Phát triển rừng bền vững ở Phú Thọ

Phú Thọ là một trong những tỉnh miền núi phía bắc có thế mạnh về phát triển kinh tế đồi rừng. Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tập trung trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp với những chính sách chuyên biệt, mang tính đột phá.
0:00 / 0:00
0:00
Ông Đặng Văn Hậu giới thiệu cho cán bộ kiểm lâm rừng gỗ lớn tám năm tuổi của gia đình.
Ông Đặng Văn Hậu giới thiệu cho cán bộ kiểm lâm rừng gỗ lớn tám năm tuổi của gia đình.

Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp tình hình thực tế của địa phương, trong đó có chính sách khuyến khích chuyển hóa rừng gỗ lớn, phát triển rừng bền vững đang nhanh chóng đi vào thực tiễn.

Đến xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê hỏi đến gia đình ông Đặng Văn Hậu ở khu Vạn Thắng ai cũng biết. Ông Hậu là một trong những người tiên phong chuyển đổi rừng gỗ lớn với diện tích lớn của huyện Cẩm Khê. Ông Hậu chia sẻ: “Gia đình được Nhà nước giao cho 23 ha đồi rừng.

Trước kia, đất rừng nhiều, nhưng gia đình tôi không biết cách làm hiệu quả, giá trị không cao nên cái đói, cái nghèo cứ đeo bám. Sau khi được ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương hướng dẫn và hỗ trợ, gia đình mạnh dạn chuyển đổi 15 ha trồng bạch đàn làm cây nguyên liệu sang trồng cây keo chuyển hóa rừng gỗ lớn để nâng giá thành khi thu hoạch”.

Sau gần 10 năm trồng chăm sóc, cây keo sinh trưởng ngày càng tốt. Đáng chú ý, khi chuyển sang trồng rừng gỗ lớn, ngoài lợi ích về kinh tế, rừng gỗ lớn còn giữ được độ ẩm cho đất và tạo ra môi trường tốt cho cuộc sống. Đặc biệt, khi tham gia chuyển hóa rừng gỗ lớn, gia đình còn được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước để có thêm kinh phí chăm sóc rừng tốt hơn.

Theo Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cẩm Khê Nguyễn Thanh Tuấn, việc chuyển đổi trồng rừng ngắn ngày sang trồng rừng gỗ lớn không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu mà còn tăng tính bền vững trong hoạt động sản xuất lâm nghiệp.

Việc trồng, chuyển đổi từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn mang lại nhiều lợi ích, không chỉ tiết kiệm cây giống, chi phí trồng, chăm sóc mà còn giảm sâu bệnh hại và hạn chế suy thoái đất rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. So với trồng rừng gỗ nhỏ, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều lần tùy theo tuổi khai thác và đường kính cây. Chỉ tính riêng đối với loại cây trồng phổ biến là cây keo, khai thác ở năm thứ 5-6 chỉ có thể bán làm dăm gỗ, giá trị đạt khoảng 60-80 triệu đồng/ha,

thu nhập bình quân từ 10-12 triệu đồng/ha/năm. Nhưng khi trở thành rừng trồng gỗ lớn (cây sau 10-14 năm tuổi) mới tiến hành khai thác, sản lượng đạt từ 200-240 m3/ha, giá từ 1,8-2 triệu đồng/1 m3 tương đương 250 triệu đồng/ha, lợi nhuận bình quân 20 triệu đồng/ha/năm. Đến nay, toàn huyện chuyển đổi được hơn 350 ha rừng cây gỗ lớn; diện tích đã khai thác sản lượng đạt từ 150 đến 180 m3/ha. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện sẽ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn được 400 ha.

Trong giai đoạn 2021-2023, trung bình mỗi năm toàn tỉnh trồng mới 9.270 ha. Riêng năm 2023, diện tích trồng rừng tập trung toàn tỉnh đạt 9.400 ha; trồng 2,4 triệu cây phân tán; sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 771.000 m3, tăng 4% so với năm 2022. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục tăng cường tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển lâm nghiệp nói chung, phát triển rừng gỗ lớn nói riêng.

Đặc biệt là chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng gỗ lớn, cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC theo Nghị quyết 22/2021/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn...

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ Đỗ Ngọc Đoàn cho biết: Phú Thọ là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước ban hành cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân chuyển đổi rừng gỗ lớn.

Do vậy, sản xuất lâm nghiệp có bước chuyển biến tích cực, nhất là sau khi Nghị quyết 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành những chính sách phù hợp về chuyển đổi rừng gỗ lớn. Bình quân mỗi năm, tỉnh hỗ trợ về cây giống, phân bón, kỹ thuật để trồng khoảng 2.000 ha và người dân đều cam kết để rừng gỗ lớn này có chu kỳ từ 10 đến 12 năm tuổi mới khai thác.

Cùng với đó, tỉnh còn hỗ trợ chuyển hóa đối với diện tích rừng nguyên liệu đã đến tuổi khai thác (6-7 năm) từ 10 đến 12 triệu đồng/ha khi để chuyển đổi rừng gỗ lớn từ 10 năm tuổi trở lên. Do vậy mỗi năm, tỉnh Phú Thọ chuyển đổi được từ 350 đến 400 ha rừng gỗ lớn và được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao từ hai đến ba lần so với trồng rừng nguyên liệu.