Ðáng chú ý, một số hộ chứa trong nhà nhiều chất dễ cháy như xăng, dầu,… nhưng không được bảo quản đúng cách tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Hậu quả các vụ cháy đều để lại những thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ðể hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả.
Vừa qua, tại căn nhà số 24 phố Thành Công (phường Quang Trung, quận Hà Ðông, Hà Nội) xảy ra vụ cháy nghiêm trọng. Nhận tin báo, Trung tâm thông tin chỉ huy Công an TP Hà Nội điều nhiều xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ đến dập lửa.
Theo thông tin ban đầu, chủ nhà là ông Nguyễn Quang M. (43 tuổi); vụ cháy làm bốn người chết và một người bị thương. Bốn người chết gồm bà Nguyễn Thị X. (67 tuổi, mẹ đẻ của chủ nhà), Nguyễn Minh P. (10 tuổi), Nguyễn Quang Minh Ð. (8 tuổi), Nguyễn Quang Minh H. (4 tuổi), cả ba cháu đều là con của chủ nhà. Căn nhà có diện tích xây dựng khoảng 40m2, kết cấu bê-tông cốt thép, tường gạch. Gia đình ông M. đã chuyển đến sinh sống tại đây được hơn một năm. Nguyên nhân vụ cháy đang được cơ quan chức năng điều tra.
Trước đó, tại quán bar rộng 90m2, cao bốn tầng tại số 144 Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng xảy ra cháy. Thời điểm xảy ra cháy quán không có khách, chỉ có bốn nữ nhân viên. Tất cả leo lên ban-công tầng bốn kêu cứu. Sau đó, bảy xe chữa cháy cùng hàng chục chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH phun nước liên tục vào đám cháy.
Sau những nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng chức năng thì đám cháy đã được khống chế. Vụ cháy đã khiến ba người chết là Bùi Thị Hải Y., Nguyễn Uyển N., Nguyễn Ngọc A., chỉ có một người thoát được ra ngoài. Lãnh đạo quận Ngô Quyền đã thăm hỏi các gia đình nạn nhân thiệt mạng, hỗ trợ mỗi nhà 10 triệu đồng; động viên người được giải cứu 5 triệu đồng. Nguyên nhân vụ cháy đang được điều tra, làm rõ…
Qua tìm hiểu, nguyên nhân chính xảy ra các vụ cháy, nổ là do thời tiết nắng nóng, nền nhiệt tăng cao, khiến các vật liệu trở nên khô kiệt, dễ bén lửa, cùng với đó là nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao, khiến các thiết bị điện quá tải. Ngoài ra, khi thời tiết nắng nóng, các phương tiện giao thông tỏa nhiệt, khói rất nhiều và có trường hợp cốp xe chứa đồ vật dễ bắt cháy như bật lửa, khi gặp nhiệt độ cao có thể gây cháy, nổ. Các hầm của chung cư thường lắp đặt các bốt điện, giàn tản nhiệt điều hòa tổng và là nơi để rất nhiều xe máy, ô-tô chứa đầy xăng, nếu xảy ra cháy, nổ thì thiệt hại về người, tài sản là rất lớn. Nguyên nhân cháy còn do các cá nhân, tổ chức vi phạm quy định an toàn PCCC; do sự cố kỹ thuật và do tai nạn giao thông…
Công an phường Khương Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa. (Ảnh: Huy Hoàng) |
Theo Thượng tá Nguyễn Quốc Cường, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Phú Thọ, để phòng ngừa cháy, nổ trong mùa nắng nóng, cũng như bảo đảm an toàn cho các thành viên trong gia đình, thì mỗi gia đình nên hạn chế sử dụng các vật liệu dễ cháy như gỗ, nhựa xốp… để ốp tường, trần, vách ngăn. Không lắp đặt lồng sắt, lưới sắt ở lan-can kiên cố tại nhà cao tầng.
Trường hợp đã lắp đặt phải bố trí ô cửa chốt trong, chuẩn bị sẵn thang, thang dây, dây tự cứu để thoát nạn khi xảy ra cháy. Bố trí nơi thờ cúng hợp lý, đèn, hương, nến phải đặt chắc chắn trên vật liệu không cháy, cách xa vật dễ cháy. Khi đốt vàng mã phải trông coi, tránh không để gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Hệ thống điện phải chọn dây dẫn điện đủ tải, lắp đặt aptomat, cầu chì cho từng thiết bị có công suất lớn, cho từng tầng, từng phòng. Không để vật liệu dễ cháy gần bảng điện, cầu dao, thiết bị đốt nóng, thiết bị điện có công suất lớn (cách tối thiểu 50cm)...
Nếu vắng nhà dài ngày thì phải tắt cầu dao tổng của cả ngôi nhà. Không sạc điện thoại, xe máy (xe đạp) điện hoặc các thiết bị tiêu thụ điện khác qua đêm. Hạn chế sử dụng điện năng trong giờ cao điểm tránh làm quá tải nguồn. Không tích trữ xăng dầu, khí đốt, khí dễ cháy, nổ và các chất lỏng dễ cháy. Khi sử dụng bếp ga phải bố trí ở nơi thông thoáng, đủ ánh sáng, xa nguồn nhiệt và các vật dụng dễ cháy, nổ.
Nếu không dùng bếp ga thì phải đóng van bình, khóa van bếp. Mỗi gia đình cần thực hiện việc lắp camera quan sát ở nhà qua điện thoại, chuông báo cháy để giúp cảnh báo sớm khi xảy ra cháy. Tự trang bị bình chữa cháy, mặt nạ phòng độc, bộ dây thoát, các dụng cụ phá dỡ như búa, cuốc chim, xà beng…, tham gia đầy đủ các lớp huấn luyện về PCCC để nắm vững các kiến thức, kỹ năng. Khi xảy ra cháy, nổ hãy bình tĩnh để xử lý tình huống, hô hoán và báo động cho mọi người biết để di chuyển ra ngoài đám cháy.
Nếu phải thoát qua khu vực có khói lửa, phải dùng mặt nạ phòng độc hoặc khăn, vải mềm thấm nước để che mũi, miệng, cơ thể; tuyệt đối không núp trong phòng, nhà vệ sinh. Sau đó gọi điện báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH qua số điện thoại 114, App báo cháy 114, hoặc chính quyền, công an nơi xảy ra cháy.
Tăng cường tuyên truyền các clip, hình ảnh khuyến cáo, khẩu hiệu, tin nhắn hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH xây dựng, đăng phát trên nền tảng số như báo điện tử, App báo cháy 114, tin nhắn SMS, Zalo, Facebook…
Khi xảy ra cháy, nổ tại các hộ gia đình, khu dân cư, chung cư cao tầng,… thì trẻ em và người cao tuổi thường có nguy cơ cao bị thương tích hoặc tử vong. Bởi những người này sức khỏe thường hạn chế, di chuyển chậm chạp, thiếu hiểu biết về các kỹ năng PCCC và thoát hiểm khi xảy ra cháy. Do vậy, trẻ em và người cao tuổi là những người cần được giúp đỡ và trang bị các kiến thức, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy nổ.
Cụ thể, khi xảy ra cháy, nổ phải hướng dẫn trẻ em, người già dùng khăn ướt để bịt mũi và cúi sát người xuống sàn nhà để tránh khói độc xâm nhập vào mũi, miệng. Nếu sau khi thoát khỏi đám cháy, các nạn nhân bị khản tiếng, thở nhanh, thở gấp,... thì cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Ths BSCK II NGUYỄN PHƯƠNG TRUNG
Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phúc Thọ (Hà Nội)