Là một trong ba ngôi chợ lớn nhất của cả nước, chợ Đông Ba (thành phố Huế) có truyền thống lịch sử lâu đời và có thương hiệu lớn, một trong những điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo khách du lịch khi đến Huế.
Đồng bộ giữa “xây” và “chống”
Với diện tích hơn 47.600m2, chợ Đông Ba kéo dài từ cầu Gia Hội đến cầu Tràng Tiền. Mặt sau của chợ nằm dọc theo dòng sông Hương thơ mộng, mặt chính quay ra phố Trần Hưng Đạo. Chợ có kiến trúc ba lầu vuông vức với hơn 2.700 lô hàng và hơn 1.800 hộ kinh doanh, phân bổ tại sáu khu vực. Chợ Đông Ba hiện có khoảng 60 ngành hàng, buôn bán từ các mặt hàng cao cấp đến bình dân, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động; đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân địa phương và khách du lịch.
Khi được lãnh đạo thành phố Huế điều động từ Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố về đảm nhiệm Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Ba vào năm 2021, ban đầu, chị Hoàng Thị Như Thanh khá lo lắng vì sợ không gánh vác được nhiệm vụ làm thay đổi bộ mặt chợ Đông Ba đang khá lộn xộn. Với vai trò Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý chợ, chị Thanh đã xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức đảng, Ban Quản lý với người dân, nhất là những tiểu thương và người lao động nghèo mưu sinh ở chợ.
Chị đã cùng Đảng ủy lãnh đạo các đoàn thể tại chợ đi sâu đi sát, luôn “bốn cùng” với tiểu thương và người lao động nghèo, thực hiện hiệu quả các phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân”-“Là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh chính trị, kẻ xấu luôn lợi dụng tín ngưỡng, trình độ văn hóa và nhắm vào điểm yếu kinh tế để mua chuộc, lôi kéo chị em tiểu thương khiếu kiện.
Do đó, tôi lấy công tác dân vận làm trọng tâm, chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn chợ. Những năm qua, tình hình trên địa bàn chợ luôn được ổn định, tạo điều kiện cho tiểu thương yên tâm kinh doanh, mua bán”-chị Thanh cho biết.
Chị Thanh cùng Đảng ủy, Ban Quản lý chợ đã tập trung xây dựng mô hình dân vận “Hoạt động văn minh, thương mại và du lịch-dịch vụ” trong tiểu thương chợ, nhằm kết hợp chặt chẽ giữa học tập với làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; giải quyết hiệu quả các khâu đột phá và các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn như tình trạng chèo kéo, nói thách, vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ.
Thực hiện đồng bộ giữa “xây” và “chống” để xây dựng khu chợ truyền thống văn minh thương mại, thể hiện ở việc kiểm tra niêm yết giá, vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra gia súc, gia cầm, vệ sinh phòng, chống dịch… tại hơn 3.000 lô hàng; vận động tiểu thương hưởng ứng chương trình bán hàng đúng giá, niêm yết giá, giảm giá trong tháng 4 hằng năm để kích cầu du lịch…
Từ đó, tổng lượt khách đến tham quan, mua sắm tại chợ Đông Ba trong năm 2022 ước đạt 300.000 lượt khách, tăng 50% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu ổn định, không có biến động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2022 ước đạt 3.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021.
“Thay áo mới” cho Đông Ba
Thực hiện chuyên đề của Tỉnh ủy về xây dựng văn hóa Huế, con người Huế, đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, chị Thanh đã vận động cán bộ, nhân viên Ban Quản lý chợ cùng hơn 2.500 tiểu thương mặc áo dài bán hàng tại chợ vào những ngày cuối tuần hay các dịp lễ lớn như: Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, tuần lễ Festival nghề truyền thống Huế…
Khi đến chợ, khách hàng và du khách thích thú với hình ảnh chị em tiểu thương thướt tha trong tà áo dài duyên dáng, đầy mầu sắc, mang nét đặc trưng riêng của phụ nữ Huế. Ban Quản lý chợ còn vận động từng gian hàng, tiểu thương mang đến những sắc mầu tươi sáng hướng đến kỷ niệm 124 năm ngôi chợ truyền thống ở Cố đô. Bên cạnh đó, Ban Quản lý chợ phát động chị em tiểu thương tích cực hưởng ứng các phong trào: “Chủ nhật xanh”, “Ngày chủ nhật vì cộng đồng” cùng các hoạt động thiện nguyện: “Nồi cơm yêu thương”, “Tủ bánh mì miễn phí cho bà con lao động nghèo”…
Ngoài ra, chị Thanh đã mời các chuyên gia tâm lý từ Trường đại học Sư phạm Huế đến hỗ trợ cho tiểu thương các kỹ năng chăm sóc khách hàng bằng tấm lòng hiếu khách. Tiểu thương phấn khởi khi lần đầu tiên biết cách có thể trở thành người bán hàng hạnh phúc, mở hàng bằng nụ cười tươi... Nói về sự đổi thay ở chợ Đông Ba, chị Nguyễn Thị Ý, một khách hàng sau bao năm trở lại Huế chia sẻ: “Tôi thật sự ngạc nhiên khi chợ Đông Ba bây giờ hàng quán thẳng tắp, lối đi quang đãng, tiểu thương vui vẻ, bắt chuyện. Họ không còn hét giá như trước”.
