Ngồi xe lăn mở quán nét, “xử lý” nghiện hút bảo kê
Nghệ An - một ngày hè nóng như nung, gió Lào thổi rạc cả những bờ cây ven đường quốc lộ 1A đoạn qua huyện Diễn Châu, tôi đã bớt được cái mệt mỏi sau chặng đường dài khi nhìn thấy nụ cười tươi rói của hai người ngồi trên xe lăn trong một hàng internet. Công Hùng và Thảo Vân - hai anh em ruột quê ở huyện Nghi Lộc lúc ấy khoảng mười tám đôi mươi nhưng cơ thể teo tóp lại, chân tay bé xíu như những que sậy... Anh em họ bị căn bệnh teo cơ tuỷ sống mà đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Bệnh tật “quẳng” họ lên xe lăn và nếm cả một tuổi thơ tủi cực. Gắng gỏi vượt lên, Công Hùng học công nghệ thông tin còn Thảo Vân “liều” mở cửa hàng internet này - một việc rất khó ngay cả với người bình thường thời điểm ấy.
Lớp 10, Vân chuyển trường ra huyện Diễn Châu ở nhà dì. Lúc đó, các quán internet bắt đầu mọc lên, nhưng muốn truy cập phải gọi điện đặt trước vì đông quá, khách xếp hàng. Lúc đó Vân nghĩ: nhu cầu nhiều như vậy tại sao mình không tìm cách cung cấp? Nghĩ là làm, hai anh em Vân vay mượn được khoảng 300 triệu đồng, số tiền quá lớn không chỉ với một cô bé khuyết tật mà ngay cả với những gia đình bình thường vào thời điểm năm 2003, để đầu tư mua 30 máy tính. Mở quán. Khách đông nghịt từ sáng đến tối. Máy xịn, lại có webcam, tai nghe - một khác biệt so với các đối thủ cạnh trạnh trên địa bàn. Vân trực tiếp hướng dẫn khách sử dụng máy, có khi thức đến một giờ đêm. Hai năm sau, hai anh em họ đã trả hết nợ. Cửa hàng trong khu phức tạp, dân nghiện hút rất nhiều. Nhiều đứa đòi tiền bảo kê. Nhiều đứa vào phòng Vân chích hút ngay trước mặt. Nhiều đứa ăn trộm xe đạp của khách đến quán internet. Cô gái ngồi xe lăn này phải chống chọi với tất cả, và phải luyện cho mình một độ “lì”, “bất cần đời” để đối phó. Một buổi lên lớp học, vì thức đêm trông quán nên Vân ngủ gục, cô giáo đã ném một viên phấn về phía người học sinh khuyết tật. Vân khóc và như bừng tỉnh: mình không thể như thế này được.
“Em biết mình có lỗi và thấy xấu hổ, nhưng cảm giác bị xúc phạm, em không chấp nhận cách giáo dục như vậy”, Vân tâm sự.
Hôm đó, tôi đã trò chuyện rất lâu với hai anh em. Vân có đôi mắt ẩn dấu nỗi buồn sâu thẳm. Vân đi học bị kỳ thị, giễu cợt, trêu chọc. Thứ kết nối gần như duy nhất của Vân với những mối quan hệ mà không bị kỳ thị chính là nick chat Yahoo có tên “Bằng lăng tím cô đơn”, ở đó chẳng ai biết cô đang ngồi xe lăn. Chẳng hiểu sao tôi bị ám ảnh mãi bởi nick chat này và cứ nghĩ thế giới của Vân chắc sẽ quanh quẩn ở đó, trong hàng internet của phố huyện ...
15 năm sau. Tôi gặp lại Thảo Vân ở Hà Nội. Thảo Vân ngồi trên xe lăn, gương mặt già dặn của một người lớn đã trưởng thành, nhưng nụ cười thì tươi rói. 15 năm qua, Công Hùng đã kịp làm quá nhiều thứ: ra Thủ đô lập trung tâm Nghị lực sống dạy nghề về tin học cho người khuyết tật, trở thành hiệp sĩ công nghệ thông tin nổi tiếng cả nước. Nhưng Công Hùng đã qua đời cách đây chưa lâu vì một tai biến của bệnh tật. Ít ai biết, 15 năm qua Thảo Vân đã một mình vượt qua những hành trình nằm ngoài sự tưởng tượng của nhiều người.
Học xong cấp III, Vân làm tất cả bất ngờ khi quyết định cùng chiếc xe lăn và một người cộng sự vào tận miền Tây Nam Bộ lập nghiệp. Ở miền tây xa lạ chỉ có một người bạn duy nhất quen qua mạng, nhưng Vân nghiên cứu thấy nơi này có nhiều người phụ nữ lấy chồng nước ngoài, chắc nhu cầu điện thoại qua internet, chat webcam và chụp hình sẽ nhiều. Nghĩ vậy, nhưng đến nơi thì thấy các dịch vụ này đã có hết rồi. Vân đành thuê nhà trọ và học thêm đồ họa từ anh bạn quen qua mạng.
Vân trọ trong khu gái mại dâm, sáng mở cửa là thấy 9, 10 người ngồi ngay trước nhà, không nói, mặt lạnh như tiền, chỉ nhìn. Cứ tưởng vì mình khuyết tật nên họ hiếu kỳ, nhưng một tuần sau mới biết có hai vợ chồng vừa chết ngay trên giường Vân nằm.
