“Bỗng dưng” muốn... tâm thần

Dãy nhà hai tầng được sơn xanh, được cách ly bởi bức tường thép gai nhiều lớp, bên trong có một số kẻ đang bình thường nhưng lại muốn trở thành... tâm thần. Dãy nhà có lúc chứa cả trăm người điên hoặc giả điên, nhưng đều phạm tội hình sự và công an phải canh gác cẩn mật 24/24 giờ. Tôi nhìn khoảng rợp bóng cây của dãy nhà xanh, thấy nhiều người đang “nhặt lá đá ống bơ”... Những hình ảnh đó trở nên quen thuộc ở Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương (GĐPYTTTƯ) nằm trong Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 ở huyện Thường Tín (Hà Nội). Những tội phạm hình sự ở đây có bị tâm thần hay không sẽ phải trải qua một quy trình giám định ngặt nghèo với đầy những cuộc đấu trí că

Bác sĩ Nguyễn Chí Thành đang trò chuyện với bệnh nhân.
Bác sĩ Nguyễn Chí Thành đang trò chuyện với bệnh nhân.

“Binh pháp” giả điên

Ở trần trùng trục, xăm trổ đầy mình, nhưng mặt cố tỏ ra ngây ngô, gã đàn ông vừa giết chết hai người bằng một kế hoạch hết sức tinh vi này bỗng dưng phát bệnh tâm thần khi bị công an bắt. Gã nhìn tôi qua lớp chấn song của Viện GĐPYTTTƯ, rồi ngửa mặt lên trần nhà cười rằng rặc. “Ca” này có tâm thần thật hay không, cần đến những biện pháp nghiệp vụ của các bác sĩ dày dạn kinh nghiệm như ông Dương Văn Lương. Bác sĩ chuyên khoa II Dương Văn Lương - Phó viện trưởng Viện GĐPYTT Trung ương, ngót 30 năm gắn bó với nghiệp giám định pháp y tâm thần nhưng vẫn không thể quen với tội ác mà những kẻ phải vào đây gây ra. Vào đây có hai loại, đó là những trường hợp phạm tội, nhưng nghi ngờ có rối loạn tâm thần cần được trưng cầu giám định pháp y để phục vụ công tác điều tra. Đối tượng thứ hai gồm những bệnh nhân phải điều trị bắt buộc. Những bệnh nhân này cũng đã từng phạm tội, nhưng được miễn tội sau khi có kết luận tâm thần của hội đồng giám định pháp y.

Cả hai đối tượng này chung một đặc điểm: mang trọng tội, trong đó có những tội ác cực kỳ dã man như bố giết con, chồng giết vợ... Dã man và bất thường đến mức phải vào đây giám định tâm thần vì người bình thường ít khi có thể thủ ác như vậy. Với mỗi bệnh nhân, viện phải thành lập hội đồng giám định, quá trình theo dõi, giám định trong vòng từ 4-6 tuần và quy trình giám định theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Và nơi đây, những tên tội phạm “giả điên” thực hiện trăm phương ngàn kế nhằm vượt qua sự giám sát của các giám định viên.

Kể từ khi bước chân vô những căn phòng của Viện GĐPYTTTƯ, những kẻ tội phạm giả điên bắt đầu vai diễn của mình và cuộc đấu trí với các bác sĩ bắt đầu.

Bác sĩ Dương Văn Lương có chất giọng bình thản khi kể về những kẻ giả điên để trốn án: “Binh pháp” mà những phạm tội muốn qua mắt bác sĩ ở đây hay sử dụng là khổ nhục kế. Có những tên phạm thực hiện khổ nhục kế đến mức phóng uế bôi khắp tường, có khi bốc phân ăn, gào khóc, kêu la... như một người điên thật sự.

Một trong những chiêu “khổ nhục kế” mà những kẻ giả điên hay sử dụng đó là giả vờ động kinh. Sùi bọt mép, chân tay co quắp như kẻ động kinh thật. Chiêu này chẳng cần “khổ luyện” nhiều, chỉ uống xà phòng hoặc lưu huỳnh để tạo bọt trong cổ họng, bọt mép cứ thế sùi ra. Nhưng Hoàng “nổ”, kẻ diễn vai động kinh ở Viện GĐPYTTTƯ không hề biết lúc bị động kinh, cơ thể gần như kiệt quệ, không cầm được bất kỳ thứ gì, đầu óc rơi vào trạng thái vô thức. Hoàng “nổ” động kinh mà vẫn chém giết ầm ầm, gây nhiều tội ác nên màn “khổ nhục kế” này bị các bác sĩ lật tẩy ngay.

Sơn “lỳ” - một tên tội phạm giết một lúc hai người, ngay sau đó lại phát điên. Sơn bảo hắn bị ảo giác cứ tưởng mình là hạt thóc, người khác là gà. Vì thế khi có hai người đi vào nhà hắn, “thóc” đã liều mình đâm chết “gà”. Khi “thóc” vào căn phòng được canh gác của Viện GĐPYTTTƯ, thấy có “gà” hắn lại rú lên chui xuống gầm giường trốn. Nhưng khi không có mặt bác sĩ thì “thóc” lại vui vẻ nói chuyện với “gà”.

Lê Văn Thụ - phạm tội hiếp dâm bé gái 10 tuổi ở Phú Thọ. Khi được đưa vào đây, miệng hắn méo xệch, lúc nào cũng đòi đánh bác sĩ. Hắn tỏ vẻ ngô nghê, lảm nhảm, lúc cười lúc mếu. Nhưng camera quan sát cho thấy mỗi lần bác sĩ đưa thuốc cho hắn uống hắn đều kín đáo vứt đi. Những lần phải uống hắn lên cơn vật vã như “sốc thuốc”. Uống thuốc cũng là một phép thử để biết điên thật hay giả điên.

