Đây là loài cá sống sâu nhất dưới đại dương được phát hiện qua hình ảnh camera.
Các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu Biển sâu thuộc Đại học Minderoo-Tây Australia và Đại học Khoa học-Công nghệ Hàng hải Tokyo đã phát hiện loài cá ốc thuộc chi Pseudoliparis ở độ sâu 8.336m dưới biển, ở rãnh Izu-Ogasawara, đông nam Nhật Bản.
Đoạn video được quay bằng thiết bị camera thả xuống từ một tàu nghiên cứu biển sâu trong chuyến thám hiểm kéo dài 2 tháng bắt đầu từ năm ngoái.
Vài ngày sau khi phát hiện cá ốc ở độ sâu này, cũng ở rãnh Izu-Ogasawara, các nhà khoa học đã phát hiện 2 con cá ốc khác, thuộc loài Pseudoliparis belyaevi, ở độ sâu 8.022m.
Trước đó, kỷ lục về vùng nước sâu nhất có cá được xác lập vào năm 2017 khi các nhà khoa học phát hiện loài cá ốc Mariana ở độ sâu 8.178m dưới rãnh Mariana nằm ở tây Thái Bình Dương. Đây được coi là điểm sâu nhất trên Trái Đất.
Cá ốc thuộc nhóm sinh vật đa bào, được biết đến có hơn 400 loài. Loài cá này có môi trường sống đa dạng, từ những vùng nước nông đến những vùng nước sâu thẳm nhất dưới đáy đại dương.
Theo Giáo sư Alan Jamieson, trưởng đoàn thám hiểm, nhờ khả năng thích nghi tốt với môi trường, một số loài cá ốc có thể sống ở những vùng nước sâu hơn 1.000m so với các loài cá biển sâu khác.
Ở độ sâu 8.000m dưới nước, áp suất lớn hơn 800 lần so với trên bề mặt đại dương. Gần 10 năm trước, Giáo sư Jamieson và các đồng nghiệp đã đưa ra giả thuyết rằng về mặt sinh học, cá không thể tồn tại ở độ sâu hơn 8.200-8.400m.
Giải thích về phát hiện cá ốc ở độ sâu hơn 8.300m, ông cho rằng cá ốc thích nghi tốt với môi trường biển sâu có thể là do chúng không có bong bóng và vảy. Thay vào đó, cá ốc có một lớp màng gần giống gelatin giúp chúng "thích nghi về mặt sinh học" với môi trường biển sâu.