Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương

Sáng 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp kết hợp trực tuyến toàn quốc bàn về các giải pháp toàn diện và cấp bách để xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương, nhất là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh - hai đô thị lớn đang bị ô nhiễm không khí nặng nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương. (Ảnh: TTXVN)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp về các giải pháp xử lý ô nhiễm không khí tại các địa phương. (Ảnh: TTXVN)

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nêu rõ, cần xây dựng kế hoạch hành động quốc gia để giải quyết tình hình ô nhiễm không khí, xác định mục tiêu từng năm và cả giai đoạn 5 năm. Phó Thủ tướng yêu cầu, trước hết, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương đánh giá toàn diện tình trạng ô nhiễm không khí theo tiêu chuẩn quốc tế trên phạm vi cả nước cũng như ở từng đô thị, từng thành phố; chỉ ra những nguồn gây ô nhiễm; phân tích sâu mối quan hệ giữa ô nhiễm không khí và sức khoẻ để người dân nhận thức đúng, ủng hộ và cùng tham gia thực hiện.

Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì thiết lập quy trình đo đếm, giám sát các chỉ số chất lượng không khí, hình thành hệ thống quan trắc chính xác, tin cậy, tập trung ở các khu vực trọng điểm về ô nhiễm không khí, truyền dữ liệu trực tuyến về cơ quan quản lý. Các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về phát thải vào không khí cho từng ngành, lĩnh vực; đồng thời cho phép các tỉnh, thành phố áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp tình hình ô nhiễm ở địa phương.

Phó Thủ tướng cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ liên quan như Xây dựng; Nông nghiệp và Môi trường; Công thương; Công an.

* Chiều 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà làm việc với Tổng hội Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Tổng hội, các hội, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp thành viên tích cực tham gia xây dựng, thực hiện cơ chế, chính sách ở tầm quốc gia, những nhiệm vụ trọng tâm để tiếp tục khẳng định vị thế của nông nghiệp Việt Nam trên thế giới, hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, hiện đại, thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; chuyển từ mô hình sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, xây dựng chuỗi liên kết giá trị giữa nông dân, doanh nghiệp, thị trường để đứng vững trước những bấp bênh, rủi ro từ thời tiết, thị trường… Bộ Nông nghiệp và Môi trường phải coi Tổng hội là một đối tác chiến lược để trao đổi, lắng nghe những đánh giá, đề xuất, kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cũng như nâng cao hiệu quả của các chủ trương, chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

* Vừa qua, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Hội thảo phát triển ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam gắn với sản xuất, lắp ráp ô-tô trong nước, phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam. Cùng dự có Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, hiện nay, các nước trên thế giới rất coi trọng phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hỗ trợ. Những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, song chất lượng và trình độ công nghệ của ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam còn thấp, khó đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp trong nước chủ yếu là quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực, công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài; khả năng nội địa hóa sản phẩm còn thấp, chỉ đạt khoảng 10% đối với một số sản phẩm như ô-tô, xe máy...

Để đáp ứng yêu cầu của sự phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong kỷ nguyên mới, Phó Thủ tướng cho rằng cần tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện chính sách, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển, nhất là phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, tập trung vào một số ngành công nghiệp hỗ trợ trọng điểm như ô-tô, điện tử, dệt may. Bên cạnh đó, các địa phương cần xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương.

Phó Thủ tướng khẳng định, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ là một trong những ưu tiên chiến lược của Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy còn nhiều thách thức, song với sự nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp và các địa phương, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam sẽ tiếp tục được cải thiện và phát triển trong thời gian tới.

* Chiều 27/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự lễ khánh thành 2 công trình trọng điểm của tỉnh Bình Định: Dự án Tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 19 đến Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex VSIP Bình Định và Dự án Hệ thống tiêu thoát lũ sông Dinh, thành phố Quy Nhơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng biểu dương tinh thần trách nhiệm và sự cố gắng của chủ đầu tư, các cơ quan, đơn vị có liên quan; cảm ơn các hộ dân trong vùng dự án, các hộ dân bị giải tỏa phải di dời đến nơi ở mới đã ủng hộ chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ dự án. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo, chủ đầu tư, sở, ngành, quản lý tuyến đường hoàn thành dứt điểm những hạng mục còn dang dở. Công tác bảo trì cần thực hiện nghiêm túc, bảo đảm tính tiết kiệm, quản lý, sử dụng hiệu quả, hợp lý.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác quy hoạch cần hết sức chặt chẽ, tạo thành hành lang kinh tế, trong đó có quy hoạch hai bên đường bởi đây là nguồn lực phát triển rất lớn trong thời gian tới; không để tái lấn chiếm, làm xấu cảnh quan, tránh lặp lại tình trạng này như tại một số địa phương khác.

* Chiều 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Mai Văn Chính chủ trì cuộc họp kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của 5 tỉnh vùng Tây Nguyên thuộc Tổ công tác số 7.

Phó Thủ tướng Mai Văn Chính lưu ý, về nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, các địa phương phải có quyết tâm cao, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị-xã hội để thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nghị quyết của Chính phủ, văn bản của Thủ tướng Chính phủ; phấn đấu hoàn thành các công trình của quốc gia, của tỉnh; đồng thời phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; quyết liệt giải phóng mặt bằng, thúc đẩy tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm. Phó Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, quyết định đầu tư, lựa chọn các nhà thầu các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn các tỉnh; xây dựng kế hoạch giải ngân đối với từng dự án.

Đối với các chủ đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo tiến độ giải ngân của từng dự án, tuân thủ kế hoạch giải ngân theo từng tháng, từng quý; phân công lãnh đạo chịu trách nhiệm từng dự án, kiểm soát chặt quy mô, tiến độ, hiệu quả đầu tư; đưa kết quả giải ngân thành tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để kiểm điểm, khen thưởng, xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời...