Sách được chia làm 5 chương hàm chứa nhiều quan điểm, góc nhìn mới đề cập đến vai trò của “vốn nhân lực” và những chuyển dịch trong học tập và đào tạo, gắn liền với sự phát triển trong nền kinh tế số; sự đúc rút các giai đoạn phát triển của hoạt động học tập và đào tạo trong doanh nghiệp; những vấn đề về quản trị tri thức trong doanh nghiệp thời đại 4.0 với những mô hình, tiêu chí giúp tổ chức, doanh nghiệp thiết lập hệ thống quản trị tri thức và thúc đẩy văn hóa học tập...
Ngày nay, các tổ chức nói chung và những nhà lãnh đạo nói riêng cần thay đổi nhiều lối tư duy cũ để trang bị cho mình những nhận thức cập nhật có giá trị. Quá trình chủ động quên đi những gì đã học (unlearn) cũng chính là một nỗ lực học hỏi với tinh thần tự nguyện và quyết tâm cao mang ý nghĩa to lớn với sự phát triển của một cá nhân cũng như một tổ chức, giống như câu nói của nhà tương lai học người Mỹ Alvin Toffler: “Những người mù chữ trong thế kỷ 21 sẽ không phải là những người không biết đọc, biết viết, mà là những người không biết học hỏi, quên đi chính những thứ mình đã học và tiếp tục học cái mới”.
Nhận xét về cuốn sách “Phát triển năng lực-Kiến tạo tương lai”, PGS, TS Phạm Tất Dong, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thường xuyên và học tập suốt đời - Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực cho biết: “Đây là tác phẩm có lối tư duy mới mẻ về vấn đề đào tạo trong doanh nghiệp ngày nay, từ triết lý giáo dục đến tầm nhìn tương lai, từ mục tiêu đào tạo đến những phương thức giảng dạy dựa trên ứng dụng công nghệ hiện đại.
Tất cả những gì trong tác phẩm này đều có những nét mới mà việc đào tạo của các doanh nghiệp ở những thập kỷ trước không thấy có. Tôi cho rằng, với những góc nhìn mới, những phân tích, đánh giá sâu sắc và khả năng ứng dụng vào thực tiễn cao, tác phẩm này cần được lan tỏa để nhiều tổ chức, doanh nghiệp tham khảo, đồng thời chia sẻ những ý tưởng mới, những kinh nghiệm hay thì chắc chắn sẽ đem lại nhiều giá trị trong việc phát triển năng lực đội ngũ”.
Lấy thí dụ từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước, tác giả đã đưa ra những lập luận sắc bén, phân tích chi tiết về từng trường hợp một cách sinh động khiến người đọc có thể dễ dàng hiểu được vấn đề. Cụ thể như: Gắn phát triển nhân sự với mục tiêu chiến lược; tìm ra những hướng dẫn sát nhất với công việc; tìm đúng nhu cầu thay vì “đuổi hình bắt chữ”; định hình các ưu tiên; chuyển đổi triệt để từ học hỏi bị động sang trang bị một văn hóa học hỏi chủ động và liên tục; xây dựng một hệ thống quản lý tri thức.
Sự kết hợp đầy thú vị giữa góc nhìn thực tiễn với những lý thuyết học tập và quản trị nhân sự trong doanh nghiệp; giữa tâm huyết và tri thức của nhóm tác giả đã thể hiện sâu sắc trong từng nội dung, từng trang sách.
PGS, TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT cho rằng, cuốn sách thú vị và mang thông điệp, góc nhìn hiện đại của thời kỳ mới, một thời kỳ cần hướng đào tạo và phát huy tinh thần học hỏi không ngừng trong mọi tổ chức, doanh nghiệp.
“Thực tiễn được vận dụng từ cuốn sách chính là cách thức vận hành quá trình phát triển tri thức thông qua các hoạt động đào tạo, giúp các nhà quản trị có phương hướng, công cụ để giải quyết “bài toán” khó trong việc nâng cao vốn nhân lực của tổ chức. Các kiến thức được lĩnh hội và ứng dụng một cách hiệu quả, có phương pháp theo “xu hướng số”, như mong muốn của những người cầm bút, đó chính là con đường và vận hội mới cho tất cả chúng ta”, ông nói.
Có thể thấy rằng, đại dịch Covid-19 đã chứng tỏ một điều: đội ngũ của chúng ta tài năng hơn chúng ta tưởng. Họ có khả năng cảm thông, sáng tạo trong mọi tình huống, biến chuyển linh hoạt, kiên cường khi đối mặt khó khăn. Bất cứ lúc nào, mục đích của đào tạo cũng là khai thác tiềm năng của con người chứ không chỉ xuất hiện trong một hoàn cảnh cụ thể. Cuốn sách đã đưa ra những lập luận sắc bén, lấy thí dụ từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới và trong nước. Việc phân tích chi tiết về từng trường hợp một cách sinh động khiến người đọc có thể dễ dàng hiểu được vấn đề.
GS, TS Vũ Minh Khương, thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ Việt Nam, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu Singapore cho rằng: “Đây là cuốn sách có giá trị đặc biệt, không chỉ ở nội dung kiến thức phong phú và cập nhật mà còn ở những kiến giải đặc sắc về sự cấp thiết và phương cách để nỗ lực đưa học tập và đào tạo trở thành một động lực nền tảng cho sự phát triển thịnh vượng trong thời đại số”.
Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến hiện là Giám đốc Học viện Viettel - Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội. Ông đã có hơn 20 năm công tác tại Viettel, giữ nhiều vị trí lãnh đạo và có nhiều đóng góp tại các cơ quan, đơn vị của Tập đoàn Viettel. Là người tâm huyết trong xây dựng văn hóa học tập, phát triển năng lực đội ngũ… Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến cũng đã cho ra mắt nhiều cuốn sách về quản trị doanh nghiệp, trong đó phải kể đến hai cuốn “Hành trình tri thức thời kinh tế số” và “Năng lực động trong lý thuyết cạnh tranh hiện đại” (2020), được giới học thuật và các nhà lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp đánh giá cao.
Tiến sĩ Bùi Quang Tuyến còn là giảng viên kiêm nhiệm/thỉnh giảng của các trường: Trường đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường đại học Ngoại thương, Trường đại học FPT, Trường Quản trị và Kinh doanh (HSB) - Đại học Quốc gia Hà Nội và tham gia giảng dạy cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp về chuyển đổi số và các lĩnh vực quản trị khác. Ông cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm, công trình nghiên cứu về quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, đào tạo và học tập trong doanh nghiệp…