Bỏ việc nước ngoài về Việt Nam giúp trẻ bụi đời
"Tốt nghiệp đại học ở Australia chuyên ngành du lịch khách sạn, tôi quay về quê hương làm hướng dẫn viên du lịch. Năm 1996, lần trở lại TP Hồ Chí Minh, tôi gặp những đứa trẻ đường phố đói rạc người. Dẫn các em đi ăn phở và thấy nhiều đứa trẻ lang thang dưới tấm biển hiệu rất to trên quốc lộ "Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai" - tôi buồn và tự nhủ mình phải làm cái gì đó cho những số phận này có cuộc sống tốt hơn".
Bốn tháng sau, Jimmy Phạm quay lại với mong muốn phải giúp bằng được những đứa trẻ mình từng gặp. Nhưng lúc ấy anh không có nhiều tiền, với 200 USD trong túi anh chỉ có thể mời bọn trẻ ăn mấy bữa cơm, mua cho chúng vài bộ áo quần. Lương hướng dẫn viên du lịch lúc ấy khoảng 600 USD và Jimmy Phạm cố làm tốt việc để khách hàng bo thêm, dùng tiền đó giúp những đứa trẻ. Mỗi tháng anh bỏ ra 2.000 USD tiền dành dụm cưu mang trẻ em lang thang ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Nhưng rồi tiền dành dụm cũng hết. Càng đi sâu vào những cảnh đời ấy, Jimmy càng nhận thấy mình cần làm một cái gì đó có thể thay đổi số phận những đứa trẻ thay vì chỉ cho các em một ít tiền hay vài bữa ăn. Jimmy nghĩ tới việc dạy nghề, tạo cho các em một công việc ổn định.
Sau đó, một tiệm bánh sandwich nhỏ được Jimmy Phạm mở ra ở Hà Nội, nhưng anh nhanh chóng nhận ra cần phải dạy thêm nhiều kỹ năng cho những đứa trẻ đường phố thì chúng mới làm việc được.
Tracey Lister, một đầu bếp người Australia đã trợ giúp Jimmy Phạm và với số tiền huy động được từ người thân, nhà hàng đầu tiên mang tên KOTO (viết tắt của "Know one, teach one") đã đi vào hoạt động tại 101 Xuân Diệu (Hà Nội). Sau đó anh mở thêm cơ sở nữa tại 59 Văn Miếu (Đống Đa, Hà Nội) để các em thực tập.
Thời gian ấy, hỗ trợ Jimmy là một vài tình nguyện viên đến từ Australia, Pháp, Anh, giảng dạy về nghề bếp, bồi bàn và tiếng Anh. Với sự trợ giúp này, Jimmy có thời gian để rong ruổi trên đường phố Hà Nội, tìm kiếm những cuộc đời bất hạnh.
Nhưng ngay cả khi đã có trung tâm đào tạo thì để thuyết phục những đứa trẻ đường phố vào học cũng chẳng phải dễ dàng gì. Trong mắt của nhiều thanh, thiếu niên thuộc thành phần "bất hảo" với nhiều thói hư tật xấu, quen sống kiểu bụi đời, Jimmy phải tiếp cận chúng với nhiều vai trò như "sư phụ", "đại ca". Người đàn ông to con có nụ cười hiền hậu này gặp nhiều đứa trẻ nói cho các em biết về cơ hội KOTO. Nhưng nhiều người thậm chí đã nghi ngờ Jimmy có ý định lừa bán trẻ con sang Trung Quốc, tham gia vào các đường dây mại dâm và buôn thuốc phiện. Quen sống bụi đời, tiếp xúc, đối mặt với nhiều tệ nạn xã hội, nhiều đứa trẻ thoạt đầu không tin Jimmy. Có bé gái từng bị cưỡng hiếp bởi chính người thân, đã bỏ chạy khi Jimmy mời em về KOTO học. Thời gian đầu, nhiều đứa trẻ bụi đời "ngựa quen đường cũ" còn lừa cả "đại ca" Jimmy gây ra đủ thứ rắc rối. Rồi tài chính quá eo hẹp, mô hình còn quá mới, chưa nhiều người ủng hộ- những khó khăn ấy nhiều khi đã khiến Jimmy muốn quay về Australia.
"Điều gì giữ anh ở lại?". Jimmy trả lời câu hỏi của tôi không chút suy nghĩ: "Đó là nụ cười của các em. Tôi không muốn trong mắt chúng, tôi cũng chỉ là ông Tây du lịch với những lời hứa suông", Jimmy nói.
KOTO dạy những gì? Dạy nghề nấu ăn, pha chế, nghiệp vụ khách sạn, tiếng Anh chuyên ngành, kỹ năng sống. Ở đó, các em được dạy những điều nhỏ nhất đến lớn nhất như cách cư xử, giao tiếp, bảo vệ bản thân trước ma túy, tệ nạn xã hội. Khi mới vào, những đứa trẻ này sẽ được gửi tới một ngôi chùa ở Thường Tín để học đạo lý.
Khóa học đầu tiên, Jimmy Phạm thuyết phục những đứa trẻ trẻ lang thang ở phố Nhà Thờ, hồ Hoàn Kiếm vào học. Mấy khóa tiếp theo tổ chức tuyển sinh khá bài bản, chi tiết. Quá trình tuyển sinh chia làm bốn giai đoạn và kéo dài hai tháng. Khi các em trúng tuyển, Jimmy Phạm thường nói với các em: "Chúc mừng em, em được vào học ở đây là có bảy người không được vào". Jimmy nói vậy để các em biết quý cơ hội của mình và cố gắng học.
