Ảo vọng đổi đời nơi xứ người

Nằm khuất nẻo trên bản vắng giữa chân mây, những con đường mòn giáp biên, dòng suối phân định lãnh thổ giáp nương ngô, bìa rừng những năm qua là nơi biết bao phụ nữ dân tộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai... dứt bỏ gia đình đi tìm hạnh phúc mới bên kia biên giới. Nhưng sự thật chờ đón họ là những tháng ngày khổ cực, tủi nhục. Nhẹ dạ, cả tin vào những điều ngon ngọt không có thực từ kẻ thủ ác, họ đã tự biến mình thành món hàng.

Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh bắt giữ hai đối tượng mua bán người qua biên giới.
Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh bắt giữ hai đối tượng mua bán người qua biên giới.

Những phận người bị “đánh cắp”

Chúng tôi đến bản Ma Sào Phố, xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) vào buổi chiều muộn đúng mùa trỉa bắp. Hoàng hôn còn dùng dằng treo đầu đá, những cô gái Mông còn trẻ gùi nông cụ về bản, vừa đi vừa nói chuyện. Vù Sào Lành - trung úy người Mông của Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận dẫn đường cho chúng tôi dịch lại rằng: Mấy đứa con gái nói chiều nay có người ở bên thôn Phản Chà, Hương Bát Bộ, huyện Ma Ly Pho của Châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc gọi rủ sang đi làm, nhiều tiền hơn. Lành bảo khéo mà rồi sẽ có đứa con gái trong nhóm này trốn gia đình đi Trung Quốc, cần phải báo chỉ huy đồn để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa khu vực đường mòn lối mở giáp biên.

Thăm gia đình cháu V.T.D, chúng tôi không khỏi xót xa cho cô gái còn rất trẻ mà cuộc đời đã nhiều sóng gió. D kể rằng năm 2015, khi cả nhà sang Trung Quốc giúp bà ngoại gặt lúa thì trời đổ mưa, hai mẹ con D về trước. Khi về tới gần biên giới, họ bị hai người đàn ông lạ bắt lên xe rồi chở ngược lại sâu vào nội địa. Chúng kiểm tra “hàng”, thấy mẹ cháu già quá thì bỏ lại, chỉ đem D bán cho nhà hàng làm nhân viên phục vụ. D bị bán đi bán lại không biết bao nhiêu lần. Khi D trốn thoát và tìm đến cơ quan chức năng xin được giải cứu về Việt Nam thì đã ở mãi tận huyện Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc.

Trung úy Vù Sào Lành bảo, D là nạn nhân bị bắt cóc đã đành, nhưng nhiều chị em còn bỏ cả chồng con sang bên đó lấy thêm một người chồng nữa. Vậy là bản Ma Sào Phố đã có mấy nóc nhà hoang sơ, lạnh lẽo. Đưa chúng tôi vượt qua những núi đá cheo leo, hiểm trở tới nhà ông Ly Chẩn Dìn, người đàn ông có ánh nhìn buồn rười rượi. Đã nhiều năm nay, kể từ ngày vợ bỏ đi lấy chồng mới bên Trung Quốc, mấy bố con ông lủi thủi no đói với nhau.

Cùng cảnh ngộ với ông Dìn, còn có ông Vàng Thìn Tông, ông Vừ Tần Hòa và bốn, năm người đàn ông khác. Từ trên cao nhìn xuống, bản nhỏ có đến gần chục nóc nhà không còn hơi ấm người vợ, người mẹ nhuốm màu bàng bạc và rệu rã. Ruộng nương cũng khô cằn đến nỗi cây rau dại cũng không xanh tốt nổi. Khàn khàn nói trong hơi men, ông Tông bảo, vợ nó bỏ đi ba năm rồi, bọn trẻ con khóc đòi mẹ mà tôi chả biết làm sao tìm vợ. Chả biết vợ bị bắt hay lấy chồng bên ấy rồi mà không về với bố con tôi.

