Hơn một nghìn thân nhân các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9, những người sống sót, các nhân viên cứu hộ và các quan chức đã cùng tụ tập để dành một phút mặc niệm, rung chuông tưởng nhớ tới những người đã mất. Các thân nhân đã ôm các bức ảnh và đọc tên của gần 3.000 người bị giết hại trong vụ khủng bố được đánh giá là đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Rất nhiều người trong số đó vẫn cảm thấy như thảm kịch mới chỉ vừa mới xảy ra chứ không phải là từ 16 năm trước. Thậm chí, nhiều người vẫn không từ bỏ hy vọng gặp lại thân nhân của mình.
Sau 16 năm, những nghi thức tưởng niệm những nạn nhân vụ khủng bố đã trở thành truyền thống: các thân nhân nhắc lại tên những nạn nhân, một phút yên lặng và rung chuông mặc niệm cùng hai chiếc đèn công suất lớn chiế các chùm sáng được không trung trong suốt đêm.
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã tổ chức một lễ tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố ngày 11-9 cùng với Đệ nhất Phu nhân Melania Trump. Ông Trump cũng có kế hoạch tham dự một buổi lễ kỷ niệm ngày 11-9 tại Lầu Năm góc. Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Joseph Dunford sẽ chủ trì lễ kỷ niệm này vào lúc 9 giờ 11 phút (giờ địa phương).
Trong khi đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Bộ trưởng Nội vụ Ryan Zinke sẽ tham dự buổi lễ tưởng niệm và có bài phát biểu tại công trình xây dựng Đài tưởng niệm quốc gia Chuyến bay 93 gần Shanksville, mới được khởi công một ngày trước. Đài tưởng niệm này được xây dựng để tưởng nhớ những hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay đã đối đầu với những kẻ khủng bố, không để chúng lái về Washington.
Ngày 11-9-2001, những kẻ khủng bố đã chiếm một số chiếc máy bay dân dụng và lái nó đâm vào tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới, Lầu Năm góc và một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania. Cũng từ khủng bố này, người Mỹ đã nhận thức rõ hơn về mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố toàn cầu.