Mô hình đào tạo nghề của KOTO kéo dài trong 24 tháng. Sau khoảng thời gian này, các em sẽ trở thành những chuyên viên trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn theo tiêu chuẩn chứng nhận của Viện Box Hill (Australia). Với chứng chỉ này, những học viên có thể xin được việc làm ngay trong các nhà hàng khách sạn cao cấp ở Việt Nam và quốc tế. Từ đây, nhiều đứa trẻ bất hạnh đã thay đổi cuộc đời.
Từ "xóm liều" tới "thảo nguyên xanh tươi"
Tâm - một cô bé mồ côi cha, sống với mẹ trong một túp lều rách nát trên bãi giữa sông Hồng bằng nghề nhặt rác. Nơi đây được coi như xóm liều của những người tha phương cầu thực. 12 tuổi, Tâm nhuộm tóc vàng hoe, tập tọe hút thuốc và nói ngôn ngữ đường phố. Tâm có thể sẽ sớm sa vào những cạm bẫy như nghiện hút, mại dâm cũng chẳng có gì khó hiểu nếu như không được nhận vào lớp học của KOTO. Em được học lớp pha chế (bartender) và sau khi tốt nghiệp được nhận vào làm trong một khách sạn quốc tế ở TP Hồ Chí Minh. Tôi gặp Tâm lúc em ra Hà Nội, tóc vẫn vàng hoe nhưng đã trở thành một cô gái hoàn toàn làm chủ cuộc đời mình. Tâm trở thành nhân vật trong phóng sự: "Từ xóm liều đến thảo nguyên xanh tươi" của tôi. Cuộc đời Tâm cùng rất nhiều trẻ bụi đời đến với KOTO đi từ "xóm liều" tới "thảo nguyên" như vậy. Năm 2005, bút ký lữ hành của nhà báo Paul Spencer Sochaczewski thuộc tờ International Herald Tribune (Mỹ) đã dành nhiều câu chữ để kể về Đỗ Văn Kiên, là bartender của khách sạn Sofitel Metropole (Hà Nội). Kiên kể với Paul, nhiều năm trước, cậu làm nghề đánh giày và cuộc đời Kiên đã rẽ sang hướng khác khi gặp Jimmy Phạm. Nguyễn Thúy Hà và Hoàng Thị Huệ từng có tuổi thơ dữ dội chẳng khác gì Tâm và Kiên. Nhưng những điều diễn ra sau đó với cuộc đời họ chẳng khác nào một giấc mơ: vào KOTO học và nhận được học bổng toàn phần chuyên ngành quản trị du lịch khách sạn của Le Cordon Bleu (tổ chức thế giới nổi bật trong ngành ẩm thực, khách sạn, giáo dục, du lịch, thành lập ở Paris năm 1895) và viện đào tạo nghề Box Hill. Phùng Văn Hải - một cậu bé đường phố sau khi học ở KOTO đã không ngờ mình sẽ được gặp Tổng thống Mỹ Bill Clinton khi ông sang thăm Việt Nam năm 2001 và dành ba giờ dùng bữa tại nhà hàng KOTO. Bữa trưa ấy Hải đã được chọn phục vụ ngài Tổng thống và đoàn tuỳ tùng món rau, bánh mì, một cốc sữa với chuối và café latte. Ông Clinton rất hài lòng về những gì Hải thể hiện. Chín năm sau, Hải được nhận vào làm trong khách sạn 5 sao Sheraton. Jimmy Phạm nhớ hết sự đổi đời của các em. Có đứa từng đi ăn xin, giờ làm khách sạn 5 sao. Đứa khác trước đây đi làm osin giờ trở thành sinh viên xuất sắc, nhận học bổng du học. Nhiều đứa có nhà hàng riêng, làm ông chủ, bà chủ. Xây dựng KOTO đã 17 năm, từ đó tới nay, Jimmy đã giúp hơn 830 trẻ lang thang cơ nhỡ được học nghề và xin được việc làm. Nhiều người trong số họ giờ là giáo viên của KOTO. Nhưng sự giúp đỡ của Jimmy không tập trung vào số lượng mà tập trung vào chất lượng. Giờ đây, một em trung bình giúp đỡ ba người trong gia đình. Các em đều coi KOTO như gia đình của mình bởi ngay từ đầu Jimmy đã xây dựng nơi này trên nền tảng những giá trị gia đình. Đó là lý do trung tâm dạy nghề KOTO được bố trí theo kiểu gia đình với đầy đủ thiết bị sinh hoạt cơ bản, có mẹ nuôi chăm sóc cho các em. Các em cũng được kiểm tra sức khỏe định kỳ, tiêm phòng, được giáo dục sức khỏe sinh sản và giới tính... Trong buổi lễ tốt nghiệp, Jimmy dành nhiều thời gian để tâm sự với các em và thường rơi nước mắt... "Vì sao đã hơn 40 tuổi rồi, anh vẫn chưa lập gia đình?". Jimmy Phạm cười hiền: "Vì tôi cần tập trung lo cho KOTO, đó là sự nghiệp của tôi. Tôi chưa vợ nhưng có cả nghìn con, đó là gia đình hạnh phúc của tôi". Đó là nụ cười của các em. Tôi không muốn trong mắt chúng, tôi cũng chỉ là ông Tây du lịch với những lời hứa suông.