Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ hai lần sử dụng không quân, hải quân đánh phá và phong tỏa sông, biển miền bắc. Giai đoạn 1967-1968 và 1972-1973, đế quốc Mỹ rải hơn 14.700 quả thủy lôi, bom từ trường xuống hầu hết cửa sông, bến cảng, luồng lạch ở miền bắc.
Đây là phương thức chiến tranh mới nhằm cô lập miền bắc, ngăn chặn viện trợ quốc tế, cắt đứt tuyến chi viện chiến lược bằng đường biển cho miền nam, bẻ gãy ý chí quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân ta. Với việc sử dụng số lượng lớn thủy lôi, bom từ trường hiện đại, liên tục cải tiến chống vô hiệu hóa, giặc Mỹ không chỉ gây cho ta rất nhiều khó khăn trong rà quét, mà còn để lại hậu quả dai dẳng về kinh tế-xã hội, giao thương đường thủy.
Chống phong tỏa, khơi thông luồng lạch, nối lại tuyến chi viện cho miền nam là nhiệm vụ cấp bách, góp phần quyết định thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; là nơi đọ sức quyết liệt giữa vũ khí trang bị hiện đại của đế quốc Mỹ với tinh thần yêu nước, ý chí quyết tâm và lòng quả cảm của quân và dân ta.
Để đối phó địch sử dụng thủy lôi, bom từ trường phong tỏa miền bắc, ngay từ tháng 6/1966, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã xác định: Vấn đề chống phong tỏa các cảng là một nhiệm vụ cấp thiết, Đảng ủy và Bộ Tư lệnh Hải quân cần nghiên cứu kế hoạch và chuẩn bị đối phó. Bộ Quốc phòng chỉ thị cho Quân chủng: Tích cực đánh địch, không để địch phong tỏa cảng; chuẩn bị mọi điều kiện để khi địch phong tỏa cảng thì giải quyết được nhanh chóng; phải tập trung, có trọng điểm, nhất là luồng ra vào các cảng lớn.
Mặc dù thiếu thốn lực lượng, phương tiện và kinh nghiệm, quán triệt sâu sắc chủ trương của cấp trên, với quyết tâm “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phẩm chất, trí tuệ của con người Việt Nam, Quân chủng Hải quân đã làm nòng cốt, chủ lực, cùng quân dân miền bắc mở tuyến, thông luồng, kịp thời nối lại tuyến chi viện bằng đường biển cho miền nam.
Trong đó, Đội 8 Công binh là lực lượng xung kích, trực tiếp tháo gỡ thành công những quả thủy lôi đầu tiên, khám phá tính năng kỹ thuật, chiến thuật của chúng, làm cơ sở để các cán bộ kỹ thuật nghiên cứu ra nhiều cách rà phá độc đáo, sáng tạo, kết hợp giữa kỹ thuật thô sơ và hiện đại để vô hiệu hóa các loại thủy lôi, bom từ trường tối tân của địch.
Trải qua hơn 400 ngày đêm chiến đấu gian khổ, quyết liệt, Quân chủng đã huy động hơn 1.000 lần chiếc tàu rà phá, cùng quân dân miền bắc phá hủy 13.346 quả thủy lôi, bom từ trường, giải phóng luồng lạch, bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, làm thất bại hoàn toàn chiến tranh phong tỏa của giặc Mỹ.
Với chiến công xuất sắc đó, Quân chủng có hai tập thể được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 10 tập thể, 30 cá nhân được tặng Huân chương Quân công, Huân chương Chiến công; 11 đồng chí được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học-công nghệ…
Chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền bắc là một trong những chiến công tiêu biểu của Quân chủng Hải quân và quân dân miền bắc, để lại nhiều bài học nghệ thuật quân sự độc đáo, đó là: Ta đã dự báo sớm, đánh giá đúng âm mưu của địch cho nên không bị động bất ngờ, có phương án đối phó hiệu quả; xây dựng bản lĩnh chính trị, ý chí quyết tâm chiến đấu cao cho bộ đội, không sợ vũ khí hiện đại của địch, dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng; kịp thời tham mưu đề xuất phương án và tổ chức lực lượng chống phong tỏa có đầy đủ thành phần (quan sát, phát hiện; công binh, trục vớt, tháo gỡ; nghiên cứu kỹ thuật, chế tạo thiết bị rà phá; tàu, phương tiện rà phá; dẫn dắt tàu vòng tránh), phù hợp diễn biến chiến trường; phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương, dân quân tự vệ, lực lượng cơ động và tại chỗ, lực lượng nòng cốt và lực lượng khác; huy động cán bộ khoa học kỹ thuật trong và ngoài quân đội, kịp thời động viên công nghiệp, đối phó hiệu quả chiến tranh vũ khí công nghệ cao của địch; tổ chức, chỉ đạo, chỉ huy, điều hành các lực lượng tập trung, thống nhất...
Phát huy nghệ thuật quân sự độc đáo, sáng tạo trong chống đế quốc Mỹ phong tỏa sông, biển miền bắc vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay, chúng ta cần tập trung vào những nội dung cơ bản sau:
Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm chính trị tinh thần là nhân tố quyết định thắng lợi, là ưu thế của ta so với địch. Quân và dân ta đã dũng cảm đối đầu với mối hiểm họa thủy lôi, bom từ trường của địch để tìm ra cách khuất phục. Vì vậy, phải thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn có bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận nhiệm vụ, không sợ hy sinh gian khổ, không sợ vũ khí công nghệ cao của địch, tin vào sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tin vào lãnh đạo, chỉ huy, vũ khí trang bị và cách đánh của ta.
Hai là, tích cực nghiên cứu, tổng kết các bài học đánh giặc trên sông, biển của dân tộc và các hoạt động đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo để bổ sung, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự hải quân phù hợp với tình hình nhiệm vụ, lực lượng và vũ khí trang bị. Nghiên cứu những thay đổi về học thuyết quân sự, vũ khí trang bị của quân đội nước ngoài để dự báo chính xác âm mưu, thủ đoạn của địch; hoàn thiện lý luận và phương án tác chiến chống phong tỏa, phòng tránh, đánh địch tiến công hỏa lực, xây dựng cách đánh phù hợp cho từng lực lượng.
Ba là, tập trung xây dựng lực lượng, tổ chức biên chế, vũ khí trang bị, trong đó có lực lượng chuyên trách rà phá thủy lôi, rải thủy lôi phòng thủ và tiến công theo hướng tinh, gọn, mạnh, đồng bộ, hiện đại. Tăng cường huấn luyện, diễn tập, luyện tập thuần thục phương án hiệp đồng tác chiến chống địch phong tỏa đường biển. Các học viện, nhà trường nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật vũ khí dưới nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bốn là, Quân chủng Hải quân là quân chủng chiến đấu, quân chủng kỹ thuật. Vì vậy, cần quan tâm phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu, phát huy sáng kiến, sáng chế, áp dụng công nghệ nội địa làm chủ vũ khí trang bị hiện đại và tham gia phát triển nền công nghiệp quốc phòng. Có chính sách thu hút, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, kỹ sư, thợ kỹ thuật, chuyên gia đầu ngành giỏi.
Đầu tư cơ sở vật chất cho các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, làm chủ công nghệ, nhất là ở những lĩnh vực đặc chủng, góp phần xây dựng Quân chủng “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.