Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững

NDO - Chiều 14/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị trực tuyến của Thường trực Chính phủ với các thành phố lớn về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Trần Hải)

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, hội nghị nhằm tập trung phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững; đánh giá thực trạng, hạn chế, bất cập của thị trường bất động sản. Theo Thủ tướng, những gì làm tốt thì phát huy.

Trong quá trình đó có điều chỉnh, rà soát những gì chưa được, những gì nổi lên chưa phản ánh đúng tình hình, đúng thị trường thì phải chấn chỉnh. Chúng ta cũng cần tổng hợp kinh nghiệm trong nước, quốc tế, đề ra giải pháp tốt hơn; các nhiệm vụ, giải pháp, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo phát triển ổn định, lành mạnh, bền vững.

Hội nghị này là cần thiết để chúng ta đánh giá chính xác, khách quan, khoa học, thực tiễn. Thủ tướng tin tưởng, các ý kiến đóng góp sôi nổi, trách nhiệm, khoa học, sát thực tế.

Thủ tướng nêu rõ, đánh giá nền tảng để yên tâm làm những việc cần phải làm. Nền tảng đó là, trong điều kiện khó khăn, tình hình thế giới và khu vực phức tạp, cạnh tranh chiến lược gay gắt; vấn đề lạm phát; giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhanh, tăng cao như giá xăng dầu; sự điều chỉnh chính sách của một số nước về chính sách tiền tệ; các chính sách khác như chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của các nước trên thế giới cũng tác động đến Việt Nam.

Sau 2 năm chống dịch, nguồn lực của thế giới cũng giảm sút. Đó còn là tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng về thị trường, lao động, chính sách cấm vận trên thế giới ảnh hưởng trong nước, thí dụ như làm giá logistics, vận chuyển tăng cao.

Phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội Nghị phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững. (Ảnh: Trần Hải)

Ở Việt Nam, độ mở của nền kinh tế rất cao, kim ngạch xuất nhập khẩu bằng GDP, có thể vượt 200%, một tác động nhỏ bên ngoài ảnh hưởng lớn thị trường trong nước. Tuy nhiên, nền tảng chúng ta được giữ vững, đó là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân được giữ vững.

Hoạt động đối ngoại, đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì hoà bình, hợp tác, sự phát triển của khu vực và trên thế giới. Do đó, đường lối đối ngoại của Việt Nam được cộng đồng quốc tế hết sức ủng hộ.

Chúng ta đạt được tăng trưởng tương đối cao so khu vực và trên thế giới: lạm phát được kiểm soát; kinh tế vĩ mô ổn định; 5 cân đối lớn được bảo đảm (thu đủ chi, xuất đủ nhập, làm đủ ăn, bảo đảm cân đối năng lượng, phục hồi thị trường lao động). Dựa trên những nền tảng quan trọng để chúng ta phát huy, truyền cảm hứng, tạo động lực cho tất cả các ngành, các cấp; chúng ta cũng không được lơ là, chủ quan, nóng vội mà phải điều hành nền kinh tế khéo léo.

Mục tiêu cao nhất của Chính phủ là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng theo mục tiêu mà Quốc hội giao, bảo đảm các cân đối lớn; kết hợp hài hoà, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa; chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn linh hoạt; chính sách tài khóa nới lỏng, trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Cùng với đó là chính sách kiểm soát giá. Chúng ta cũng phải phát triển thị trường vốn lành mạnh, an toàn, bền vững.

Hiện nay, Hội nghị này tiếp tục nhằm làm thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, đóng góp quan trọng cho ổn định vĩ mô, bảo đảm kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng. Thời gian hội nghị có hạn, nội dung quan trọng, có ảnh hưởng, lan tỏa lớn, sự chuẩn bị chưa phải kỹ càng, do đó Thủ tướng mong đại biểu với kinh nghiệm, trí tuệ đóng góp cho báo cáo trung tâm, gợi ý, đề xuất cho Chính phủ để phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững trong tương lai, khắc phục các hạn chế, bất cập.

Tinh thần là chúng ta không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự nhưng phải xử lý những người làm sai, không đúng luật để bảo vệ những người làm đúng, những người chân chính, qua đó phát triển đất nước. Quá trình này cần phải có tư duy, phương pháp luận để sát thực tế.

Thủ tướng nhấn mạnh, trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ tiếp thu các ý kiến, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phù hợp tình hình, thực tế, đáp ứng yêu cầu của nhân dân, các nhà đầu tư, doanh nghiệp.

* Theo Bộ Xây dựng, trong những năm qua, thị trường bất động sản có những đóng góp hết sức quan trọng trong toàn nền kinh tế. Theo thống kê, đóng góp của góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây khoảng 11% (trong đó, đóng góp của ngành bất động sản trực tiếp và gián tiếp thông qua các lĩnh vực khác khoảng 4,5%).

