Phát triển hoạt động nghiên cứu trong trường đại học

Thời gian gần đây, năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ của Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Góp phần vào kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của các trường đại học, viện nghiên cứu trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
0:00 / 0:00
0:00
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Trường đại học Quốc tế, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo nhận định của các nhà khoa học, trong khoảng 10 năm trở lại đây, năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học-công nghệ trong nước có sự chuyển biến rõ nét. Số lượng công trình công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) của Việt Nam tăng khoảng 20% mỗi năm; số lượng các nhà khoa học trẻ chủ trì các nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia và tương đương tăng mạnh ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước. Các kết quả đáng khích lệ nêu trên là cơ sở để nền khoa học cả nước hướng tới những mục tiêu cao hơn, trong đó có việc đầu tư cho các nghiên cứu dài hạn, liên ngành, đột phá, xuất sắc.

Giáo sư, tiến sĩ Phan Bách Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Khoa học-công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo có vai trò then chốt trong sự phát triển kinh tế-xã hội ở các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia phát triển. Trong nền kinh tế tri thức, khoa học-công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo cung cấp tri thức, nhân lực và các yếu tố cạnh tranh cho nền kinh tế. Vì vậy, phát triển khoa học-công nghệ, giáo dục đại học và đổi mới sáng tạo không những được coi là nền tảng phát triển kinh tế-xã hội mà đã trở thành xu hướng lựa chọn tất yếu của nhiều quốc gia.

Các chuyên gia nhấn mạnh, quá trình phát triển của các quốc gia trên thế giới đã chứng minh rằng, quốc gia nào nắm giữ và làm chủ được công nghệ và tri thức mới, quốc gia đó sẽ phát triển. Từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước cho thấy, nhóm nghiên cứu mạnh được dẫn dắt bởi một giáo sư ở vai trò chủ nhiệm (PI/trưởng nhóm) là một trong những giải pháp để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành.

Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính “trường phái”. Khi đó, nhóm nghiên cứu mạnh vừa là môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành, vừa là nơi để thu hút các nhà khoa học đầu ngành, lực lượng nghiên cứu chất lượng cao trong nước và quốc tế. Các nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân phát triển của những trung tâm nghiên cứu xuất sắc, cho nên, các cơ sở giáo dục đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh cần có quan tâm việc hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh.

Tiến sĩ Lê Hoàng Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết: Ðể thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh, nhà trường đã chú trọng và có các chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh. Cụ thể, hỗ trợ kinh phí, thủ tục hành chính, xem xét giao các nhiệm vụ khoa học-công nghệ; ưu tiên xét duyệt các nhiệm vụ khoa học-công nghệ, hỗ trợ công bố khoa học quốc tế… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các nhóm nghiên cứu mạnh gặp khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học.

Các nhóm nghiên cứu chưa sắp xếp được thời gian ưu tiên cho nghiên cứu; một số ngành khoa học đặc thù khó công bố quốc tế. Ðể nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học, nhà trường tiếp tục theo dõi và đôn đốc triển khai các chương trình nghiên cứu trọng tâm; tăng cường đầu tư kinh phí cho các chương trình nghiên cứu gắn liền với nhóm nghiên cứu mạnh.

Ðồng thời, các nhóm nghiên cứu mạnh cần có sự hỗ trợ từ các quỹ phát triển khoa học-công nghệ trong việc xây dựng các đề án hỗ trợ các nhóm nghiên cứu mạnh; có những chính sách đặc thù phù hợp với việc phát triển và thúc đẩy nghiên cứu khoa học khối ngành khoa học cơ bản...

Với thế mạnh về nghiên cứu khoa học, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ của khoa học, công nghệ, văn hóa và tri thức Việt Nam. Nhiều năm qua, đơn vị này đã và đang kiên trì thực hiện một chiến lược tổng thể nhằm xây dựng và phát triển khoa học-công nghệ theo hướng gắn các hoạt động khoa học-công nghệ với nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương và hội nhập quốc tế.

Trong đó, chú trọng việc xây dựng và triển khai các quyết sách cho phép một số cơ chế và chính sách nghiên cứu khoa học có tính đột phá; thành lập các mô hình tổ chức nghiên cứu khoa học mới để áp dụng các cơ chế và chính sách đặc biệt; đột phá tập trung đầu tư vào một số cá nhân, đơn vị với một số lĩnh vực mũi nhọn cụ thể để có thể tạo nên một hiệu quả nhất định ban đầu. Ðến nay, Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã hình thành hệ thống các phòng thí nghiệm trọng điểm cấp quốc gia và các nhóm nghiên cứu tiêu biểu, qua đó hình thành và phát triển các đơn vị nghiên cứu chuyên sâu như: Khu Công nghệ phần mềm, Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu và ứng dụng tế bào gốc, Viện Công nghệ nano, Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử, Phòng thí nghiệm Nghiên cứu ung thư…

Nhóm nghiên cứu mạnh và trung tâm xuất sắc có vai trò rất quan trọng ở các trường đại học, viện nghiên cứu trong công tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, kết nối với Nhà nước, doanh nghiệp, đồng thời là “cái nôi” thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới trong trường đại học. Vì vậy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, cũng như nâng cao xếp hạng của trường đại học là phải xây dựng và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm xuất sắc; đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học tốt, có tâm huyết, kinh nghiệm trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, phát triển sản phẩm ứng dụng.