Xuân thu nhị kỳ cứ thế mà gieo trỉa thu hoạch, những tưởng nông nghiệp ở Tây Nguyên xưa nay vẫn thế. Nhưng chẳng phải. Cách đó mấy ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên đã ví Tây Nguyên như cô gái đẹp đang ngủ quên cần phải thức mà trong đó nông nghiệp công nghệ cao phải trở thành mũi nhọn.
Xu hướng nông nghiệp thuận tự nhiên
Tôi tình cờ gặp Nguyễn Quang Huy - một người bạn học cùng cấp 3, từng theo ngành xây dựng ở TP Hồ Chí Minh nhưng nay chuyển sang đầu tư vào nông nghiệp và lên Tây Nguyên để tìm cơ hội. Huy lang thang vào các buôn làng của bà con dân tộc Gia Rai, Ba Na săn giống lúa gạo đỏ của người bản địa vốn đã gần như vắng bóng, tới nơi rừng sâu núi thẳm kiếm cây nấm quý hiếm, rồi ba cùng với đồng bào, nếm không khí, thử chất đất, nguồn nước, vài ba tháng liền quên cả về thành phố.
Sau những ngày thực địa, Huy vạch ra kế hoạch: mua khoảng 20 - 30 ha đất để trồng tiêu và cà-phê theo hướng nông nghiệp hữu cơ và biến nơi đây thành một vườn kiểu mẫu để từ đó lan tỏa dần, nhưng phải tìm được đất chưa bị ngấm độc của phân bón hóa học, chưa bị khô rang vì mạch nước ngầm tụt xuống bởi khoan hút quá nhiều. Việc này không dễ vì người dân đã quen dùng phân bón hóa học “kích” cây tăng trưởng theo kiểu “mì ăn liền”, nước ngầm cũng được hút lên dùng vô tội vạ. Tuy nhiên, khi tôi và Huy đến trang trại hồ tiêu của ông Vũ Văn Tam Lang ở gần thành phố Pleiku, mới nhận thấy một tư duy làm nông nghiệp sạch đang được nhen lên và lan ra từ đây.
Trang trại hồ tiêu của ông Lang trải dài mầu xanh mướt mát. Ông Tam Lang đội nón đang lúi húi đứng bên gò cao. Dừng tay, ông hồ hởi: “Cả núi phân vi sinh đấy, tôi tự nghiên cứu sản xuất ra. Tôi trồng hồ tiêu mấy chục năm nay, lên bờ xuống ruộng vì phân bón hóa học rồi. Tôi tự mua giống về làm phân vi sinh, mày mò rồi cũng làm được. Giờ tiến sĩ cũng phải đến đây học cách làm phân vi sinh, phân hữu cơ của tôi”.
Cây hồ tiêu bón phân vi sinh ấy đã rất tươi tốt, cho năng suất ổn định, một năm mỗi héc-ta thu hoạch 10 tấn hạt. Những hạt hồ tiêu sạch ấy trở nên rất đắt hàng, được thị trường khó tính Âu Mỹ đón nhận, mỗi năm mang lại cho ông thu nhập hàng tỷ đồng. Có tiền ông đầu tư vào công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới ướt cây và quyết đi theo con đường nông nghiệp hữu cơ bền vững. Ông đưa mật gỉ đường vào bón cho cây, không phun thuốc trừ sâu mà dùng vi sinh vật để diệt sâu bệnh. Phân vi sinh làm cho đất màu mỡ tươi xốp hơn nên làm mùa này không còn phải lo mùa sau đất “mệt” hay thoái hóa.
Còn nhớ năm 2006, với 2.000 trụ tiêu đang lên xanh bỗng dưng vàng lá rụng đốt. Nguy cơ trắng tay, ông Lang gõ cửa khắp các cơ quan chức năng cầu cứu nhưng tất cả đều lắc đầu... Trong vô vọng, người nông dân chân đất này lóe lên ý tưởng đưa thuốc vào bộ rễ của cây để tiêu diệt tuyến trùng thay vì đào cả gốc lên như phương pháp truyền thống. Chỉ hai tuần, vườn tiêu xanh trở lại. Tiếng lành đồn xa, nhiều đồng bào ở vựa hồ tiêu huyện Chư Sê đã tìm đến ông học cách chữa bệnh tuyến trùng rễ. Từ những ngày mày mò chữa bệnh cho tiêu, ông Lang đã có phát kiến tưởng chừng tréo ngoe: ghép cây hồ tiêu với trầu không. Và một giống tiêu mới ra đời kháng bệnh tốt, tán phát triển rộng, đều hơn, tuổi thọ cao hơn. Ông còn áp dụng công nghệ cao, chẳng hạn như gắn camera vào nhiều trụ tiêu để có thể theo dõi, phân tích quá trình sinh trưởng của cây hằng ngày, hằng giờ.
Ông Tam Lang trải lòng: “Tôi nhận thấy làm nông nghiệp cứ thuận theo tự nhiên thì sẽ phát triển, trái tự nhiên thì lụi bại. Bà con đang bị lạc vào mê hồn trận phân bón hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, nếu không sớm thay đổi thì đất này sẽ không có tương lai. Bà con đang dần thay đổi theo hướng làm nông nghiệp hữu cơ”. CLB hồ tiêu Tam Lang hình thành từ đó.