Trong năm 2021, thị trường bất động sản vẫn có nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh nhưng đã từng bước khắc phục, thích ứng, chuyển trạng thái linh hoạt để duy trì tương đối ổn định.

Sang đầu năm 2022, tình hình kinh tế-xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đang được triển khai đồng bộ giúp cho hầu hết các ngành, lĩnh vực, địa phương trong xu hướng phục hồi và tăng trưởng trở lại.

Về nguồn cung bất động sản: đối với nguồn cung nhà ở thương mại, số lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trên cả nước có xu hướng giảm dần qua các năm 2020, 2021, nguồn cung nhà ở thương mại trong 6 tháng đầu năm 2022 rất hạn chế. Trong năm 2021, tổng số dự án nhà ở thương mại hoàn thành là 172 dự án với quy mô 24.027 căn; bằng khoảng 60% số dự án và 42% số lượng căn so với năm 2020 (288 dự án với quy mô 57.149 căn).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, số lượng dự án nhà ở thương mại được chấp thuận mới và hoàn thành vẫn hạn chế, chưa cho thấy sự cải thiện về nguồn cung nhà ở thương mại. Tổng lượng dự án nhà ở thương mại hoàn thành trong 6 tháng đầu năm tổng hợp sơ bộ khoảng 12.000 căn, tương đương cùng kỳ năm 2021.

Về nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân: tính tổng số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai từ trước đến nay, trên địa bàn cả nước, đã hoàn thành 279 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng 148.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.400.000m2; đang tiếp tục triển khai (bao gồm các dự án đã được chấp thuận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng): 355 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 377.000 căn, với tổng diện tích khoảng 18.840.000m2.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 13 dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 6.000 căn, với tổng diện tích khoảng 300.000m2 sàn xây dựng, trong đó: Tính riêng dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị: Hoàn thành việc đầu tư xây dựng 12 dự án, quy mô xây dựng khoảng 5.480 căn hộ, với tổng diện tích khoảng 274.000m2. Tính riêng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Hoàn thành việc đầu tư xây dựng 1 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 400 căn hộ, với tổng diện tích 21.500m2.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, các địa phương đã khởi công 11 dự án với tổng số khoảng 25.675 căn, tổng diện tích xây dựng khoảng 1.282.850 m2. Kết quả phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 nêu trên còn hạn chế so với nhu cầu về nhà ở của đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, công nhân các khu công nghiệp.

Về lượng giao dịch bất động sản: trong năm 2021, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ các dự án khoảng 110.000 giao dịch (gần tương đương lượng giao dịch năm 2020 là khoảng 115.000 giao dịch), nhưng lượng giao dịch đất nền tăng mạnh, tổng lượng giao dịch đất nền trong năm khoảng 170.000 giao dịch. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng lượng giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ khoảng 50.000 giao dịch, đất nền khoảng 200.000 giao dịch tăng so cùng kỳ năm 2021.

Về giá giao dịch bất động sản: trong năm 2021, giá bất động sản, nhà ở, đất nền vẫn liên tục tăng từ đầu năm, trong đó: giá căn hộ chung cư đã tăng bình quân khoảng 5 đến 7%. Giá nhà ở riêng lẻ trong dự án tăng 15 đến 20%; giá đất nền tăng 20 đến 30% so thời điểm cuối năm 2020. Đặc biệt, tại thời điểm cuối quý I đầu quý II đã xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến, thậm chí "sốt giá" đất nền tại nhiều địa phương.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền vẫn tăng so thời điểm cuối năm 2021, mức độ tăng giá các phân khúc bất động sản tập trung trong cuối quý I, chậm dần và có dấu hiệu chững lại trong các tháng quý II...

Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, theo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, chúng ta cần phải kiên trì, kiên định, phát triển thúc đẩy hệ sinh thái của thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững dựa trên các nguyên tắc không siết chặt một cách bất hợp lý, tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cung cầu; không buông lỏng, không mất kiểm soát, không làm mất vai trò kiểm soát của Nhà nước khi cần thiết. Bảo đảm hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cần tập trung triển khai Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó tạo việc làm, có người đến làm, ở, mua nhà, từ đó phát triển đô thị, phát triển bất động sản. Đất nước phải bình yên, trật tự an toàn xã hội phải được bảo đảm; ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn thì mới có đất để phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững.

Phải nắm chắc tình hình phát triển của thị trường, cân đối cung cầu, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, có quy hoạch, kiểm soát, có vai trò của Nhà nước. Tôn trọng quy luật thị trường, quy luật cạnh tranh; không để cho thao túng thị trường tác động tiêu cực; găm hàng, đội giá. Muốn vậy chúng ta phải dùng công cụ, chính sách của Nhà nước để kiểm soát kịp thời, phù hợp, hiệu quả. Rà soát lại quy định của pháp luật tháo gỡ những vấn đề trước mắt, vừa có tính chất lâu dài theo hướng phân cấp, phân quyền; nghiên cứu đề xuất một số cơ chế, chính sách tạo động lực, xung lực mới cho phát triển.

