Phần mềm sinh trắc học mới nhận diện qua mồ hôi

Bà Stephanie Schucker.
Bà Stephanie Schucker.

Các nhà khoa học tại trường ĐH Clarkson đã phát hiện ra rằng các bộ đọc dấu vân tay có thể bị lừa bằng các hình ảnh dấu vân tay được tạo ra bằng gelatin hoặc một mô hình ngón tay được tạo ra từ thạch cao.

Trong một cuộc thử nghiệm có hệ thống hơn 60 mẫu vân tay được tạo ra một cách cẩn thận, các nhà khoa học đã phát hiện được rằng 90% mẫu vẫn tay giả đã được chấp nhận như các dấu vân tay thực.

Nhưng khi các nhà khoa học cải tiến bộ đọc với một thuật toán cho phép phần mềm tìm kiếm các dấu hiệu của việc đổ mồ hôi, tỷ lệ xác nhận sai giảm xuống chỉ còn 10%.

Ý tưởng sử dụng quá trình đổ mồ hôi là một phương thức có nhiều hứa hẹn trong việc chống lại sự xâm nhập của tin tặc bởi quá trình đổ mồ hôi tạo ra một mẫu có thể tạo mô hình được. Với những ngón tay sống, việc đổ mồ hôi bắt đầu quanh các lỗ chân lông và lan tỏa theo các rãnh vân da, tạo nên một dấu hiệu riêng biệt của quá trình. Thuật toán do bà Stephanie Schucker, một giáo sư về kỹ thuật vi tính và điện tử tại ĐH Clarkson tạo ra, có thể phát hiện và diễn giải mô hình việc mồ hôi khi đọc một hình ảnh dấu vân tay. Còn các ngón tay chết thì không thể đổ mồ hôi được.

"Do việc phát hiện sự sống dựa trên việc nhận diện các hoạt động sinh lý như dấu hiệu của sự sống, chúng tôi cho rằng các hình ảnh từ các ngón tay sẽ thể hiện một sự thay đổi nhất định mẫu hơi ẩm trong quá trình đổ mồ hôi mà các xác chết và hình ảnh dấu vân tay giả mạo thì sẽ không có"

Dự án nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực tìm cách cải thiện các hệ thống nhận dạng và xác thực sinh trắc học do các trường đại học thực hiện và được Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) tài trợ.

Các phương pháp khác cũng đang được nghiên cứu. Các bộ đọc dấu vân tay sẽ chụp ảnh một dấu vân tay và so sánh nó với một mẫu trong cơ sở dữ liệu. Để tránh việc giả mạo dấu vân tay, các nhà khoa học của hãng NEC cũng đã phát triển một công nghệ chụp ảnh các mô bên dưới đầu ngón tay để tạo ra một hình ảnh ba chiều có thể so sánh với mẫu trong cơ sở dữ liệu. Còn hãng Fujitsu thì lại nghiên cứu công nghệ xác thực qua việc xem xét các mẫu mạch máu.

Mặc dù các công nghệ nhận diện sinh trắc học đang ngày càng được cải tiến nhưng mỗi công nghệ lại có những hạn chế riêng. Thí dụ, phương pháp xác thực qua giọng nói, mặc dù có độ chính xác cao và khó bị giả mạo nhưng lại có thể bị ảnh hưởng bởi kết nối điện thoại kém. Còn công nghệ quét võng mạc cũng hoạt động tốt, nhưng lại không khả thi về mặt thương mại.

Cuối cùng, công nghệ quét hình ảnh khuôn mặt mặc dù có độ chính xác kém nhất, nhưng các nhà tư vấn cho Bộ Ngoại giao Mỹ lại nói rằng công nghệ này được lựa chọn để sử dụng cho các hộ chiếu điện tử bởi các thí nghiệm nhận dạng cụ thể đã cho thấy dường như những người bị kiểm tra không cảm thấy bị xúc phạm.