THAM GIA TPP - CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

Phát huy thế mạnh và bảo vệ lợi ích khi tham gia Hiệp định TPP

LTS - Ngày 5-10-2015, tại A-lan-ta (Mỹ), Bộ trưởng Thương mại của 12 nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã ra tuyên bố kết thúc đàm phán. Để làm rõ hơn vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) TRẦN HỒNG HÀ (trong ảnh) về những cơ hội, thách thức và những giải pháp của Chính phủ Việt Nam, Bộ TN và MT nhằm đáp ứng yêu cầu mà TPP đề ra trong lĩnh vực TN và MT. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi.

Phát huy thế mạnh và bảo vệ lợi ích khi tham gia Hiệp định TPP

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí Thứ trưởng, đồng chí đánh giá như thế nào về những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực TN và MT, khi Việt Nam tham gia TPP?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Tham gia TPP là một cơ hội lớn cho sự phát triển kinh tế của các nước thành viên. Đối với lĩnh vực TN và MT, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ có những cơ hội và thách thức như:

Về cơ hội: Thứ nhất, tham gia TPP tạo cơ hội cho nước ta thực hiện việc xử lý ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường bằng công nghệ tiên tiến với chi phí thấp hơn; TPP sẽ thúc đẩy các hoạt động quản lý phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH), bảo tồn các loài động vật và giống cây hoang dã nguy cấp đối với nước ta, đấu tranh chống đánh bắt cá và các loài sinh vật biển trái phép, cũng như nghiêm cấm một số hình thức trợ cấp nghề cá có tác động tiêu cực dẫn đến tình trạng khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên cá.

Thứ hai, TPP sẽ hạn chế và ngăn chặn những hoạt động buôn bán trái phép các loại động vật, thực vật quý hiếm do các bên nhất trí thực thi các nghĩa vụ theo Công ước về Thương mại quốc tế đối với các loài động, thực vật nguy cấp (CITES); thực hiện các biện pháp nhằm đấu tranh, tăng cường hợp tác để ngăn chặn buôn bán các loài động vật hoang dã bất hợp pháp.

Thứ ba, TPP sẽ khuyến khích các doanh nghiệp chế biến các nguồn tài nguyên, khoáng sản thay đổi công nghệ sản xuất các mặt hàng chế biến sâu có giá trị kinh tế cao, hạn chế từng bước xuất khẩu sản phẩm sơ chế hoặc nguyên liệu thô.

Thứ tư, TPP sẽ khuyến khích hỗ trợ các sáng kiến về giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, phát thải các-bon thấp và phát triển bền vững, hỗ trợ phát triển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) một cách hiệu quả và bền vững. Đồng thời, thúc đẩy cơ chế chia sẻ, cung cấp thông tin, hợp tác trong giáo dục và đào tạo, chuyển giao công nghệ trong các nước thành viên TPP, từ đó ngành TN và MT cũng được hưởng lợi để thực hiện thành công các nhiệm vụ, đề án, dự án của ngành.

Về thách thức: Thứ nhất, tham gia TPP các ngành chế biến tài nguyên, khoáng sản, dịch vụ môi trường và dịch vụ hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế các-bon thấp của Việt Nam sẽ cạnh tranh khốc liệt trên thị trường nội địa, do quy mô thị trường lĩnh vực này của Việt Nam còn nhỏ, phân tán, năng lực các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.

Thứ hai, tham gia TPP tạo ra áp lực lớn đối với việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, kỹ thuật về môi trường, quy định pháp luật liên quan ngành TN và MT, để đáp ứng yêu cầu của các cam kết cụ thể trong TPP. Các quy định về môi trường, khai thác tài nguyên của TPP nghiêm ngặt và có tính thực thi cao, nếu không thực hiện tốt, chúng ta dễ bị phạt do không đáp ứng được trong xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa.

Thứ ba, tham gia TPP nước ta phải có sự đổi mới về tư duy quản lý và thay đổi công nghệ, nhất là trong lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản và xử lý ô nhiễm môi trường để kiểm soát các mặt hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu công nghệ, máy móc, trang thiết bị, nếu không Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi thải công nghiệp.

PV: Trong quá trình đàm phán TPP, Việt Nam và các nước tham gia đàm phán đã đưa ra những cam kết cụ thể gì trong lĩnh vực TN và MT, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Trong quá trình tham gia đàm phán TPP, Việt Nam đã cùng 11 nước thành viên đàm phán một số nội dung quan trọng liên quan môi trường và đã đạt được những cam kết cụ thể như: Phải thực thi nghiêm túc và hiệu quả các cam kết quốc tế về môi trường trong các hiệp định đa phương liên quan môi trường mà Việt Nam là thành viên. Thực thi nghiêm túc pháp luật và các quy định trong nước liên quan đến môi trường. Cam kết cùng hợp tác trong một số lĩnh vực liên quan khác, như BĐKH, bảo tồn ĐDSH, đánh bắt thủy sản, chống buôn bán trái phép động thực vật hoang dã...