Chúng ta không siết chặt tín dụng bất động sản một cách bất hợp lý, nhưng phải rà soát, xử lý phù hợp, không để đổ vỡ, có kiểm soát; không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, nhưng rà soát, phát hiện để thị trường thực hiện đúng quy luật; ngăn chặn sai phạm để xử lý theo đúng pháp luật. Những người vi phạm, lợi dụng thì dứt khoát phải bị xử lý để bảo vệ người làm đúng, chân chính. Hài hoà lợi ích của Nhà nước, nhân dân và doanh nghiệp. Phân khúc thị trường có trọng tâm, trọng điểm, có chính sách phù hợp.

Phát triển hạ tầng chiến lược tạo không gian phát triển mới, tạo động lực mới, tạo khu đô thị mới, góp phần thúc đẩy thị trường phát triển toàn diện. Nghiên cứu chính sách để các đối tượng, phân khúc phát triển tập trung cho an sinh xã hội. Xây dựng công cụ chính sách lành mạnh, phù hợp, an toàn bảo đảm liên thông an toàn giữa các thị trường vốn với thị trường bất động sản, đa dạng hoá nguồn vốn…..

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc, phát hiện sớm sai phạm, bảo vệ thị trường, tài sản, con người. Không hợp thức hoá cái sai; nhưng thực tiễn đặt ra thì phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ. Kiểm soát tốt công tác truyền thông, phát triển giáo dục, tài chính, pháp luật trong nhà trường dưới các hình thức đào tạo khác nhau; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản bảo đảm đồng bộ, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập tổ công tác để chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đối với nội dung chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn vướng mắc của pháp luật, thủ tục pháp lý của dự án. Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến của thị trường bất động sản; hàng quý có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình kinh doanh bất động sản, thị trường bất động sản trên phạm vi cả nước và kiến nghị giải pháp để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh.

Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế. Kiểm soát hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá.

Kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng liên quan doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm. Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện hoạt động phát hành trái phiếu, hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trên thị trường chứng khoán đúng quy định pháp luật; tạo điều kiện, không làm cản trở các doanh nghiệp (có đủ năng lực, kết quả hoạt động kinh doanh tốt, lành mạnh…) có thể huy động vốn để hỗ trợ phục hồi, phát triển. Nghiên cứu, đề xuất để ban hành quy định về thuế đối với việc sử dụng bất động sản, đối với hoạt động giao dịch, kinh doanh bất động sản; hạn chế tình trạng mua đi, bán lại nhiều lần, hạn chế tình trạng đầu cơ, găm giữ bất động sản, thất thoát về thuế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo dõi, kiểm soát, cơ cấu lại tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tránh rủi ro cho thị trường. Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay đối với lĩnh vực bất động sản bảo đảm đúng quy định pháp luật, cho vay đối với các dự án bất động sản đầy đủ tính pháp lý; ưu tiên cho vay đối với các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân đã được cấp phép và khởi công xây dựng để tạo nguồn cung cho thị trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan việc đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Thanh tra, kiểm tra và chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất bảo đảm đúng pháp luật.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở, bất động sản để hỗ trợ, tăng nguồn cung cho thị trường. Theo dõi và đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư nước ngoài lành mạnh, hợp pháp vào lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan liên quan tăng cường công tác nắm bắt tình hình kinh tế vĩ mô; xử lý nghiêm hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản và hoạt động môi giới bất động sản vi phạm pháp luật, các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản.

Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường cung cấp thông tin kịp thời, chính thức, chính xác về tình hình hoạt động thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu; xử lý nghiêm các hành vi đưa thông tin không chính xác, gây tác động tiêu cực đến hoạt động của thị trường tài chính, tín dụng, bất động sản. Nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp...

Các địa phương khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; rà soát quỹ đất, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án lựa chọn chủ đầu tư để thúc đẩy phát triển, tăng nguồn cung bất động sản, nhà ở phục vụ tiêu dùng, trọng tâm:

Rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản đang chuẩn bị đầu tư hoặc triển khai thực hiện trên địa bàn; đánh giá cụ thể lý do, nguyên nhân khó khăn vướng mắc đối với từng dự án, đặc biệt là các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Trên cơ sở đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng nguồn cung cho thị trường.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP trong đó lập danh mục các dự án, rà soát quỹ đất, hoàn thiện thủ tục pháp lý, lựa chọn chủ đầu tư để thực hiện các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn.

Các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân liên quan phát triển thị trường bất động sản. Chính phủ phân công Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo công tác phát triển hệ sinh thái thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững...