VĂN HÓA VÀ PHÁT TRIỂN

Phát huy giá trị làng cổ Ðường Lâm

Không chỉ là mảnh đất "địa linh, nhân kiệt", Ðường Lâm còn là một địa chỉ văn hóa độc đáo của xứ Ðoài, từng được vinh danh Di sản văn hóa lịch sử quốc gia. Song để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị của một "bảo tàng sống" trong đời sống hiện đại là câu chuyện không dễ dàng...

Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).
Du khách tham quan làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Ðất "hai vua" giàu truyền thống và di sản

Ðường Lâm là vùng đất của một cộng đồng dân cư gồm năm, sáu làng họp lại. Ðường Lâm tên nôm gọi là Kẻ Mía, có lẽ tục danh này được bắt đầu từ một cái tên rất chữ nghĩa: Tổng Cam Giá (mía ngọt). Cam Giá xưa kia được chia thành hai tổng (đơn vị hành chính tương đương với cấp xã hiện nay): Cam Giá Thượng tổng (thuộc huyện Ba Vì) và Cam Giá Thịnh tổng là xã Ðường Lâm (thuộc thị xã Sơn Tây). Nửa sau thế kỷ 8, đất nước ta chịu ách đô hộ của nhà Tùy Ðường vô cùng hà khắc. Phùng Hưng đã cùng em là Phùng Hãi, Ðỗ Anh Hàn và Bồ Phá Cần chiêu tập binh mã cùng nhân dân phất cờ khởi nghĩa. Từ quê hương Ðường Lâm tiến đánh thành Tống Bình (Hà Nội), đập tan đạo quân xâm lược của Cao Chính Bình, giành lại quyền độc lập tự chủ (năm 791 - 802). Nhân dân tôn vinh ông là Bố Cái Ðại Vương; đền thờ Phùng Hưng hiện ở làng Cam Lâm, thuộc Ðường Lâm.

Trong Ðại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có đoạn viết đại ý: Ba mươi sáu quả đồi gò cùng mười tám giộc sâu đã tạo nên thế đất hùng hiểm. Hình sông thế núi hun đúc khí thiêng sinh ra những vị anh hùng hào kiệt. Nếu tính từ Phùng Hưng đến Ngô Quyền, chỉ trong vòng hơn hai trăm năm, làng Cam Lâm đã sản sinh ra hai vị vua thì có lẽ không đâu có trên đất nước này. Ngô Quyền là con trai Châu Mục Ðường Lâm Ngô Mân, người làng Cam Lâm. Ngô Quyền với trận đánh trên sông Bạch Ðằng thể hiện sự thông minh tài trí, một thiên tài trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Chiến thắng Bạch Ðằng chấm dứt 1.000 năm đô hộ của phương Bắc, mở ra một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập.

Ðường Lâm còn là một địa chỉ văn hóa đặc sắc. Hiện nơi đây có bảy di tích được xếp hạng văn hóa cấp nhà nước và cấp tỉnh, gồm: đền Phùng Hưng, lăng Ngô Quyền, nhà thờ cụ Thám hoa Giang Văn Minh, chùa Mía, đền Phủ, đình Mông Phụ và Di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia làng cổ Ðường Lâm (được công nhận năm 2005). Theo số liệu thống kê, hiện ở Ðường Lâm còn 956 ngôi nhà truyền thống, trong số đó có 54 ngôi nhà có giá trị tiêu biểu. Việc bảo tồn, tôn tạo những công trình này là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng trong nghiên cứu, tìm hiểu những "cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ". Theo nghiên cứu gần đây của một số học giả thì làng Mông Phụ là đại diện duy nhất về lúa nước của Ðông - Nam Á còn sót lại. Mông Phụ là một làng cổ với nghệ thuật xây cất bằng đá ong cực kỳ khoa học và tinh xảo, có ngôi nhà cổ lâu đời nhất gần 400 năm tuổi. Hiện thành phố Hà Nội đang bảo tồn với ý nghĩa: Mông Phụ - Bảo tàng sống của các cộng đồng cư dân nông nghiệp cổ; bên cạnh Hội An - Bảo tàng sống của các cộng đồng cư dân đô thị cổ Việt Nam.