Bác sĩ Dương Văn Lương tiết lộ: “Chỉ những bệnh nhân mắc bệnh tâm thần mới uống được thuốc của chúng tôi đưa. Nếu giả điên uống vào sẽ rất khó chịu, vì thế phát hiện ra ngay”.

Nhưng với những tên tội phạm vào đây, việc có được giám định công nhận điên thật hay giả với chúng là chuyện sinh tử, nên những màn khổ nhục kế hay kể cả uống thuốc dành cho bệnh tâm thần vẫn nghiến răng chấp nhận. Có những tên còn chịu khó đọc sách về bệnh tâm thần để “diễn” cho giống. Nhưng cũng có những trường hợp tội phạm sau khi gây án đã bị chấn động tâm lý, quá sợ hãi nhà tù và án tử hình nên thành điên thật. Vì thế các bác sĩ ở Viện GĐPYTT TƯ luôn trong trạng thái căng ra để “bắt bệnh”.

“Bỗng dưng” muốn... tâm thần ảnh 1

Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương.

Người điên nghĩ mình tỉnh, người tỉnh giả điên

Bác sĩ Dương Văn Lương chia sẻ: “Cái khó là thời gian giám định chỉ 4-6 tuần trong khi đặc tính của bệnh tâm thần rất phức tạp, tiến triển lâu dài, khó chẩn đoán, do không có định lượng tâm thần. Không giống như các bệnh nội, ngoại khoa có xét nghiệm, chụp, chiếu... để định bệnh tức thì, bệnh tâm thần chỉ được xác định chủ yếu qua hỏi, điều tra, tìm hiểu khách quan. Thế nên nghề của chúng tôi là ăn lương y tế mà làm việc cho công an, nhiều khi mình chẳng khác gì cán bộ điều tra”.

Tôi hỏi: “Làm thế nào để biết một người điên thật hay điên giả?”. Bác sĩ Lương cười, bảo: “Cũng như anh viết báo, một bài báo hay phải có logic, không thể đầu Ngô mình Sở. Bệnh tâm thần cũng có logic của nó, cũng phải tập hợp các triệu chứng, hội chứng, rất khó qua mắt. Nói khó vậy thôi, nếu bị qua mặt thì do trình độ chuyên môn mình kém mà tội phạm “diễn” quá giỏi. Nhưng ở đây, chúng tôi chỉ kết luận không có bệnh tâm thần hay có bệnh chứ không kết luận giả bệnh tâm thần. Số lượng kết luận không có bệnh là không nhiều, một năm có 1 - 2 trường hợp. Trong trường hợp tội phạm giả bệnh vẫn phải chịu hình phạt của pháp luật, thậm chí đó là tình tiết tăng nặng vì kéo dài thời gian xét xử”.

Tôi nhìn ra những căn phòng có công an ngày đêm canh gác, ở trong đó, những cuộc “đấu trí” giữa người giả điên và bác sĩ diễn ra từng phút, từng giờ. Có nghịch lý ở đây: người điên thật thường cứ khăng khăng khẳng định mình bình thường, còn người tỉnh giả điên lúc nào cũng muốn chứng tỏ mình đang tâm thần nặng.

Bác sĩ Nguyễn Chí Thành, Phó khoa Điều trị bắt buộc đưa cho tôi xem hồ sơ của một bệnh nhân tâm thần không nhớ nổi tên của mình nên đành gọi là Vô Danh. Hồ sơ ghi rõ: “Bệnh nhân lang thang ngoài đường tại khu vực xã Tương Giang, Từ Sơn (Bắc Ninh) vào hồi 8h sáng 22-4-2005. Bệnh nhân có hành vi dùng dao đâm hai nhát vào ngực anh Dũng, làm anh Dũng chết ngay tại chỗ”. Vô Danh có thời gian lưu trú kỷ lục ở đây: 10 năm, vì “chẳng biết nơi nao là chốn quê nhà”, và ngay cả cái tên mình cũng không nhớ nổi. Nhưng thật tréo ngoe, Vô Danh lại một mực cho rằng mình không bị điên. Bi kịch của người điên lại nghĩ rằng mình tỉnh cũng chẳng khác gì người tỉnh lại giả điên.

Nhưng giả điên là một thứ hình phạt mà các phạm nhân tự chọn, hình phạt đó nhiều khi còn khổ hơn cả ở tù và khiến các bác sĩ nhiều khi cũng... ái ngại.

Bác sĩ Lương tâm sự: “Tôi đã có lúc cầm tay người giả điên mà khuyên rất chân thành: Thôi anh đừng “diễn” nữa, khổ lắm, khổ hơn rất nhiều việc anh đi tù, nhưng được trở lại làm người bình thường. Anh có giả điên được cả đời không? Tôi nói thế, phạm nhân đã bật khóc và thôi không tiếp tục... điên nữa, đồng ý đi tù để làm người bình thường”.

Theo bác sĩ Dương Văn Lương, thời gian gần đây hiện tượng tâm thần tăng lên, kéo theo sự gia tăng của những kẻ tâm thần, gây tội ác. Bộ trưởng Y tế đã phải giải trình trước Quốc hội về vấn đề này, trong đó có câu hỏi: Tại sao thời gian gần đây nhiều tội phạm bị tâm thần trong đó có cả tội phạm kinh tế, tội phạm tham nhũng. Câu hỏi này không đơn giản để trả lời, nhưng theo bác sĩ Lương, stress, trầm cảm trong thời đại công nghiệp là một yếu tố xã hội thúc đẩy bệnh tâm thần gia tăng.

Giả điên là một thứ hình phạt mà các phạm nhân tự chọn, hình phạt đó nhiều khi còn khổ hơn cả ở tù.