghèo.
Triển khai kế hoạch tiêm phòng đợt 1 năm 2022, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục bố trí gần 6 tỷ đồng ngân sách hỗ trợ người chăn nuôi ở sáu huyện nghèo, mua 266,5 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng viêm da nổi cục, tụ huyết trùng, lở mồm long móng cho trâu, bò; 50.800 liều vắc-xin tiêm phòng dịch tả cho lợn và 937 nghìn liều vắc-xin tiêm phòng cúm gia cầm H5N1.