Điều quan trọng, TPP có áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp (trong đó ngoài hoạt động tham vấn còn áp dụng cả biện pháp trừng phạt về thương mại) nếu xảy ra tranh chấp, hoặc có những vi phạm trong việc thực thi các nghĩa vụ của chương môi trường trong TPP nói riêng và TPP nói chung. Điều này bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện nghiêm túc các cam kết đã đưa ra, bao gồm các cam kết liên quan đến hoạt động môi trường...

PV: Để phát huy thế mạnh, cũng như bảo vệ lợi ích của Việt Nam khi tham gia TPP, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu mà TPP đưa ra. Xin đồng chí cho biết, Chính phủ Việt Nam, Bộ TN và MT đã và đang xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách và đưa ra những giải pháp cụ thể gì?

Thứ trưởng Trần Hồng Hà: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, hoạt động và biện pháp quyết liệt để khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững. Hệ thống luật và các văn bản dưới luật về TN và MT liên quan nội dung nước ta tham gia TPP được xây dựng và điều chỉnh trong thời gian qua, gồm: Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Luật ĐDSH năm 2008; Luật Khoáng sản Việt Nam năm 2012; Luật Tài nguyên môi trường biển năm 2015. Trong quá trình xây dựng và điều chỉnh hệ thống văn bản nói trên đã được tính đến việc trách nhiệm của nước ta thực hiện các điều ước, công ước quốc tế, do đó về cơ bản các quy định này phù hợp với TPP. Mặt khác, điều này cũng khẳng định những cam kết liên quan về TN và MT trong TPP về cơ bản Việt Nam có thể thực hiện được. Bộ TN và MT tiếp tục rà soát đầy đủ các nội dung của hiệp định trong lĩnh vực TN và MT, để kịp thời có đề xuất các giải pháp, điều chỉnh cơ chế, chính sách một cách phù hợp. Cụ thể là:

Thứ nhất, về môi trường và BĐKH, cần thực thi nghiêm túc quy định pháp luật về môi trường, BĐKH, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thúc đẩy nền kinh tế các- bon thấp; xử lý những trùng lặp và mâu thuẫn giữa quy định pháp luật về môi trường và các luật khác để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; sớm xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn về môi trường phù hợp với các quy định quốc tế, đặc biệt là các nước tham gia TPP. Tăng cường nguồn lực tài chính, đầu tư thỏa đáng và hiệu quả cho công nghệ xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó với BĐKH, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đội ngũ cán bộ quản lý và kỹ thuật để có thể tham gia giải quyết các vấn đề thương mại quốc tế liên quan đến TN và MT và BĐKH.

Thứ hai, về khoáng sản, nước ta hiện nay đang áp dụng khá nhiều biện pháp hạn chế xuất khẩu khoáng sản, gồm: Quy chuẩn kỹ thuật, giấy phép và thuế xuất khẩu. Bộ TN và MT sẽ nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất lộ trình cắt giảm các biện pháp này cho phù hợp với quy định của TPP. Triển khai rà soát quá trình thẩm định, cấp phép hoạt động khoáng sản đối với các doanh nghiệp nhà nước khi việc ưu tiên doanh nghiệp nhà nước trong cấp phép hoạt động khoáng sản có thể sẽ bị coi là vi phạm quy định của TPP. TPP yêu cầu các quốc gia phải khuyến khích doanh nghiệp thực thi trách nhiệm xã hội. Bộ TN và MT đang xây dựng nghị định mới thay thế Nghị định số 15/2012/NĐ - CP ngày 9-3-2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản để có thể thực hiện ngay giải pháp hoàn thiện pháp luật về khoáng sản, tránh xung đột với TPP.

Thứ ba, về tài nguyên môi trường biển, ngoài những quy định triển khai thực hiện Luật Tài nguyên môi trường biển sẽ có những quy định về trường hợp ngoại lệ cho phép thi hành các biện pháp cần thiết để bảo vệ cuộc sống và sức khỏe của con người, động vật hoặc thực vật; các biện pháp liên quan bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên có thể bị cạn kiệt để bảo vệ lợi ích chính đáng của nước ta. Đồng thời, phát huy lợi thế, tiềm năng trong khai thác, sử dụng tài nguyên biển ở nước ta, tận dụng cơ hội phát triển đất nước khi Việt Nam tham gia TPP.

PV: Xin cảm ơn đồng chí Thứ trưởng !

(Thực hiện)