Bí thư Chi bộ bản Ma Sào Phố Vàng Phù Lềnh bảo, mới đây bản chúng tôi cũng có ba cháu gái bị lừa bán, giờ không rõ sống chết thế nào. Cấp ủy, chính quyền địa phương và BĐBP đã nhiều lần tuyên truyền vận động các cháu không nên đi theo những người lạ mặt, đi chơi bên kia biên giới nhưng vẫn có người bỏ ngoài tai. Và cái sự “bỏ ngoài tai” ấy đã từng khiến ba chị em Lầu Thị Sính 15 tuổi; Lầu Mý Cá 13 tuổi và Lầu Thị Ly 12 tuổi ở xã Sà Phìn, huyện Đồng Văn suýt đánh đổi bằng cả cuộc đời mình. Mẹ không rõ đã bỏ đi hay bị bắt sang Trung Quốc, ba bố con đùm bọc nuôi dạy nhau trong nỗi nhớ khôn nguôi. Nắm bắt được gia cảnh, ngày 27-8-2016, một đối tượng lạ mặt là Vừ Thị Chở gọi điện cho Sính bảo dắt theo hai em cùng chị ta sang Trung Quốc tìm mẹ. Nhưng rất may một người đàn ông trong thôn phát hiện ra biểu hiện lạ của Chở và lên trình báo với cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng nên các em đã kịp thời được giải thoát.

Đầu năm 2017, cả thôn Chí Sáng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu bàng hoàng khi bảy nữ học sinh mất tích. Sau đó, những cô bé này được giải cứu kịp thời tại khu vực biên giới cửa khẩu quốc tế Lào Cai. Nhớ lại những ngày tháng khủng khiếp ấy, em Tẩn San Mẩy, sinh năm 2003, dân tộc Dao vẫn rấm rứt khóc vì ân hận. Chỉ vì thiếu hiểu biết mà em cùng các bạn bị đối tượng Tẩn Tả Mẩy, người cùng thôn dụ dỗ, rủ đi ăn sinh nhật rồi lừa đi sang mãi tận Lào Cai. Đang vui mừng hy vọng sẽ được “xuất ngoại” chơi vài ngày, sẽ được tặng quần áo đẹp, điện thoại xịn thì cả nhóm hốt hoảng vì suýt sập bẫy kẻ buôn người. Trong quá trình tuần tra dọc sông Nậm Thi, tổ tuần tra Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lào Cai phát hiện và bắt giữ một nhóm người đang có hành vi vượt biên trái phép. Qua đấu tranh khai thác, Tẩn Tả Mẩy thú nhận dùng mạng xã hội zalo lừa bán bảy học sinh sang bên kia biên giới với giá năm triệu đồng/người.

Thủ đoạn của tội phạm buôn người ngày càng tinh vi

Hồi tháng 5 mới đây, Đồn Biên phòng Bắc Sơn, BĐBP Quảng Ninh bắt quả tang Bùi Thị Nga và Bùi Văn Chung ở Phú Xuân, Vũ Thư (Thái Bình) đang tìm cách đưa Nguyễn Thị H cũng ở Thái Bình vượt biên. Hai đối tượng khai nhận lợi dụng quen biết lừa H rằng đã tìm được cho cô công việc nhẹ nhàng mà lương gần 20 triệu đồng mỗi tháng bên Trung Quốc. Thực tế, nếu vượt biên trót lọt, H sẽ bị chúng bán với giá 20 triệu đồng theo giao kèo trước đó.

Đại úy Nguyễn Kiến Hùng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Bắc Sơn chia sẻ, những năm qua, lợi dụng địa hình hiểm trở đồi núi, sông suối, nhiều đường mòn, mối quan hệ dòng họ, huyết thống lâu đời hoặc quen biết, các đối tượng thực hiện nhiều vụ lừa bán phụ nữ sang Trung Quốc. Nhiều nạn nhân ngỡ sang đó sẽ đổi đời, nhưng thực tế là bị bán vào nhà chứa làm gái mại dâm hoặc cưỡng ép làm vợ những người đàn ông già, tàn tật, xấu xí không có khả năng lấy vợ. Khi sinh con, thậm chí con lớn cũng không được tự do đi xa hoặc về thăm gia đình ở Việt Nam vì nhà chồng sợ họ bỏ trốn.

