Theo Báo cáo của Thành ủy Đà Nẵng, 10 năm qua, thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, các cấp, các ngành ở Đà Nẵng đã tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối là Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Đà Nẵng; tăng cường bổ sung nguồn vốn địa phương để ủy thác cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.
Tính đến 30/6/2024, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 3.800 tỷ đồng so năm 2014. Trong đó, nguồn vốn Trung ương 2.817 tỷ đồng; nguồn vốn nhận ủy thác đầu tư tại địa phương đạt 2.204 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân các cấp ở Đà Nẵng đã ưu tiên cân đối nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Nguồn ngân sách địa phương ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW đến ngày 30/6/2024 đạt 2.113 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn nhận ủy thác của địa phương đến ngày 30/6/2024 đạt 2.204 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng từ Ngân hàng Chính sách xã hội góp phần hiệu quả trong xây dựng nền nông nghiệp hiện đại. |
Việc huy động sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và các cá nhân bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội chủ yếu qua hình thức gửi tiết kiệm của các tổ chức, cá nhân. Số dư huy động tiền gửi của tổ chức, cá nhân đến ngày 30/6/2024 đạt hơn 202 tỷ đồng, tăng 194,78 tỷ đồng so năm 2014; tạo điều kiện cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hành tiết kiệm và từng bước tiếp cận với các dịch vụ ngân hàng.
Hiện nay, thành phố đang triển khai thực hiện 26 chương trình tín dụng, với tổng doanh số cho vay từ đầu năm 2014 đến nay đạt 11.090 tỷ đồng, cho 247.164 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; doanh số thu nợ đạt 7.718 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến nay đạt hơn 5.011 tỷ đồng, tăng 3.794 tỷ đồng so năm 2014.
Có 85.919 hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ đạt 58,33 triệu đồng, tăng 43,18 triệu đồng so năm 2014; người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý dư nợ 1.706 tỷ đồng, Hội Nông dân 1.097 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 1.166 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 969 tỷ đồng. Chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn được củng cố nâng cao; toàn thành phố có 1.913 Tổ Tiết kiệm và vay vốn. Huy động vốn thông qua tổ Tiết kiệm và vay vốn là 273 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai huy động nguồn lực tín dụng, hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng chính sách vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, vướng mắc. Cụ thể như thành viên Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp hoạt động kiêm nhiệm nên thời gian dành cho công tác kiểm tra, giám sát ở cơ sở còn ít, cán bộ các tổ chức chính trị-xã hội các cấp thường xuyên thay đổi dẫn đến việc theo dõi, quản lý không được xuyên suốt, gây khó khăn cho công tác quản lý và thực hiện các nội dung ủy thác.
Tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. |
Việc lồng ghép các chương trình dự án, tư vấn, hướng dẫn hộ vay áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Mức cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân để sửa chữa, xây mới nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội và Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 1/4/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2015/NĐ-CP với mức 500 triệu đồng là không còn phù hợp do giá cả vật liệu xây dựng, chi phí nhân công… đều tăng cao so thời điểm các nghị định được ban hành.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng khẳng định, sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh-quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, đồng chí Lê Trung Chinh yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, nhằm hỗ trợ người nghèo, nhóm thu nhập thấp có điều kiện vươn lên.
Thành phố sẽ bố trí, huy động nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, xây dựng, lồng ghép mô hình, chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững của địa phương với việc sử dụng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội. Cân đối, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương ủy thác sang Ngân hàng Chính sách xã hội theo hướng đối ứng với vốn Trung ương nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tín dụng chính sách xã hội.
Rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách liên quan tín dụng chính sách xã hội nhằm huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, xác định đúng đối tượng vay vốn, xác định lãi suất cho vay, hạn mức vay phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Tập trung nguồn lực nhằm thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn lực khi thực hiện chương trình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác huy động nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tiếp tục dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn theo quy định; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho Ngân hàng chính sách xã hội; hỗ trợ về cơ sở vật chất, địa điểm, trang thiết bị, phương tiện làm việc nhằm nâng cao năng lực hoạt động của Ngân hàng chính sách xã hội.
Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội và các hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội nhận dịch vụ ủy thác, tình hình sử dụng vốn của người vay; công tác kiểm tra kiểm soát nội bộ của Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố. Nâng cao chất lượng tín dụng nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần cùng thành phố thực hiện tốt công tác giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội.