Năm 2003, để phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin theo Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của Bộ Chính trị, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng đề án giải thưởng công nghệ thông tin thanh niên mang tên Quả Cầu Vàng nhằm tôn vinh các nhà khoa học trẻ tiêu biểu trong 5 lĩnh vực: Công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa; công nghệ y-dược; công nghệ sinh học; công nghệ môi trường và công nghệ vật liệu mới.
Hơn 20 năm qua, giải thưởng đã thu hút hàng nghìn hồ sơ đăng ký xét chọn, từ đây vinh danh 204 nhà khoa học trẻ tiêu biểu ở cả trong nước và người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài.
Đáng chú ý, các cá nhân sau khi đoạt giải thưởng đã tiếp tục gặt hái nhiều thành công trên con đường sự nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển đất nước, được giới khoa học và cộng đồng đánh giá cao.
Từng giành giải thưởng năm 2008, Tiến sĩ Trần Quang Tuấn, Phó Cục trưởng Năng lượng nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, các công trình nghiên cứu, sản phẩm, giải pháp, dịch vụ khoa học-công nghệ của những cá nhân giành giải thưởng đã góp phần không nhỏ trong giải quyết các thách thức về phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, y tế, năng lượng, vật liệu mới..., trở thành nền tảng quan trọng để tiếp tục nhân rộng những công trình nghiên cứu giá trị, thiết thực.
Theo Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam Nguyễn Minh Triết, thành tích mà các thế hệ tài năng trẻ giành giải thưởng Quả Cầu Vàng là minh chứng rõ nét về việc các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khoa học-công nghệ ngày càng đi vào thực tiễn đời sống. Sự trưởng thành của các cá nhân giành giải thưởng thể hiện trên nhiều phương diện, nhưng có điểm chung là hầu hết đều giữ được đam mê với khoa học-công nghệ, không ngừng truyền cảm hứng, tạo động lực, bồi đắp tình yêu, khát vọng chinh phục đỉnh cao khoa học-công nghệ tới các bạn trẻ.
Từ góc nhìn tổng thể, có thể thấy rằng: Thời gian qua, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn và thách thức, lĩnh vực khoa học-công nghệ ở nước ta vẫn đạt được những thành tựu vượt bậc, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh, góp phần hiệu quả trong phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.
Đóng góp của khoa học-công nghệ thông qua năng suất các yếu tố tổng hợp đã không ngừng tăng nhanh: Từ 33,6% trong giai đoạn 2010-2015 lên 45,2% trong giai đoạn 2016-2020. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam cũng liên tục được cải thiện: Từ vị trí 59 vào năm 2016 lên đứng thứ 46 vào năm 2023, xếp thứ hai trong nhóm nền kinh tế có thu nhập trung bình thấp.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế phát triển mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, để hiện thực hóa khát vọng 2045 gắn với các chiến lược phát triển khoa học-công nghệ mà Đảng, Chính phủ đã đề ra, Ban Tổ chức giải thưởng Quả Cầu Vàng cần rà soát, đề xuất giải pháp hoàn thiện cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài Việt Nam ở cả trong và ngoài nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, đồng thời tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng cũng như uy tín của giải thưởng theo các yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước.
Muốn làm được điều đó, cần xem xét xây dựng cơ chế đột phá để ươm mầm, phát huy tài năng để các cá nhân giành giải thưởng trở thành những cánh chim đầu đàn về khoa học trong tương lai; nghiên cứu thành lập một hội đồng hiến kế cho Nhà nước với thành viên là các cá nhân giành giải thưởng; kết nối các thế hệ chủ nhân Quả Cầu Vàng với doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà hoạch định chính sách để tạo lập hệ sinh thái phù hợp, thiết thực đồng hành với các đề tài, công trình nghiên cứu một cách bền vững, hiệu quả.