Năm bản concerto viết cho piano và dàn nhạc sẽ được nghệ sĩ dương cầm tài danh trình tấu trong hai tối, 15 và 18-1 cùng Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, với sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Tetsuji Honna.
Giám đốc Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam Nguyễn Trí Dũng cho rằng, có thể gọi đây là chương trình “maraton Beethoven” lần đầu tiên ở Việt Nam.
Lịch lãm và tinh tế, nghệ sĩ Đặng Thái Sơn trả lời tất cả mọi câu hỏi của báo chí. Anh nói, “đây là chương trình lớn nhất cuộc đời tôi kể từ sau Cuộc thi Chopin”. Và có thể nói, việc chọn biểu diễn toàn bộ concerto viết cho piano và dàn nhạc của Beethoven trong dự án đồ sộ này cũng là chuyển sang một phong cách hoàn toàn khác, bởi tên tuổi Đặng Thái Sơn thường được gắn liền với âm nhạc của Chopin. Tinh tế và lãng mạn, đó là phong cách được biết đến của Đặng Thái Sơn, trong khi trong khi âm nhạc của Beethoven thì mạnh mẽ và phức tạp.
“Âm nhạc của Beethoven như một cuốn bách khoa thư về tâm hồn, cảm xúc: có tất cả mọi tâm trạng, thậm chí có cả lãng mạn. Người ta nói rằng muốn chơi được nhạc Beethoven thì phải biết mùi đời, biết đắng cay. Cũng vì đắng cay nên người ta tìm đến Beethoven để cảm thấy được an ủi”.
Nghệ sĩ tài năng nổi tiếng khắp thế giới và dày dặn kinh nghiệm biểu diễn vẫn coi đây là một thử thách. Anh cho biết, đã bắt đầu tập lại các tác phẩm của Beethoven cả năm trời ròng rã. Tuy vậy, đây là một quá trình hơn 30 năm kể từ khi thầy anh - giáo sư Vladimir Nathason - người “yêu Beethoven khủng khiếp” – mang đến cho nghệ sĩ cảm xúc tình yêu về Beethoven. Sau 30 năm, anh mới có dịp thực hiện được một chương trình như mong muốn để kỷ niệm về người thầy của mình.
Nghệ sĩ cũng cho biết, không chỉ cảm nhận âm nhạc Beethoven từ thầy – mà anh còn được thừa hưởng tình yêu ấy từ bố mẹ - những người mê nhạc sĩ tài hoa này.
Trước khi diễn ở Việt Nam, với chương trình này, anh đã đi qua hai nước Brazil và Nhật Bản, với hai dàn nhạc khác nhau. Coi như đó là những lần “tập dượt”, nên khi xuất hiện trước khán giả quê nhà, anh hoàn toàn cảm thấy “yên lòng”.
Nghệ sĩ cũng nhận định, với việc trình diễn năm bản concerto của Beethoven trong hai tối cũng là cơ hội của Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, là dịp để các nhạc công của chúng ta cảm nhận sự khác biệt về phong cách âm nhạc cũng như sự chuyển biến mạnh mẽ của Beethoven lần lượt trải qua từ bản concerto số 1 đến số 5. “Bởi các nhạc công Việt Nam phần lớn được đào tạo từ Nga và các nước Đông Âu- thường chơi nhạc theo trường phái lãng mạn. Vì thế đây là một cơ hội mới với họ”. –anh nói.
Trả lời những câu hỏi cụ thể của phóng viên về cách chơi những tác phẩm phức tạp và khó khăn của Beethoven như thế nào, pianist tài danh hóm hỉnh: “Tôi đang gợi chút tò mò của mọi người. Cứ đợi vài ngày nữa sẽ biết tôi chơi Beethoven như thế nào”.