Thành phố Hải Phòng có ngành công nghiệp hình thành sớm từ những năm đầu thế kỷ 20. Công nghiệp Hải Phòng từng nổi danh cả nước với các lĩnh vực trọng điểm như: Ðóng tàu, gang thép, xi-măng, hóa chất, thủy tinh, sơn, cơ khí...
Nhà máy xi-măng Hải Phòng - cái nôi của ngành công nghiệp xi-măng cả nước; Nhà máy Ðóng tàu Bạch Ðằng, sửa chữa tàu biển Phà Rừng là những cơ sở mở ra thời kỳ vàng son của công nghiệp tàu thủy; nhựa Thiếu niên tiền phong, sơn Hải Phòng, cơ khí Duyên Hải, cơ khí chế tạo và hàng loạt những cơ sở chuyên sản xuất khuôn mẫu, sản xuất tiểu thủ công nghiệp nở rộ trong cuối những năm 80 và thập niên 90 của thế kỷ trước... Bước vào giai đoạn đổi mới, Hải Phòng cũng là địa phương đi đầu thu hút đầu tư nước ngoài với Khu công nghiệp Nomura xây dựng trong giai đoạn 1992-1994.
Công nghiệp Hải Phòng có những nốt trầm trong giai đoạn khủng hoảng từ những năm 2009 khi hàng loạt doanh nghiệp thuộc Vinashin và một số doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả, khiến nền tảng công nghiệp chế tạo bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tuy nhiên, công nghiệp thành phố nhanh chóng hồi phục và phát triển trong giai đoạn 2015-2020 với việc các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, cơ cấu lại, điều chỉnh chiến lược sản xuất. Cùng với đó, Hải Phòng tập trung thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn lớn trong nước và nước ngoài. Các dự án công nghiệp lớn với công nghệ hiện đại đi vào hoạt động đã phát huy vai trò dẫn dắt, tạo sự quan tâm cũng như sức hút đối với công nghiệp phụ trợ và hoạt động của các doanh nghiệp khác có liên quan trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Ba trụ cột phát triển kinh tế chính đã được Hải Phòng xác định, gồm: Công nghiệp công nghệ, cảng biển-logistics, du lịch-thương mại.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng.
Trong đó, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, thân thiện môi trường. Hải Phòng phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp-xây dựng sẽ chiếm 56-57% trong cơ cấu kinh tế, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 41-43% vào năm 2025 và tăng lên chiếm 51-53% vào năm 2030...
Liên tục những năm qua, Hải Phòng đã nỗ lực tập trung chỉ đạo một cách quyết liệt, huy động sự vào cuộc của các cấp, các sở, ngành, địa phương, cùng nhiều cơ chế, chính sách, chương trình hành động cụ thể nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội nói chung và lĩnh vực công nghiệp nói riêng. Ðặc biệt, thành phố chủ trương tập trung cao cho đầu tư hoàn thiện và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng, trong nước và quốc tế cả đường bộ, đường biển, đường sông, đường hàng không, đường sắt. Cùng với đó là đầu tư mở rộng hệ thống giao thông kết nối và hạ tầng tới sát các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; định hướng phát triển các khu, cụm công nghiệp tập trung...
Thành phố cũng ban hành công khai các danh mục dự án công nghiệp khuyến khích và không khuyến khích đầu tư nhằm định hướng, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư phát triển tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, lĩnh vực cải cách hành chính và xúc tiến đầu tư được đặc biệt quan tâm nhằm tạo sức hút hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài với tinh thần: Hải Phòng luôn là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư và thành công của các nhà đầu tư là thành công của thành phố... Liên tục các năm qua, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Hải Phòng đã được cải thiện mạnh mẽ từ vị trí 34 năm 2001 đã vọt lên tốp 3 địa phương dẫn đầu năm 2022; chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) chuyển từ nhóm thấp nhất năm 2011 lên nhóm cao nhất cả nước năm 2022; chỉ số cải cách hành chính (Par Index) hai năm 2021 và 2022 đều giữ vị trí quán quân và á quân toàn quốc...
Bằng sự quyết liệt chỉ đạo, sự nỗ lực cố gắng thực hiện đột phá về hạ tầng giao thông và cải cách hành chính, kinh tế Hải Phòng nói chung và lĩnh vực sản xuất công nghiệp của thành phố nói riêng đã có chuyển biến tích cực; nhiều doanh nghiệp lớn trong nước và nước ngoài đã tìm đến đầu tư và tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ hiện đại... Nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới như LG, Pegatron, USI, Bridgestone,… đã lựa chọn Hải Phòng là điểm đến cho các dự án nhiều tỷ USD. Ðồng thời, hoạt động của các dự án này cũng tiếp tục góp phần tạo thêm sức hút cho các dự án vệ tinh nằm trong chuỗi cung ứng để hình thành các cụm liên kết ngành quy mô lớn, thí dụ như tổ hợp sản xuất của LG tại Khu công nghiệp Tràng Duệ; của USI và Pegatron tại Khu công nghiệp DEEP C I và II đã trở thành các dự án lõi để tiếp tục hút các dự án phụ trợ khác đến với Hải Phòng, tạo chuỗi cung ứng, hình thành cụm liên kết ngành quy mô lớn trong sản xuất...