Buôn Ma Thuột - vựa cà-phê nổi tiếng của tỉnh Đác Lắc, tôi và Huy đến rẫy của gia đình ông Ama Chương. Trong cái nắng gắt tháng 3, hoa cà-phê trắng muốt không hề có dấu hiệu tàn úa. Cũng cái nắng ấy, năm kia cả rẫy cà-phê đã úa khô vì thiếu nước, nhưng mọi chuyện đã thay đổi kể từ khi Ama Chương áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt.
Ông chia sẻ: “Nhờ công nghệ tưới nhỏ giọt, mỗi giờ, mỗi gốc cà-phê sẽ được cung cấp 28 lít nước. Độ ẩm của đất thường xuyên được kiểm soát bởi đồng hồ đo độ ẩm được cố định trên vườn, nước không bị thất thoát. Nhờ đó năng suất tăng đột biến, khi chưa áp dụng tưới nhỏ giọt mới chỉ 1,6 tấn/ha, nhưng sau khi áp dụng đã lên tới 2,6 tấn và mùa vừa rồi là 4 tấn/ha. ”.
Ở huyện biên giới Đức Cơ, tôi đến một mô hình nông nghiệp hữu cơ kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi của các chiến sĩ binh đoàn 15. Trang trại bò nằm giữa thung lũng hoang vắng, được bao quanh những đồng cỏ tươi tốt. Bò được nuôi trong chuồng trại xây dựng khang trang, thoáng mát và với quy trình khép kín. Cỏ sạch cắt vào ủ chua rồi cho bò ăn, phân bò được bán cho bà con nông dân với giá 950 nghìn/khối. Trung tá Nguyễn Mạnh Cường, Phó Giám đốc Công ty 74, Binh đoàn 15 chia sẻ: “Phân bò đang “cháy”, không có để bán. Không có gì bón cho cây tiêu, cây cà-phê, cao-su tốt bằng phân bò ở đất này, mà bò nuôi theo công nghệ sạch nên phân cũng rất tốt. Chỉ riêng tiền bán phân đã đủ trả lương toàn bộ công nhân. Bò vỗ béo 4-6 tháng thì xuất chuồng, được thương lái đến mua ngay vì thịt bò ngon, sạch. Chúng tôi đang dự định sẽ nâng tổng đàn bò lên 1.000 con”.
Để “cô gái đẹp” Tây Nguyên bừng tỉnh...
Những ngày ở Tây Nguyên, tôi vẫn thấy những vỏ bao phân hóa học, hay thuốc trừ sâu vứt trên các rẫy, những giếng khoan chi chít để hút nước... Đang có sự dùng dằng giữa nông nghiệp theo kiểu “mì ăn liền” hay nông nghiệp hữu cơ bền vững? Nhưng cách làm nông nghiệp bền vững đang thắng thế và trở thành một xu hướng ở cao nguyên này.
Đến năm 2020, Đác Lắc sẽ xây dựng xong cơ sở hạ tầng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô 30 ha tại Trung tâm giống cây trồng vật nuôi tỉnh. Tỉnh này cũng hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cây cà-phê với diện tích 40.000 ha, hồ tiêu 3.000 ha, bơ 3.000 ha, lúa lai F1 840 ha, ngô cao sản 46.000 ha, rau an toàn 1.000 ha...
Tỉnh Kon Tum cũng đang xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như vùng sản xuất rau, hoa, quả xứ lạnh và chăn nuôi đại gia súc tập trung (dê sữa, bò sữa, bò thịt) gắn với du lịch sinh thái, nông nghiệp tại Khu du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông (3.000 ha)... Gia Lai xúc tiến xây dựng năm khu nông nghiệp ứng dụng công nghiệp công nghệ cao...
Nhưng điều quan trọng hơn, đã có thay đổi trong tư duy làm nông nghiệp của đồng bào Tây Nguyên. Ông Y Đức Thành - Phó Bí thư thường trực huyện ủy Đác Đoa (tỉnh Gia Lai) nhận định: “Đất Tây Nguyên quá màu mỡ nên nông dân vẫn quen canh tác theo kiểu chọc trỉa, nhưng giờ họ đã biết áp dụng công nghệ vào sản xuất như biết trồng lúa hai vụ, trồng ngô biết bón phân vi sinh, biết tưới nhỏ giọt cho cây cà-phê”.
Dù vậy, để “cô gái đẹp” Tây Nguyên bừng tỉnh. vẫn còn nhiều việc phải làm. Ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho hay: “Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Tây Nguyên cần có nguồn lực nhất là vốn đầu tư, công nghệ và nguồn nhân lực có chất lượng, nhưng trong giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn đầu tư toàn xã hội vùng Tây Nguyên chỉ chiếm khoảng 5% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội của cả nước”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị xúc tiến đầu tư vùng Tây Nguyên đã nhấn mạnh: Muốn đánh thức 2 triệu ha đất đỏ bazan của Tây Nguyên, bài toán phải giải là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nâng cao hàm lượng chế biến, mở rộng chuỗi giá trị sản phẩm cây công nghiệp.
Đàn bò của binh đoàn 15 được nuôi theo công nghệ sạch.