Nghiên cứu mới được đăng tải trực tuyến trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS) ngày 31-5.
Loài động vật thân mềm lớn này dài tới khoảng 35 cm, nặng 2kg, được gọi là Gumbot chiton hay Cryptochiton stelleri, có biệt danh là “tảng thịt lang thang” vì hình dạng của nó rất giống một miếng thịt.
Theo bài báo, những chiếc răng cứng, có từ tính của loài nhuyễn thể có màu nâu đỏ như da này, sở hữu một loại khoáng chất hiếm mang tên santabarbaraite, trước đây chỉ thấy trong đá.
Loại khoáng chất này có thể giúp loài động vật thân mềm sống ở Thái Bình Dương này sử dụng hàm răng cứng kiếm ăn trên các bờ biển đầy đá.
Loài nhuyễn thể được trang bị vài chục hàng răng trên một bộ phận linh hoạt giống như lưỡi được gọi là radula, dùng để cạo tảo khỏi đá. Những chiếc răng đó được bao phủ bởi khoáng chất từ sắt quý hiếm, tạo thành loại răng cứng nhất được biết đến cho đến nay. Nó cứng gấp ba lần men răng của con người và vỏ nhuyễn thể.
Phó giáo sư Derk Joester, nhà khoa học vật liệu và các đồng nghiệp đã phân tích những chiếc răng này bằng cách sử dụng tia X năng lượng cao từ nguồn photon nâng cao tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Argonne của Đại học Northwestern. Họ phát hiện ra rằng, bề mặt tiếp giáp giữa răng và thịt chứa các hạt nano santabarbaraite, một khoáng chất chứa nhiều sắt chưa từng thấy trước đây trong cơ thể một sinh vật sống.
Sau khi tìm thấy khoáng chất santabarbaraite trong một sinh vật, các nhà nghiên cứu đề nghị tìm kiếm thêm khoáng chất này trong lớp biểu bì của côn trùng và vi khuẩn cảm nhận từ trường.
Nghiên cứu mới cũng giúp các nhà khoa học hiểu rõ răng chiton chịu mài mòn như thế nào, đồng thời phát triển mực in 3D có thể tạo ra vật liệu siêu cứng với độ bền cao. Lấy cảm hứng từ phát hiện này, Phó giáo sư Derk và cộng sự muốn sản xuất loại mực chứa sắt và phosphate trộn lẫn với hợp chất tự nhiên do loài nhuyễn thể này sản sinh. Khi mực khô, nó sẽ tạo ra vật liệu siêu cứng.