Bài toán bảo tồn và phát triển

Với những giá trị văn hóa, lịch sử và kiến trúc độc đáo, từ lâu, Ðường Lâm đã trở thành một điểm đến nhiều du khách trong và ngoài nước tìm kiếm; được quan tâm đầu tư bảo tồn và phát huy. Phó Trưởng ban Quản lý di tích làng cổ Ðường Lâm Nguyễn Trọng An cho biết, hơn mười năm qua, Hà Nội đã đầu tư cho Ðường Lâm hơn 70 tỷ đồng. Bên cạnh các công trình tâm linh, 26 ngôi nhà cổ được đầu tư tôn tạo (giai đoạn 1), đến nay có 22 ngôi nhà đã hoàn thành. Ngày 22-11-2019, UBND thành phố Hà Nội ra quyết định công bố "Ðiểm du lịch làng cổ ở Ðường Lâm". Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý, năm 2019 số lượng khách nước ngoài đến Ðường Lâm khoảng hơn 10.000 lượt người; khách nội địa khoảng 120.000 đến 130.000 lượt người. Không giống với những nơi khác, khách đến Ðường Lâm không lưu trú lại mà đi trong ngày bởi khoảng cách với Hà Nội không xa. Bên cạnh những đình, chùa, đền, miếu thì những ngôi nhà cổ là điểm nhấn không thể thiếu trong hành trình du lịch. Ðến Ðường Lâm, ghé thăm làng cổ Mông Phụ, du khách được lang thang trên những con đường làng vắng vẻ. Một mình mình, nghe tiếng bước chân mình rộn vang trong từng ngõ nhỏ mà thấy thời gian như ngưng đọng ở đất này. Vẫn những tường đá ong sừng sững chạy dài, những mái ngói rêu phong dãi dầu cùng năm tháng... Dường như ai cũng cảm thấy có điều kỳ diệu còn tiềm ẩn dưới lớp đá ong dày trầm mặc tích tụ tự bao đời...

Phát huy giá trị làng cổ Ðường Lâm ảnh 1

Hoạt động du lịch đã đem lại sự thay đổi nhiều mặt trong đời sống của làng quê này. Một loạt các dịch vụ được mở ra: nấu ăn tại nhà phục vụ khách, bán hàng quà bánh đặc sản địa phương... Sản phẩm địa phương tiêu thụ nhiều hơn, số lao động có việc làm tăng lên, những hộ làm du lịch đã bắt đầu có thu nhập... Song, số gia đình có thể làm được du lịch hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay, những gia đình được hưởng lợi từ du lịch chưa nhiều. Chính nguyên nhân này bộc lộ một nhược điểm cơ bản của "du lịch cộng đồng". Khách du lịch đến Ðường Lâm không chỉ là đến thăm một ngôi nhà mà mong muốn thấy cả làng quê. Làng quê ấy không do một cá nhân, thiểu số gia đình làm nên mà phải được cả cộng đồng chung tay. Vì vậy, nếu không được hưởng lợi từ du lịch thì không ai muốn gìn giữ làng cổ cho một số cá nhân.

Chủ tịch UBND xã Ðường Lâm Giang Mạnh Hoằng cho biết: Trong các cuộc họp với UBND thành phố Hà Nội và UBND thị xã Sơn Tây, nhiều chỉ đạo quyết liệt đã được đưa ra cho chính quyền địa phương. Song, việc xây nhà cao tầng trong "vùng lõi" di sản vẫn không khắc phục được. Anh em cán bộ cũng thấy "khó" vì bên cạnh trách nhiệm còn là "tình làng nghĩa xóm". Rồi lại có chuyện cãi vã giữa chủ một nhà cổ với nhà hàng xóm chỉ vì một chiếc cổng được xây lại. Cổng mới đổ mái bê-tông, cánh bằng thép sáng choang. Hai cổng đứng cạnh nhau, vô hình trung làm giảm lượng khách đến nhà cổ, thế là to tiếng... Việc bảo tồn tưởng đơn giản nhưng thực tế rất phức tạp, nhiều năm nay không thể dứt điểm được. Làng cổ Ðường Lâm theo năm tháng cứ dần mai một, nếu không có những giải pháp kịp thời sẽ có nguy cơ biến mất.

