Phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn

Kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là một quy trình sản xuất khép kín, chất thải được tái sử dụng và trở thành nguyên liệu sản xuất. Mô hình này góp phần giảm tác động tiêu cực đến môi trường, bảo vệ hệ sinh thái, sức khỏe con người.
0:00 / 0:00
0:00
Mô hình liên kết nuôi trùn quế theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn tại trang trại của ông Nguyễn Công Vinh (huyện Châu Thành) tỉnh Tiền Giang.
Mô hình liên kết nuôi trùn quế theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn tại trang trại của ông Nguyễn Công Vinh (huyện Châu Thành) tỉnh Tiền Giang.

Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều mô hình theo kiểu kinh tế tuần hoàn mà nông dân thường áp dụng là: mô hình ruộng-vườn-ao-chuồng, nuôi thủy sản trong ruộng lúa, nuôi bò lấy phân nuôi trùn quế và lấy trùn quế nuôi cá…

Nhiều mô hình hay

Mô hình liên kết nuôi trùn quế theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn tại Công ty TNHH phát triển trang trại sạch của ông Nguyễn Công Vinh, ngụ huyện Châu Thành (Tiền Giang) đã mang lại hiệu quả thiết thực. Hiện công ty ký hợp đồng liên kết với hơn 50 doanh nghiệp, trang trại trong và ngoài tỉnh theo hình thức: công ty cung cấp trùn quế giống, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cam kết bao tiêu đầu ra (phân trùn, trùn thịt). Trong các hợp đồng đều hướng đối tác áp dụng quy trình sản xuất theo mô hình khép kín như: trang trại nuôi bò sử dụng phân để nuôi trùn, phân trùn thu hoạch bán cho công ty, số còn lại dùng bón cây, trồng cỏ để nuôi bò, trùn thịt sử dụng để nuôi thủy sản (cá, lươn, tôm…)...

Ngoài ra, các trang trại, hộ chăn nuôi không kết hợp nuôi trùn quế thì bán phân chuồng cho công ty làm thức ăn cho trùn. Mỗi ngày, công ty này tiêu thụ 400-450 tấn phân bò tươi, phân heo, phân trùn từ các đơn vị liên kết. Ông Nguyễn Công Vinh chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được góp sức xây dựng một nền nông nghiệp sạch, tái sử dụng các phụ phẩm, phế phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi và trồng trọt theo mô hình khép kín, giúp tạo ra giá trị gia tăng, giảm ô nhiễm môi trường”.

Tiền Giang hiện đã triển khai một số mô hình nông nghiệp xanh, sinh thái bền vững tạo hiệu ứng lan tỏa, thu hút nhiều tổ chức, doanh nghiệp, người dân cùng tham gia và nhân rộng như: mô hình nuôi gà ác đẻ trứng, heo thịt theo hướng VietGAHP; nuôi thỏ sinh sản theo hướng công nghiệp,… Một số mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi heo bằng hầm biogas làm chất đốt, chạy máy phát điện và mô hình nuôi trùn quế là minh chứng cho việc tận dụng phụ phẩm trong nông nghiệp thành sản phẩm có ích theo nguyên lý của kinh tế tuần hoàn.

Tại Đồng Tháp, mô hình 10ha sản xuất lúa hữu cơ tuần hoàn gắn với truy xuất nguồn gốc được thực hiện nhiều năm tại Hợp tác xã Phú Thọ, xã An Long, huyện Tam Nông; bước đầu mang lại hiệu quả cao. Đại diện lãnh đạo hợp tác xã cho biết, sau khi thu hoạch lúa, rơm sẽ được xử lý nhằm sản xuất nấm rơm. Sau khi kết thúc vụ nấm, các phế phẩm từ rơm dùng sản xuất phân hữu cơ bón cho cây trồng.

Mô hình mang lại hiệu quả nhờ tận dụng được tối đa lợi ích của rơm rạ cho sản xuất nấm và lợi nhuận từ phân bón hữu cơ giá rẻ. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, mô hình tạo tiền đề tích cực để từng bước hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, an toàn cho sức khỏe người sản xuất và cộng đồng, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Hướng đến nền nông nghiệp bền vững

Để có một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững, ngành chức năng cần đẩy mạnh phát triển các mô hình kinh tế tích hợp, tuần hoàn. Trong đó, các tài nguyên được tận dụng lại hoặc tái sử dụng, các dòng phế liệu được biến thành đầu vào để tiếp tục sản xuất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho rằng: Xây dựng được nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, địa phương sẽ tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn lực một cách bình đẳng, minh bạch như: đất đai, tài nguyên, nguồn vốn, khoa học-công nghệ; tái cơ cấu nền nông nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc hình thành có hiệu quả và bền vững chuỗi giá trị nông sản. Ngoài ra, địa phương tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa và hiện đại hóa nền sản xuất lớn, đưa kỹ thuật số, tự động hóa, công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp…

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp Lê Quốc Điền cho biết, mới đây, Sở đã ban hành kế hoạch phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp đến năm 2025. Theo đó, tỉnh tập trung giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất, tăng tỷ lệ tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp đạt 50%.

Hằng năm, mỗi địa phương xây dựng ít nhất một mô hình kinh tế tuần hoàn trên chuỗi ngành hàng chủ lực hoặc tiềm năng. Song song đó, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp xanh-sạch-an toàn-bền vững, xây dựng và nhân rộng các mô hình, lồng ghép nội dung kinh tế tuần hoàn vào các chương trình, dự án phát triển nông nghiệp xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, các chương trình sản xuất hữu cơ, mỗi xã một sản phẩm (OCOP); tổ chức lại sản xuất, áp dụng đồng bộ khoa học kỹ thuật theo chu trình khép kín, tận dụng tối đa chất thải và phế, phụ phẩm nhằm giảm lãng phí, thất thoát sau thu hoạch.

“Nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt và hệ sinh thái xuống cấp. Biến đổi khí hậu và nỗ lực toàn cầu trong việc giảm phát thải khí nhà kính đang tạo ra áp lực và yêu cầu phải thay đổi và phát triển kinh tế theo hướng các-bon thấp. Vì vậy, hướng tới nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là con đường tất yếu giúp chúng ta thích nghi với sự thay đổi của kinh tế thế giới trong giai đoạn mới”, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng nhấn mạnh.