Sở dĩ liên tiếp các cô gái nhẹ dạ cả tin sập bẫy vì phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Chúng tạo mạng lưới dẫn dụ nạn nhân qua nhiều khâu trung gian khác nhau, đưa đi lòng vòng từ tỉnh này sang tỉnh khác hòng đánh lạc hướng, tránh sự theo dõi của lực lượng truy bắt. Để xuất cảnh trót lọt, chúng sử dụng hộ chiếu giả và lợi dụng kẽ hở trong việc cấp giấy thông hành xuất nhập cảnh qua cửa khẩu cho nhân dân khu vực biên giới hoặc hướng dẫn để nạn nhân tự vượt biên... Vốn dày dạn kinh nghiệm nhiều năm chống tội phạm vùng biên, Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Tham mưu trưởng, Phó Tư lệnh BĐBP nhấn mạnh: “Các đối tượng ở nước ngoài cấu kết chặt chẽ với các đối tượng ở khu vực biên giới và các tỉnh nội địa tạo thành các đường dây, ổ nhóm mua bán người xuyên quốc gia. Nhất là khi phương tiện kỹ thuật số trở nên phổ biến, chúng triệt để sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo... để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt và hứa hẹn giúp tìm việc có thu nhập cao, hứa hẹn kết hôn, rủ đi chơi... đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán”.

Quan sát các khu vực đường mòn, lối mở giáp khu vực cửa khẩu những tháng cuối năm này, có thể nhận thấy không khí nghiêm túc, khẩn trương của các tổ, đội BĐBP làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Các đơn vị triển khai công tác nghiệp vụ cơ bản, nắm chắc tình hình địa bàn nội, ngoại biên, quản lý chặt chẽ các loại đối tượng, kịp thời phát hiện phòng ngừa và đấu tranh, bóc gỡ nhiều đường dây buôn người. Tại các vùng biên, vùng giáp ranh luôn được tăng cường quản lý chặt chẽ về an ninh để hạn chế tình trạng vượt biên trái phép, lừa bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới bằng con đường tiểu ngạch. Cũng do thường xuyên tuyên truyền, giáo dục, vận động mà bà con đã cảnh giác hơn, tự bảo vệ con em mình trước những âm mưu, thủ đoạn mới của bọn tội phạm. Được các chiến sĩ biên phòng phối hợp chính quyền giúp đỡ, các hộ giáp biên yên tâm lao động sản xuất trên chính mảnh đất quê hương, không còn nhấp nhổm hi vọng vào những điều không có thật bên kia biên giới.

Đêm vùng cao tĩnh lặng, chúng tôi rời thôn Chí Sáng khi trăng đã lên cao. Bảy nữ sinh được giải cứu kịp thời giờ đã là học lớp 10 trường trung học dân tộc nội trú của huyện. Nhìn ánh mắt rạng rỡ, gương mặt mộc mạc nụ cười sơn cước của các em khiến chúng tôi nhớ tới nét hồn nhiên đượm buồn vì xa mẹ của ba chị em cô bé Lầu Thị Sính. Vượt qua khó khăn đời thường nơi biên giới xa xôi, vượt qua phút nguy nan suýt bị biến thành món hàng nơi đất lạ, giờ đây các em đang tiếp tục học hành để có được một cuộc sống mới bình an và hạnh phúc.

Phương tiện kỹ thuật số trở nên phổ biến, chúng triệt để sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo... để làm quen, dụ dỗ, lừa gạt và hứa hẹn giúp tìm việc có thu nhập cao, hứa hẹn kết hôn, rủ đi chơi... đưa nạn nhân sang Trung Quốc bán”.