Bài toán san sẻ lợi ích trong cộng đồng đã được đặt ra trong việc bảo tồn và phát triển du lịch Ðường Lâm; rất nhiều hội thảo được tổ chức song chưa có lời giải. Gần đây, các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch đưa ra sáng kiến tổ chức homestay, nhưng khó khả thi. Bởi lẽ làng cổ đất chật người đông, nhà truyền thống của người Việt có vẻ rộng nhưng công năng thực dụng ít, không gian "ảo" (nơi thờ tự, sân, vườn...) chiếm nhiều diện tích. Ðó là chưa kể đến tâm lý, quan niệm về tâm linh trong cộng đồng người dân khi cho khách ngủ lại nhà cổ. Du lịch đúng là "ngành công nghiệp không khói" nhưng vô cùng tinh tế trong tổ chức thực hiện. Nếu không làm tốt chắc chắn trong tương lai số lượng khách sẽ giảm.

Làng cổ Ðường Lâm là một "bảo tàng sống". Chúng ta có thể bỏ ra rất nhiều tiền bạc, công sức nhưng sẽ không thành công nếu không được cả cộng đồng chung tay. Sự phân chia không hợp lý thu nhập từ du lịch cộng đồng dẫn đến mâu thuẫn giữa xu hướng muốn bảo tồn và ngược lại ngày càng tăng. Vì thế, không chỉ dừng lại ở bảo tồn, tôn tạo (bằng kinh phí nhà nước) mà cần phát huy được giá trị của di sản bằng chính nguồn lực nội tại - sự chung tay của cả cộng đồng, điều làm nên sức sống bền vững của di sản mà Hội An là một minh chứng.

Ðường Lâm là một "cộng đồng cư dân nông nghiệp", nhưng lâu nay khía cạnh nông nghiệp, điều làm nên hồn cốt của làng cổ, lại không được để ý. Nếu như không còn canh tác nông nghiệp thì làng cổ vẫn còn, song đó chỉ là cái "xác". Tinh thần của làng cổ chính là những giá trị phi vật thể như tập quán canh tác, tâm lý, lối sống và những tín ngưỡng bao đời nay. Vì thế, hình thức du lịch ở Ðường Lâm cần mở rộng ra bằng nhiều cách. Khách nội địa đến đây nhiều gấp 10 lần khách nước ngoài, chủ yếu đi trong ngày và cư trú ở đô thị như Hà Nội và một số vùng phụ cận. Phải chăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (quê, sạch) đang bị bỏ quên? Do đó vai trò của cơ quan quản lý trong hoạt động tổ chức, dẫn dắt là rất cần thiết.

Thực tế, đã có một số mô hình như trồng cây ăn quả, rau, hoa đáp ứng được nhu cầu của khách nhưng còn quá ít ỏi. Và nếu làng cổ chuyển hướng sang du lịch sinh thái thông qua mô hình trang trại, trang gia... với sản phẩm làm được có chất lượng tốt thì sẽ cuốn hút được đông đảo người dân tham gia, cả một cộng đồng sẽ được hưởng lợi từ du lịch. Ðồng ruộng ở Ðường Lâm nhiều năm nay sản xuất cầm chừng, nông dân Ðường Lâm vốn cần cù vậy mà sản xuất nông nghiệp không cuốn hút được lao động. Nếu đánh thức được tiềm năng này, cũng là một hướng để bài toán bảo tồn làng cổ có được lời giải.