Còn chị Nguyễn Thị Hồng, tiểu thương của chợ cho biết, mấy năm trước, nhiều hộ kinh doanh đem hàng hóa trưng ra trước quầy, khiến lối đi chung trong chợ bị thu hẹp, nhếch nhác, chật chội. Mặc dù Ban Quản lý chợ nhắc nhở nhiều lần, nhưng do thiếu quyết liệt nên đâu lại vào đó. Nhờ có o Thanh lăn xả với công việc, vừa dùng tình cảm để thuyết phục, vận động, vừa nghiêm khắc nhắc nhở, cho nên chị em tiểu thương ai cũng hiểu và nghe theo.
Kết nạp tiểu thương vào Đảng
Năm 2023, lần đầu tiên tại Thừa Thiên Huế có hai tiểu thương tại chợ Đông Ba được kết nạp vào Đảng. Theo Bí thư Thành ủy Huế Phan Thiên Định, việc kết nạp hai đảng viên là tiểu thương chợ Đông Ba vào Đảng đã thể hiện sự tiến bộ rõ nét trong niềm tin của tiểu thương, quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng trong việc đem lại lợi ích, hạnh phúc, ấm no cho người dân. Người đóng vai trò quan trọng, đầu tàu thực hiện thành công chủ trương này là Bí thư Đảng bộ Ban Quản lý chợ Đông Ba Hoàng Thị Như Thanh.
“Tui vô Đảng không phải để thăng quan, tiến chức. Tui vô Đảng với mong muốn tiếng nói của mình sẽ có trọng lượng hơn trong việc góp ý để xây dựng chợ Đông Ba ngày một văn minh hơn”, chị Đinh Thị Hồng Thúy (sinh năm 1963), một trong hai tiểu thương chợ Đông Ba vừa được kết nạp Đảng nói. Chị Thúy là một trong số nhiều quần chúng là tiểu thương chợ Đông Ba rất tha thiết được đứng vào hàng ngũ của Đảng để có thêm nhiều tiếng nói thẳng thắn vì việc chung, đóng góp ý kiến xây dựng để chợ Đông Ba ngày càng phát triển.
Theo chị Thanh, xuất phát từ thực tế hoạt động của Ban Quản lý chợ, từ gợi ý của lãnh đạo tỉnh và thành phố về việc có nên hay không giới thiệu một số quần chúng ưu tú là tiểu thương đang buôn bán trong chợ vào Đảng... “Chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều và cuối cùng đi đến kết luận là rất cần. Bởi thực tế chợ Đông Ba thời điểm đó có rất nhiều vấn đề bất cập; tổ chức đảng của chợ thật sự cần có những tiểu thương là đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đấu tranh vì lẽ phải, để cùng với lãnh đạo Ban Quản lý xây dựng, vực dậy chợ. Thực tiễn thời gian qua, các đảng viên tiểu thương đã có tiếng nói, đóng góp rất lớn vào sự thay đổi của chợ”.
Chị Thanh chia sẻ: “Khi rời Liên đoàn Lao động thành phố về chợ Đông Ba, quan điểm của tôi là về đây không phải để làm thủ trưởng, mà phục vụ tiểu thương, cho nên những gì đang tốt đẹp tại Đông Ba thì mình gìn giữ và phát huy”. Trong thời gian ngắn, chị Thanh đã tiếp thu ý kiến và nguyện vọng chính đáng của tiểu thương để cải tạo, chấn chỉnh và làm đẹp hơn. Sau gần hai năm, ngôi nhà chung chợ Đông Ba đã và đang thay đổi từng ngày. “Chủ nhân của chợ là tiểu thương. Cho nên, mình tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, văn hóa thì tiểu thương sẽ cảm thấy thoải mái và thái độ, cách ứng xử của họ cũng sẽ thay đổi”.
Thời gian tới, theo chị Thanh, Ban Quản lý chợ sẽ tiếp tục chỉnh trang khu chợ giai đoạn 2, đồng thời vận động tiểu thương đóng góp “xã hội hóa” để xây dựng, tu sửa một số hạng mục tại chợ; duy trì các phong trào “3 không 2 có”. Đó là: (không chèo kéo, không mì xưa (chào mời khách mở hàng), không nói thách; có uy tín, có chất lượng); thực hiện các phương châm “Nụ cười Đông Ba”; “Văn minh thân thiện là người Đông Ba”…