Con đường của cô gái Mông được tạp chí Forbes vinh danh

Lịch của Tẩn Thị Su khá kín: bay vào TP Hồ Chí Minh tham dự sự kiện “30 Under 30” của tạp chí Forbes tôn vinh 30 gương mặt trẻ Việt Nam dưới 30 tuổi của năm 2016, hôm sau qua Thái-Lan dự một hội nghị quốc tế về du lịch. Su cố gắng sắp xếp gặp tôi giữa hai sự kiện ấy, ở văn phòng công ty tại phố Hàng Tre (Hà Nội), với bộ váy thổ cẩm truyền thống của người Mông. Hôm qua, Su đã trở nên đặc biệt với bộ váy không lẫn vào đâu được ấy, giữa những người trẻ được Forbes tôn vinh và khi bằng tiếng Anh, khi bằng tiếng Việt, đôi chỗ cả tiếng Mông, cô gái đến từ Sa Pa (Lào Cai) này đã kể cho mọi người nghe câu chuyện cổ tích về cuộc đời mình...

Con đường của cô gái Mông được tạp chí Forbes vinh danh

Chân trần đi bán hàng rong và giấc mơ đổi đời

“Nhà tôi dân tộc Mông ở huyện Sa Pa rất nghèo, bố ốm liên miên. Ngôi nhà nhỏ, rơm và lá ngô xếp lại làm mái. Khi bố ốm, mẹ làm rất nhiều việc, tôi phải làm thay công việc của bố như đi chăn trâu, lấy rau lợn. Nếu nhà có con trai thì con trai sẽ làm điều đó, nhưng nhà có bốn chị em gái nên từ nhỏ, tôi đã tự xem mình như một người con trai vùng núi. Học hết lớp 3, tôi nhớ lúc đó khách nước ngoài bắt đầu lên Sa Pa, chị gái theo những bà trong bản đi bán hàng rong, tôi ở nhà trông em, làm việc vặt. Cả gia đình chỉ trông chờ vào một hai bơ mèn mén làm từ bột ngô chị gái mang đồ ăn về, không được ăn cơm. Nhờ chị, cuộc sống đỡ cực hơn. Nhưng khi có những trận mưa to, dột hết trong nhà, chị em ướt sũng, tôi cảm thấy khổ cực quá”, giọng Su trầm hẳn xuống.

Cuộc sống quá nhọc nhằn buộc Su phải bỏ học theo chị gái đi bán hàng thổ cẩm. Hàng bán cũng khó, có lúc hai ba ngày không có khách hỏi. Tiếng Anh một chữ bẻ đôi không biết, tiếng Kinh câu được câu chăng, Su rất khó khăn tiếp cận khách du lịch. Những đứa trẻ người Mông, người Dao cứ tranh giành mời chào khách trong cái đói đến rạc người. Ngày nào Su cũng phải đi bộ hơn 10 km. Có hôm không bán được hàng, chẳng có gì ăn, trời đã hoàng hôn, Su phải đi bộ một mình từ thị trấn Sa Pa về Lao Chải, trong tiếng rít của gió rừng và bóng tối như đặc quánh lại.

Có những hôm đón xe để chào khách mua hàng, lái xe mắng: “Con dân tộc này, chúng mày hôi như cú, tránh ra”. Lời nói như dao rạch vào tâm hồn trong trắng của cô gái mới 14 tuổi.

Su cũng chứng kiến nhiều cảnh đời giống mình, phải bỏ học lang thang kiếm sống, không biết ngày mai sẽ ra sao. “Mình phải làm gì khác so với các bạn? Mình phải làm gì đó để thay đổi cuộc đời”. Trời mưa hay nắng, nóng hay lạnh, thậm chí băng tuyết rơi, Su vẫn không ngừng rảo bước chân theo khách du lịch, gặp khách nào cũng bắt chuyện. Nhiều lần gặp mưa rừng, đôi chân trần của Su vấp ngã trên những con đường đá tai mèo trơn tuột. Máu chảy trên đá, nhưng hôm sau bàn chân ấy lại giẫm lên đá mà đi. Có những đêm mưa quá to, không về nhà được, Su phải ngủ gầm cầu thang và lót dạ bằng thức ăn thừa của khách.