5 tháng đầu năm 2023, các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn thành phố Cảng đã thu hút gần 500 triệu USD với 17 dự án FDI cấp mới và chín dự án FDI điều chỉnh tăng vốn. Cùng với đó là hai dự án DDI mới và bốn dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư 46,5 triệu USD. Kết quả đó đã góp phần nâng số dự án và số vốn đầu tư tại các khu công nghiệp, khu kinh tế Hải Phòng đến nay lên gần 500 dự án FDI với tổng vốn đầu tư gần 24 tỷ USD; 205 dự án đầu tư DDI với tổng vốn đầu tư 12,6 tỷ USD…
Trưởng Ban quản lý Khu Kinh tế Hải Phòng Lê Trung Kiên cho hay, việc thành phố Hải Phòng luôn kiên định chiến lược tập trung thu hút đầu tư một cách có chọn lọc, chủ động sàng lọc các dự án cũng như nhà đầu tư chất lượng cao đã góp phần đem lại hiệu quả. Trong các dự án FDI tại các khu kinh tế, khu công nghiệp ở Hải Phòng có hơn nửa số vốn đầu tư được tập trung cho lĩnh vực sản xuất điện tử, điện thoại, máy tính...; 22,3% số vốn cho công nghiệp chế tạo ô-tô, xe máy, máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng; khoảng gần 10% cho lĩnh vực logistics, kinh doanh hạ tầng... Riêng năm 2022, hơn 81% vốn đầu tư FDI vào Hải Phòng với 56 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao, chế biến, chế tạo. Ðồng thời năm 2022, các doanh nghiệp trong khu kinh tế, khu công nghiệp Hải Phòng đã đạt doanh thu 26,7 tỷ USD, xuất khẩu đạt 22,7 tỷ USD, nhập khẩu đạt 21,15 tỷ USD; nộp ngân sách 16.131 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho hơn 195 nghìn lao động...
Ðóng mới và sửa chữa tàu biển tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Phà Rừng, thành phố Hải Phòng. |
Tổng Giám đốc Pegatron Việt Nam Chen Hshin Cheng cho hay, với điều kiện phù hợp, doanh nghiệp đã nhanh chóng lựa chọn Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng để xây dựng nhà máy thứ 14 của mình trên toàn cầu, chuyên sản xuất các thiết bị máy tính, điện tử dân dụng, thiết bị liên lạc, linh kiện xe điện... Ðây cũng là nhà máy lớn thứ 2 của doanh nghiệp tại châu Á với kỳ vọng tạo 13 nghìn việc làm trong năm 2023 và 30 nghìn lao động có chất lượng trong tương lai...
Theo Giám đốc Sở Công thương Hải Phòng Bùi Quang Hải, quy mô công nghiệp Hải Phòng tuy tăng trưởng cao, nhưng chủ yếu vẫn là đóng góp của các doanh nghiệp FDI. Các ngành công nghiệp truyền thống với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp trong nước tăng trưởng thấp hoặc suy giảm; công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển và chưa tham gia được vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp... Việc đầu tư phát triển hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp cũng còn vướng mắc, chưa có khu công nghiệp chuyên ngành, công nghệ cao; chất lượng lao động chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động về tay nghề và các kỹ năng mềm; giải quyết nhà ở cho công nhân còn khó khăn...
Trong các cuộc họp đánh giá công tác hằng tháng, lãnh đạo UBND thành phố thường xuyên kiểm điểm, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội nói chung và luôn quan tâm đến sự phát triển của ba trụ cột kinh tế; chỉ rõ và giao nhiệm vụ, trách nhiệm cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương cùng kiểm tra tiến độ thực hiện nhiệm vụ, dự án, công trình...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, các cấp, các sở, ngành, đơn vị, địa phương của Hải Phòng đã và đang nỗ lực với quyết tâm cao nhất trong hiện thực hóa mục tiêu trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo tinh thần Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tại kỳ họp thường kỳ cuối tháng 5 vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng tiếp tục yêu cầu Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng chủ động xúc tiến và thu hút đầu tư có chọn lọc theo định hướng phát triển ba trụ cột nền kinh tế, chú trọng xúc tiến đầu tư với các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác quan trọng như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ðài Loan (Trung Quốc),... thu hút các dự án lớn, công nghệ cao có vai trò dẫn dắt, đóng góp lớn cho thành phố.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng tiếp tục rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Ðình Vũ-Cát Hải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bảo đảm phù hợp quy hoạch chung và tạo điều kiện cao nhất cho nhà đầu tư; tập trung triển khai xây dựng 13 khu công nghiệp mới theo Chương trình số 76-CTr/TU của Ban Thường vụ Thành ủy; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện, Khu công nghiệp Xuân Cầu, Khu công nghiệp Tiên Thanh; các dự án khu đô thị, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân...
Ðáng chú ý, Hải Phòng còn quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND thành phố do Chủ tịch UBND thành phố làm tổ trưởng. Thành viên Tổ công tác là lãnh đạo các sở, ngành chức năng liên quan, chủ tịch ủy ban nhân dân các quận, huyện nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Ðây là động thái được các doanh nghiệp, nhà đầu tư đánh giá là hết sức tích cực nhằm nhanh chóng, trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, mặt bằng và các vướng mắc khác hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nhất là các dự án sản xuất công nghiệp...