Phát triển du lịch gắn với bảo tồn thiên nhiên

NDO -

NDĐT – Ngày 21-7, tại TP Đà Nẵng, 150 đại biểu trong nước và quốc tế đã cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về du lịch và áp lực của du lịch lên bảo tồn đa dạng sinh học tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên trên cả nước. Qua đó, cùng đề xuất những mô hình phù hợp nhằm chung tay thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Cù Lao Chàm, mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn.
Cù Lao Chàm, mô hình phát triển du lịch gắn với bảo tồn.

Chương trình do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng, Trung tâm bảo tồn Đa dạng Sinh học Nước Việt Xanh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, Đại học Đà Nẵng phối hợp tổ chức.

Theo số liệu thống kê năm 2017, Việt Nam có 61/167 khu bảo tồn (KBT) đã tổ chức kinh doanh hoạt động du lịch sinh thái, bao gồm 25/34 vườn quốc gia (VQG), 36/133 khu bảo tồn (KBT) thiên nhiên. Năm 2016, đã đón hơn hai triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 114 tỷ đồng. 19 tỉnh, thành phố khu vực miền trung – Tây Nguyên có 66 KBT, tổng diện tích 1,48 triệu ha.

Tuy nhiên trong thực tiễn, việc phát triển du lịch thiếu quy hoạch, kế hoạch chưa rõ ràng dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đối với tài nguyên thiên nhiên, văn hóa bản địa cũng như hiệu quả kinh doanh hoạt động du lịch của các VQG/KBT. Trong 61 KBT tổ chức du lịch sinh thái, có 56 khu chưa có đề án phát triển du lịch và 60 khu chưa có dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Việt Nam đứng ở gần cuối bảng xếp hạng liên quan đến môi trường, như: mức độ bền vững, các quy định về môi trường, mức độ chất thải, nạn phá rừng, hạn chế về xử lý nước…

Việc xuất hiện khách du lịch làm phát sinh các chất thải rắn, nước thải. Ngân hàng Thế giới ước tính mỗi năm, Việt Nam mất ít nhất 69 triệu USD thu nhập từ ngành du lịch, do hệ thống xử lý vệ sinh nghèo nàn; ô nhiễm môi trường.

Ông Lê Ngọc Thảo, Trưởng Ban Thư ký Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm chia sẻ bài học về mô hình về phát triển du lịch gắn với công tác bảo tồn đa dạng sinh học và giá trị văn hóa bản địa tại Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam). Theo đó, trong du lịch sinh thái, người dân địa phương là chủ câu chuyện; khai thác tài nguyên một cách văn minh; các giá trị trong khu sinh quyển không tồn tại độc lập, mà giữa chúng có sự phụ thuộc và liên kết với nhau về không gian và thời gian; bán cái gì ta đang có, không bán những gì khách cần.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra những kiến nghị nhằm thực hiện mục tiêu phát triển du lịch gắn với bảo tồn, như: cần hoàn thiện chính sách quản lý rừng đặc dụng, chính sách khuyến khích đầu tư du lịch sinh thái trong các VQG, KBT thiên nhiên; chú trọng đầu tư công tác quản lý tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực; tăng cường tham gia của người dân địa phương vào quá trình lập kế hoạch và quản lý du lịch; bảo đảm du lịch sinh thái góp phần bảo tồn các khu rừng đặc dụng nguyên sinh; tăng cường hợp tác và hỗ trợ của các tổ chức trong nước và quốc tế trong bảo tồn, nghiên cứu, quản lý các hoạt động du lịch sinh thái...