Su nhận thấy muốn thay đổi cuộc đời, trước hết phải học giỏi tiếng Anh. Su quyết học tiếng Anh từ khách du lịch nước ngoài. Những năm 2000, khách nước ngoài rất thân thiện với những đứa trẻ vùng cao. Họ coi là niềm vui nếu dạy cho những đứa trẻ nhằng nhẵng đeo bám mình vài ba câu tiếng Anh sơ đẳng.

“Tôi học tiếng Anh bằng cách đó, kiên trì, mỗi ngày nhặt nhạnh một vài từ, vài mẫu câu, rồi mạnh dạn nói với người Tây, nhờ họ sửa. Nhưng như thế cũng chỉ là tiếng Anh bồi. Tôi muốn học tiếng Anh bài bản để không chỉ bán mấy món hàng thổ cẩm. Nhưng cả ngày tôi bị xoay vần trong chuyện bán hàng để mua thức ăn về nuôi sống gia đình. Con gái Mông vẫn bị quan niệm phải lao động trong gia đình, học hành chỉ có con trai hay những gia đình có điều kiện. Kể cả bây giờ nhiều phụ nữ Mông vẫn phải làm việc như trâu ngựa trong nhà. Tôi chưa thấy ai phải gùi nhiều thứ trên lưng như họ. Nhưng nếu tôi không học được, tôi sẽ sống kiếp như vậy, sẽ phải lao động quần quật trong tối tăm, đẻ ra một đàn con lít nhít, và gùi đầy thứ nặng nhọc trên lưng. Chồng say rượu nằm dài trên ngựa, còn tôi sẽ dắt ngựa đi về. Tôi sợ viễn cảnh đó. Tôi muốn thay đổi cuộc đời mình”.

Sau một ngày bán hàng, Su tranh thủ vào quán internet ở thị trấn Sa Pa. Năm 2004, internet mới xuất hiện ở đây, giá vào mạng rất đắt, có khi bằng cả ngày bán hàng. Nhưng Su vẫn “cắn răng” vào mạng để học tiếng Anh một cách bài bản. Nhiều người cứ tưởng Su nghiện game.

Sau đó, Su xin đi làm ở trong khách sạn, bưng bê rửa bát. Một lần chứng kiến hai chị em gái người Mông rửa bát bị bà chủ xúc phạm, Su xin nghỉ, đi làm hướng dẫn viên du lịch vì vốn tiếng Anh đã “đủ dùng”.

Sapa O’ Châu và công dân toàn cầu Tẩn Thị Su

Làm hướng dẫn viên du lịch, Su đưa nhiều du khách nước ngoài tới những thôn bản và sản vật đầy bản sắc của quê hương. Su nắm bắt được những gì mà du khách cần khi tới Sa Pa, nhưng những dịch vụ du lịch thời điểm đó chưa thật sự hiểu và đáp ứng được. Cô gái này nảy ra ý tưởng thành lập một dự án của người dân tộc bản địa, cung cấp các dịch vụ du lịch tốt tại địa phương mình. Ý tưởng đó được một số người bạn Úc giúp đỡ, năm 2007, Công ty Sapa O’ Châu ra đời. O’ Châu tiếng Mông nghĩa là “Xin chào”. Sapa O’ Châu là công ty đầu tiên của người Mông ở xã Lao Chải kinh doanh về các dịch vụ du lịch cộng đồng và trở thành doanh nghiệp xã hội hiếm hoi lúc bấy giờ bởi Tẩn Thị Su đã xác định lập công ty không phải vì lợi nhuận mà muốn tạo công ăn việc làm, cơ hội học tập để thay đổi cuộc đời cho trẻ em người Mông, người Dao bản địa. Du khách khi tham gia vào tour của Sapa O’ Châu sẽ đến giảng dạy miễn phí cho các em nhỏ ở địa phương. Nhiều đứa trẻ lang thang bán hàng rong, đeo bám khách giờ trở thành nhân viên của Sapa O’ Châu.

