Ông Mohammed al-Halbousi được bầu làm Chủ tịch Quốc hội Iraq

NDO -

Theo cơ cấu chia sẻ quyền lực ở Iraq, Tổng thống sẽ do người Kurd đảm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và Thủ tướng sẽ là người Hồi giáo dòng Shi’ite.

Tân Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbousi. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tân Chủ tịch Quốc hội Iraq Mohammed al-Halbousi. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tại phiên họp đầu tiên của Quốc hội Iraq khóa V vào chiều 9/1, các nghị sĩ Iraq đã bầu nhà lập pháp Hồi giáo dòng Sunni, ông Mohammed al-Halbousi làm Chủ tịch Quốc hội sau nhiều tranh cãi căng thẳng.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phiên họp đầu tiên của Quốc hội Iraq với sự tham gia của 325 nghị sĩ đã bị gián đoạn ít phút do nghị sĩ lớn tuổi nhất và cũng là người chủ trì phiên họp, ông Mahmoud al-Mashahadani, đột xuất bị ốm và phải nhập viện cấp cứu.

Trước đó, liên minh Fatah do Iran hậu thuẫn và liên minh Nhà nước Pháp luật do cựu Thủ tướng Nuri al-Maliki đứng đầu đã trình lên ông Mashhadani một văn bản yêu cầu công nhận liên minh của họ là khối lớn nhất tại Quốc hội.

Tuy nhiên, đảng của giáo sĩ dòng Shi’ite Moqtada al-Sadr vốn giành được nhiều ghế nhất trong cuộc bầu cử vừa qua đã lên tiếng phản đối, cho rằng họ mới là khối lớn nhất.

Tranh cãi nổ ra cũng khiến phiên họp phải tạm dừng ít phút.

Theo Hiến pháp Iraq, phiên họp đầu tiên sẽ bầu ra Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch thứ nhất và thứ hai, bằng hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp. Sau đó Quốc hội sẽ bầu Tổng thống với ít nhất 2/3 số phiếu bầu.

Theo cơ cấu chia sẻ quyền lực ở Iraq, Tổng thống sẽ do người Kurd đảm nhiệm, Chủ tịch Quốc hội là người Hồi giáo dòng Sunni và Thủ tướng sẽ là người Hồi giáo dòng Shi’ite.

Tổng thống sẽ yêu cầu liên minh lớn nhất trong Quốc hội đề cử Thủ tướng để thành lập chính phủ trong vòng 30 ngày.

Cuộc bầu cử Quốc hội Iraq ban đầu dự kiến tổ chức vào năm 2022, nhưng sau đó đã được đẩy sớm lên vào ngày 10/10/2021 nhằm đáp ứng yêu cầu của người biểu tình trong nhiều tháng phản đối nạn tham nhũng và yếu kém trong điều hành của chính phủ.

Trong cuộc bầu cử này, khối của giáo sĩ Sadr đã giành được 73 ghế trong tổng số 329 ghế của Quốc hội Iraq khóa V. Trong khi đó, đối thủ chính là khối Fatah và các phe cánh liên kết với lực lượng dân quân thân Iran chỉ giành được 17 ghế so với 48 ghế trong kỳ bầu cử trước đó.

Ông Sadr là người theo chủ nghĩa dân túy, tự nhận mình là người có lập trường kiên quyết chống Mỹ và Iran.