Phát hiện ngôi sao cách Trái đất 28 tỷ năm ánh sáng

NDO -

Ngôi sao có biệt danh là “Earendel” nằm cách Trái đất 28 tỷ năm ánh sáng và có thể nặng gấp 500 lần Mặt trời của chúng ta.

Earendel là ngôi sao nằm xa Trái đất nhất từng được quan sát thấy. (Ảnh: NASA)
Earendel là ngôi sao nằm xa Trái đất nhất từng được quan sát thấy. (Ảnh: NASA)

Mới đây, kính viễn vọng không gian Hubble của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã phát hiện một ngôi sao đơn lẻ nằm ở xa nhất từng được quan sát thấy, cách Trái đất khoảng 28 tỷ năm ánh sáng.

Phát hiện này được công bố trên tạp chí khoa học uy tín Nature ngày 30/3.

Hiện tượng thiên văn có tên “thấu kính hấp dẫn” cho phép các nhà khoa học từ Trung tâm Bình minh Vũ trụ tại Viện Niels Bohr ở Copenhagen và Viện Vũ trụ quốc gia Đan Mạch (DTU Space) quan sát một khoảng cách xa đến mức mà việc phát hiện ra các thiên hà thậm chí cũng rất khó khăn.

Thuyết tương đối của Einstein cho rằng, mọi vật có khối lượng đều có thể “bẻ cong” không gian. Khi ánh sáng di chuyển gần các vật thể có khối lượng lớn, nó sẽ đi theo không gian bị uốn cong và đổi hướng. Nếu một vật thể có khối lượng lớn tình cờ nằm giữa Trái đất và một nguồn phát sáng ở khoảng cách xa, vật thể đó có thể làm lệch hướng và hấp dẫn ánh sáng về phía Trái đất với vai trò như một thấu kính khuếch đại cường độ ánh sáng.

Có một sự trùng hợp đáng kinh ngạc là các thiên hà trong cụm thiên hà WHL0137-08 tình cờ nằm ở vị trí thẳng hàng với Trái đất và Earendel, do đó khuếch đại ánh sáng phát ra từ ngôi sao này lên hàng nghìn lần.

Phát hiện ngôi sao cách Trái Đất 28 tỷ năm ánh sáng -0
 (Ảnh: NASA)

Sự kết hợp giữa hiệu ứng “thấu kính hấp dẫn” và 9 giờ phơi sáng với kính viễn vọng không gian Hubble đã giúp các nhà thiên văn học phát hiện ra Earendel.

Biệt danh của ngôi sao này được các nhà khoa học đặt theo từ tiếng Anh cổ có nghĩa là “ngôi sao ban mai”. Theo tính toán của các nhà khoa học, Earendel có trọng lượng lớn gấp ít nhất 50 lần, thậm chí là 500 lần so với Mặt trời của chúng ta, và sáng hơn gấp hàng triệu lần.

Việc tìm thấy Earendel không chỉ là một thành tựu đáng kinh ngạc, mà còn cho phép chúng ta ngược dòng thời gian để khám phá vũ trụ thuở sơ khai, cũng như hiểu hơn về các khối cấu tạo của một số thiên hà đầu tiên.

Do ở khoảng cách rất xa Trái Đất, nên ánh sáng mà chúng ta quan sát thấy từ Earendel thật ra được phát ra khi vũ trụ mới chưa đầy một tỷ năm tuổi, tương đương với khoảng 6% so với tuổi vũ trụ hiện tại.

Vào thời điểm đó, ngôi sao chỉ cách dải Ngân hà (Milky Way) của chúng ta 4 tỷ năm ánh sáng. Tuy nhiên, trong suốt quá trình 13 tỷ năm ánh sáng của Earendel đến được với chúng ta, vũ trụ đã giãn nở, khiến cho khoảng cách giữa nó và Trái đất được nâng lên thành 28 tỷ năm ánh sáng.