Ổn định quan hệ lao động tại doanh nghiệp

Trong những ngày đầu Xuân Nhâm Dần năm 2022, trong khi phần lớn các công nhân, lao động trên cả nước hăng hái bắt tay vào mùa sản xuất, kinh doanh mới, với tâm thế quyết tâm cùng doanh nghiệp nhanh chóng vực dậy sản xuất sau gần hai năm đại dịch Covid-19 gây hậu quả nặng nề. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng người lao động tự phát đình công, ngừng việc; các vụ việc này có yếu tố tiềm ẩn nguy cơ lây lan tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể, đình công tại nhiều tỉnh, thành phố.

(Ảnh minh họa).
(Ảnh minh họa).

Các nội dung người lao động yêu cầu doanh nghiệp gồm: tăng lương, phụ cấp, chậm trễ trong giải quyết các chế độ hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh; tăng cường kết nối, xây dựng niềm tin trong công nhân, lao động. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân từ thái độ của một số quản lý người nước ngoài không đúng mực với người lao động.

Lý giải hiện tượng nêu trên, các chuyên gia trong lĩnh vực lao động, công đoàn cho rằng, dịch bệnh Covid-19 khiến thị trường lao động bị tác động lớn. Sau một thời gian người lao động mất việc, ngừng việc, doanh nghiệp sụt giảm doanh thu khiến cho mối quan hệ lao động trở nên căng thẳng. Việc chi trả lương, thưởng Tết ảnh hưởng, chế độ phúc lợi đối với người lao động trong doanh nghiệp bị sụt giảm gây tâm lý bức xúc. Việc thiếu lao động cục bộ tại một số địa phương tạo điều kiện cho người lao động có quyền lựa chọn nơi làm việc tốt, chế độ lương thưởng cao khiến công nhân lao động dễ nảy sinh tâm lý yêu sách với doanh nghiệp.

Do có sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương, sự cầu thị của doanh nghiệp, nhất là công đoàn các cấp đã phát huy tốt vai trò là tổ chức đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, tập trung cao độ, phát huy tinh thần trách nhiệm, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của công nhân, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp để giải quyết căng thẳng, sớm ổn định tình hình. Sau những nỗ lực, kiên trì bám sát, đưa ra các điều khoản đàm phán, thỏa thuận, trên cơ sở bảo đảm quyền lợi hài hòa của cả doanh nghiệp, người lao động, góp phần rút ngắn thời gian ngừng việc của công nhân, giúp doanh nghiệp nhanh chóng đón người lao động quay trở lại sản xuất.

Trước một số hiện tượng nêu trên, các chuyên gia lao động, công đoàn cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng niềm tin với người lao động, bởi sự tin tưởng là một trong những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp. Khi có niềm tin, người lao động sẵn sàng gắn bó, chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn; không xảy ra các vụ đình công, nghỉ việc tự phát, cùng nhau xây dựng quan hệ lao động hài hòa, bền vững, đem lại phúc lợi tốt cho người lao động. Muốn được như vậy, trong những giai đoạn nhạy cảm như trước và sau Tết, các doanh nghiệp cần nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn, chủ động phối hợp tổ chức công đoàn tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người lao động, công khai minh bạch các thông tin liên quan, phát huy dân chủ rộng rãi nhằm củng cố, tạo niềm tin cho người lao động.

Mặt khác, tổ chức công đoàn cũng cần theo dõi chặt chẽ tâm tư của công nhân lao động. Bởi, tại một số doanh nghiệp có số lượng công nhân lao động lớn, có thỏa ước lao động, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, vẫn còn những điều khoản doanh nghiệp chưa thực hiện thỏa đáng, hoặc những bức xúc tưởng chừng nhỏ nhặt trong công nhân, lao động, nếu không được lắng nghe, chia sẻ, hóa giải kịp thời sẽ phát sinh tranh chấp lao động dẫn tới bức xúc, đình công, ngừng việc. Ðẩy mạnh, tuyên truyền để đoàn viên, người lao động thấu hiểu, chia sẻ với doanh nghiệp do hai năm qua, dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình sản xuất, kinh doanh, giảm đáng kể lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo theo thu nhập của người lao động giảm sút. Khi mới nảy sinh vướng mắc, bức xúc, đoàn viên, người lao động cần kịp thời phản ánh ngay với doanh nghiệp qua nhiều cách: công đoàn cơ sở, hòm thư góp ý, người quản lý dây chuyền, tổ trưởng... để ban giám đốc giải quyết, không nên để bức xúc âm ỉ lâu dài, dẫn đến bột phát ngừng việc.