Ý kiến cử tri

Phải thực hiện tốt công tác cán bộ để chống tiêu cực, lãng phí

Ðể chống tiêu cực, lãng phí, cần thực hiện thật tốt công tác cán bộ, phải chọn được người có tài, có đức vào những vị trí chủ chốt. Ở nhiều địa phương, một số cán bộ vướng vào sai phạm, tiêu cực, lãng phí có nhà to, tài sản nhiều… gây bức xúc dư luận xã hội. Muốn có cán bộ tốt phải có cơ chế thật năng động, có thước đo thật chuẩn mực đánh giá hiệu quả công việc cũng như trách nhiệm của cán bộ thật rõ ràng; có khen thưởng xứng đáng khi hoàn thành tốt nhiệm vụ, có xử lý kỷ luật nghiêm minh và thay thế ngay cán bộ khi có sai phạm.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng.
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp tại Hội trường Diên Hồng.

Một trong những nguyên nhân gây thất thoát, lãng phí hiện nay là chúng ta chưa có quy hoạch tổng thể quốc gia thật bài bản. Trong khi đó, quy hoạch trong các lĩnh vực thường chậm hơn so với thực tiễn. Ðơn cử như việc quy hoạch giao thông ở khu vực Ðông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long vẫn chưa đồng bộ, chưa kết nối liên vùng để hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước vẫn rất chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra…

NGUYỄN THĂNG LONG

(Khu phố 1, phường 14, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh)

Chống lãng phí, thất thoát nguồn lực kinh tế từ cơ sở

Thực tế cho thấy hiện nay việc lãng phí trong quản lý, xử lý, giải quyết các vấn đề về các dự án đầu tư công; xử lý, bố trí, sắp xếp các tài sản công chưa hợp lý gây ra lãng phí quá lớn. Tại thành phố Ðà Nẵng, hàng trăm công trình, dự án, đất trống… bỏ hoang và chưa được đưa vào sử dụng. Nhiều dự án treo hàng chục năm.

Mặc dù chính quyền thành phố, Ðoàn đại biểu Quốc hội thành phố Ðà Nẵng và Hội đồng nhân dân các cấp đã tích cực đôn đốc, kiểm tra, giám sát, cử tri có ý kiến nhiều lần nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ, chính quyền địa phương cần quan tâm, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và giám sát đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Phải bảo đảm các dự án đó mang lại lợi ích cho người dân, hài hòa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa người dân và Nhà nước. Thiết nghĩ, chống lãng phí và tiết kiệm hiệu quả mọi nguồn lực kinh tế của đất nước, cần đi từ người dân và đặt người dân trong vị trí trung tâm.

TRẦN THỊ THU HIỀN

(Tổ 60, phường Nại Hiên Ðông, quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng)

Tiết kiệm, chống lãng phí phải thể hiện trong thực tế

Theo tôi, Quốc hội dành cả ngày 31/10 để thảo luận việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung rất đúng và trúng, được cử tri cả nước rất quan tâm. Tôi được biết, tình trạng lãng phí, chưa tiết kiệm xảy ra ở nhiều bộ, ngành, địa phương và trong các lĩnh vực khác nhau. Xin đơn cử, ở Trung ương có các dự án xây dựng cơ sở 2 của các bệnh viện tuyến cuối đặt tại các tỉnh Bắc Bộ để dang dở, lãng phí, chưa biết bao giờ đưa vào sử dụng. Tại Quảng Bình, trên khu "đất vàng" ở bán đảo Bảo Ninh, các dự án lớn về du lịch xây dựng ì ạch, cử tri phản ánh nhiều lần nhưng chậm xử lý. Các dự án thoát nước với số vốn hàng trăm tỷ đồng chậm tiến độ, kéo dài, ảnh hưởng đời sống người dân.

Thời gian qua, Ðảng, Chính phủ ban hành nhiều quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã mang lại hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi thấy ở Trung ương làm quyết liệt, ở địa phương còn thiếu cương quyết, thậm chí có biểu hiện nương nhẹ cho các cơ quan, đơn vị để xảy ra lãng phí. Vì thế, tôi đề nghị cần gắn trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí để chủ trương này đi vào cụ thể, thực chất chứ không chỉ dừng lại trên văn bản.

ÐỖ HỒNG QUÂN

(Phường Ðồng Phú, thành phố Ðồng Hới, tỉnh Quảng Bình)

Khai thác chưa hiệu quả nguồn lực đất đai

Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quyết liệt thu hồi nhiều dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật, được người dân đồng tình. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố còn hơn 700 dự án ngoài ngân sách có sử dụng đất, với diện tích hơn 5.000 ha, chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật.

Các dự án nêu trên không chỉ ảnh hưởng nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Trong khi chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều hạn chế, nhất là liên quan việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, thị trường bất động sản… dẫn đến tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định, không tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng.

Tôi đề nghị, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cùng các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát, xử lý và công khai thông tin các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật. Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội kiên quyết thu hồi các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm theo quy định của pháp luật, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai.

NGUYỄN VĂN SƠN

(Phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội)

Giám sát, kiểm tra nghiêm túc để tránh lãng phí đất vàng

Theo dõi thảo luận Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các ý kiến của đại biểu Quốc hội khiến người dân rất phấn khởi. Bởi vì tình trạng lãng phí xảy ra hầu hết ở các tỉnh, thành phố trên cả nước, ở mọi ngành, lĩnh vực nhưng nhiều nhất là trong các cơ quan nhà nước. Báo cáo giám sát chuyên đề đã chỉ ra hàng trăm dự án, hàng nghìn héc-ta đất bị lãng phí, trong đó phần lớn là đất vàng, ở những vị trí đắc địa có giá trị rất lớn.

Việc lãng phí đất đai, đất vàng ở tại trung tâm thành phố, thị xã của các tỉnh, thành phố từ lâu đã gây bức xúc lớn trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Ðất của nhiều cá nhân bị thu hồi, giao cho công ty này, tập đoàn kia nhưng rồi không triển khai dự án, treo năm này qua năm khác mà cũng không bị thu hồi. Ðiển hình như tại trung tâm TP Cần Thơ, chỉ cần rảo qua một số tuyến đường phố trung tâm có thể thấy những khu đất vàng bị bỏ hoang phế, cỏ mục um tùm.

Tôi tin rằng, chỉ cần các cơ quan của Trung ương kiểm tra, giám sát nghiêm minh sẽ phát hiện kịp thời sai phạm. Vị trí đất nào, dự án nào quy hoạch quá lâu, không còn phù hợp nữa thì bãi bỏ quy hoạch, thu hồi đất, tổ chức đấu giá công khai, minh bạch cho đơn vị khác có đủ năng lực tài chính vào thực hiện. Chỉ cần việc giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được làm thường xuyên, nghiêm túc thì tình trạng lãng phí đất vàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ giảm đáng kể.

HUỲNH XUÂN PHONG

(Phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, TP Cần Thơ)