Phát hiện mới này mang lại tia hy vọng cho loài động vật đặc biệt này ít nhất ở một số khu vực ở Bắc cực đang bị ấm lên.
Quần thể gấu Bắc cực đặc biệt này có khoảng vài trăm con, sinh sống ở một phần bờ biển phía đông nam của Greenland trên eo biển Đan Mạch. Chúng đã sống sót chỉ bằng cách dựa vào sử dụng các khối băng trôi nổi vỡ ra từ dải băng Greenland để phục kích những con hải cẩu mất cảnh giác.
Chúng được phát hiện là loài gấu Bắc cực có khác biệt về mặt di truyền nhất thế giới, khác biệt với 19 quần thể đã biết khác của loài gấu Bắc cực. Chúng gần như đã bị cắt đứt hoàn toàn với các loài gấu Bắc cực khác trong ít nhất vài trăm năm, không có bằng chứng nào về việc rời đi, mặc dù có một số bằng chứng về sự xuất hiện không thường xuyên ở đâu đó.
Các nhà nghiên cứu đã thu thập dữ liệu di truyền, sự di chuyển và số lượng quần thể bao gồm theo dõi từ vệ tinh một số loài gấu và quan sát chúng từ máy bay trực thăng.
Dữ liệu theo dõi từ những con gấu được gắn thẻ xác nhận rằng chúng không di chuyển xa. Nhà khoa học Kristin Laidre chuyên về vùng cực thuộc Đại học Washington, tác giả chính của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science cho hay, khi các thành viên của nhóm mạo hiểm ra khỏi các vịnh hẹp, các tảng băng mà chúng ngồi đôi khi bị cuốn vào dòng chảy nhanh xuống bờ biển phía đông của Greenland, “chúng sẽ bị mắc kẹt trong dòng nước và chúng thực sự sẽ nhảy ra, bơi vào bờ và đi bộ trở về nhà”.
Nhà sinh học phân tử tiến hóa Beth Shapiro thuộc Đại học California, đồng tác giả của nghiên cứu này, cho biết: "Những con gấu này không phát triển mạnh. Chúng sinh sản chậm hơn, kích thước nhỏ hơn. Nhưng quan trọng là chúng đang sống sót. Thật khó để biết liệu những khác biệt này là do sự thích nghi về mặt di truyền hay chỉ đơn giản là do thích ứng khác nhau của gấu Bắc cực đối với môi trường sống và khí hậu rất khác nhau”.
Gấu Bắc cực hiện có tổng số khoảng 26.000 con, và đang có nguy cơ tuyệt chủng bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao định hình lại cảnh quan Bắc cực và làm suy giảm các tảng băng biển, nơi gấu Bắc cực ngồi rình vồ các con hải cẩu ngoi lên từ dưới nước.
Quần thể gấu ở phía đông nam Greenland nơi được bao quanh bởi các dãy núi lởm chởm và sông băng Greenland ở phía tây, và đại dương ở phía đông. Bởi vì khu vực này nằm rất xa về phía nam nên độ bao phủ của băng biển chỉ kéo dài khoảng 100 ngày mỗi năm. Vào mùa xuân, những con gấu lang thang trên những lớn băng đại dương và sông băng. Vào mùa hè, các mảng băng trôi nổi ở mặt trước của dải băng Greenland và những con gấu Bắc cực này dựa vào những mảng băng trôi để săn mồi. Loại môi trường sống này chỉ có ở các vùng của Greenland và Svalbard, một quần đảo Bắc Băng Dương.
Nhà khoa học John Whiteman, trưởng nhóm nghiên cứu của nhóm bảo tồn quốc tế về Gấu Bắc cực và là giáo sư sinh học tại Đại học Old Dominion ở Virginia (Mỹ) nhận định: "Việc sử dụng mảng băng trên sông băng này chưa được ghi nhận trước đây và thể hiện một hành vi độc nhất vô nhị".
Theo nhà khoa học Whiteman: "Nghiên cứu này cũng sẽ thúc đẩy một cuộc tìm kiếm các môi trường sống tương tự trong các quần thể gấu Bắc cực”.
Tuy nhiên, nhà khoa học Laidre vẫn nhận định: "Mất băng ở biển Bắc cực vẫn là mối đe dọa chính đối với tất cả các loài gấu Bắc cực. Nghiên cứu này không thay đổi được điều đó".
Ông Shapiro cho biết, những phát hiện này có thể cung cấp một cái nhìn sơ lược về cách gấu Bắc cực sống sót qua thời kỳ ấm áp trước đó trong khoảng 500.000 năm kể từ khi chúng tách ra về mặt tiến hóa từ gấu nâu.
"Gấu Bắc cực đang gặp rắc rối", ông Shapiro cảnh báo. "Rõ ràng là nếu chúng ta không thể làm chậm tốc độ ấm lên toàn cầu thì gấu Bắc cực đang trên quỹ đạo tuyệt chủng. Càng có thể tìm hiểu nhiều hơn về loài sinh vật đặc biệt này, chúng ta càng có thể giúp chúng sống sót thêm 50 đến 100 năm”.