Con đường của cô gái Mông được tạp chí Forbes vinh danh ảnh 1

Tẩn Thị Su (thứ hai, bên trái) và các bạn ở Công ty Sapa O’ Châu.

Nhưng thị trường du lịch ở Sapa cạnh tranh khốc liệt, công ty non trẻ của cô gái người Mông vốn thiếu kinh nghiệm quản lý lẫn tiền, nhiều lúc lâm vào khó khăn tưởng như phá sản. Đúng lúc đó, năm 2011, qua internet, Su tìm thấy và kết nối được với dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo của doanh nghiệp xã hội” của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và KOTO Quốc tế thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Ailen và hỗ trợ kỹ thuật chính của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Dự án của Su được CSIP đánh giá cao và ủng hộ.

Tẩn Thị Su được CSIP đào tạo về năng lực lãnh đạo và quản lý kinh doanh. Lần đầu được tiếp cận các kỹ năng về quản lý nguồn nhân lực, năng lực tổ chức, công tác đào tạo..., Su nhận ra lâu này mình làm việc cảm tính, bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, thừa người thiếu việc. Sau đó, Su đã tinh giản bộ máy, áp dụng những kỹ năng quản trị hiện đại và hiểu rõ bản chất của doanh nghiệp xã hội. Sapa O’ Châu nhờ thế trở nên chuyên nghiệp và có những bước tiến đột phá, mở thêm nhiều dịch vụ và doanh thu đạt cả tỷ đồng.

Tôi ngồi ở chi nhánh Sapa O’ Châu tại phố cổ Hà Nội thấy nhiều khách du lịch nước ngoài ra vào đặt tour, thanh toán bằng ngoại tệ. Những cô gái ở đây đều là người Mông và nói tiếng Anh như gió. Họ từng là những đứa trẻ bán hàng rong đeo bám khách du lịch ở Sa Pa, nhờ những lớp học của Tẩn Thị Su mở ra mà thay đổi cuộc đời. Nhiều năm nay, Su thành lập một trung tâm cung cấp lớp học cho những thanh, thiếu niên dân tộc vùng cao. Thay vì đi bán hàng, những đứa trẻ được ở chung dưới một mái nhà, học tiếng Anh với các tình nguyện viên nước ngoài. Rồi học các kỹ năng về du lịch, bán hàng... Hiện đang có 35 học viên như thế ở trung tâm. Nhiều người từ đây đã học lên trung cấp, cao đẳng, có công việc ổn định. Su lại đón những đứa trẻ nghèo vào lớp, nuôi ăn học miễn phí và điều quan trọng hơn: truyền cảm hứng thay đổi cuộc đời cho các em.

Su tâm sự: “Tôi muốn thay đổi quan niệm cho rằng phụ nữ Mông học rồi cũng chỉ về lấy chồng, làm nương, chẳng để làm gì. Tôi bị ám ảnh bởi những cuộc đời phụ nữ Mông phải lấy chồng quá sớm vì hủ tục tảo hôn, cướp vụ, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn khổ. Tôi muốn họ nhìn vào tôi, họ thấy: “Su nhà nghèo, bỏ học, đi bán hàng rong, nhưng Su làm được, mình cũng sẽ làm được”.

Ngày mai, Su bay qua Thái-lan và tới đây sẽ sang châu Âu và Mỹ để tìm hiểu về cách làm du lịch. Cô bé bán hàng rong ngày nào giờ đã trở thành công dân toàn cầu, nhưng tôi biết sau khi trở về Sa Pa, Tẩn Thị Su lại đi trên con đường đầy đá tai mèo ngày nào để học hết bổ túc văn hóa lớp 10 và nhiều kỹ năng khác nữa. Con đường đi học ấy dường như chẳng bao giờ tới đích cuối, nhưng phía sau Su, có bao nhiêu đứa trẻ dân tộc đang bước theo...

Su lại đón những đứa trẻ nghèo vào lớp, nuôi ăn học miễn phí và điều quan trong hơn: truyền cảm hứng thay đổi cuộc đời cho các em.