Thảo Vân nhớ lại ký ức khủng khiếp đó với một nụ cười: “Sau đó, em quyết định ra Hà Nội. Mới đầu, em lân la các chợ, bến xe buýt, tìm việc. Lướt mạng internet em đọc được một lá thư gửi người khuyết tật của du học sinh Việt Nam ở Mỹ phân tích sự khác nhau về trợ giúp người khuyết tật của người Mỹ và người Việt. Em rất đồng cảm khi lá thư viết ước mơ cơ bản của người khuyết tật là có một cuộc sống tự lập và có một nghề để nuôi sống mình. Em cảm động viết lời cảm ơn tác giả bức thư qua mail. Anh ấy trả lời lại và cho biết đang khảo sát về người khuyết tật rồi hỏi ước mơ của em. Em nói em mong có một việc làm liên quan đến thiết kế đồ họa. Anh ấy hướng dẫn em làm hồ sơ và giới thiệu đến địa chỉ 27 Thái Thịnh gặp anh Thanh Hải. Em được anh Hải nhận học việc, sắp xếp cho một máy tính. Người chăm sóc em cũng được nhận vào làm”.
Đi làm với lương quá thấp, không đủ trả tiền nhà, sau tám tháng Thảo Vân nghỉ việc và xin vào làm một công ty của Đan Mạch chuyên cung cấp phần mềm, sản phẩm đồ họa và chỉnh sửa ảnh. Năm 2006, Công Hùng mở trung tâm Nghị lực sống ở Hà Nội để hướng nghiệp, dạy nghề miễn phí tin học, ngoại ngữ cho người khuyết tật. Vân quyết định nghỉ việc thu nhập cao ở công ty về giúp anh Hùng quản lý và đào tạo trung tâm, làm chuyên viên tư vấn đồng cảnh trên website nghilucsong.net. “Bằng lăng tím” không còn cô đơn Sáng ấy tôi thấy trong căn nhà chung cư ở khu đô thị Linh Đàm, những thanh niên khuyết tật đang tập trung vào màn hình máy tính. Giờ học nghề. Người bị khoèo tay, kẻ liệt chân... nhưng tất cả đều chăm chú nghe giảng và thực hành. Sau giờ học, họ sẽ xuống tầng dưới, một căn phòng khác được thuê để làm nơi ăn nghỉ. Ăn nghỉ và học nghề - tất cả đều miễn phí. Nhưng tôi không rõ hơn 20 học viên khuyết tật ở đây học xong sẽ xin việc thế nào khi mà rất nhiều cử nhân lành lặn còn thất nghiệp? Thảo Vân cười bảo: “Hầu như tất cả các học viên khuyết tất ở đây ra đều được trung tâm liên hệ việc làm với mức lương cao”. Tôi giật mình khi nghe con số này: Trung tâm Nghị lực sống đã dạy nghề và tạo việc làm cho 730 thanh niên tàn tật - tất cả đều miễn phí. Làm sao hai anh em tàn tật, ngay cả sinh hoạt cá nhân cũng không thể tự túc được mà có thể giúp được từng ấy người? Nhất là khi Công Hùng - hiệp sĩ công nghệ thông tin - người đứng mũi chịu sào của Nghị lực sống qua đời. Người ta cứ nghĩ Thảo Vân sẽ không gượng dậy được với cú sốc quá lớn này và Nghị lực sống phải giải tán vì nhiều nguồn hỗ trợ tài chính không còn. Nhưng nếu Nghị lực sống không thể tồn tại thì những người khuyết tật sẽ thế nào? Có người khuyết tật viết thư rằng sẽ chết nếu không có trung tâm. Vân quyết định đứng lên chèo lái. Quá nhiều việc phải làm khiến Vân không có thời gian để đau khổ nữa. Sắp xếp lại hệ thống, đầu tư vào trang thiết bị, cơ sở vật chất, viết các dự án, xin tài trợ, làm truyền thông. Nguồn tài chính ủng hộ Nghị lực sống đã ổn định trở lại. Thảo Vân tham gia rất nhiều hoạt động chung vì cộng đồng, như thời trang dành cho người khuyết tật, xóa bỏ định kiến về ngoại hình, tham gia mạng lưới không phân biệt đối xử, có tiếng nói trong vấn đề bầu cử, bình đẳng giới... Cô gái xe lăn này đã lên tận Trung tâm phục hồi nhân phẩm ở Ba Vì chia sẻ về kỹ năng sống cho những người phụ nữ làm nghề mại dâm. Vân liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín như Nhân tài đất Việt (2008) giải thưởng 20 cá nhân xuất sắc Cuộc thi Chim én năm 2009, nhận giải thưởng Giải Băng Xanh năm 2011... “Mục đích của em bây giờ là kiếm tiền để dạy nghề các bạn khuyết tật, mở được càng nhiều lớp càng tốt. Em muốn thay đổi cuộc sống của họ, muốn làm nhiều hơn nữa. Nếu em không làm, không dấn thân để thay đổi thì chẳng biết cuộc sống của mình bây giờ đang ở xó xỉnh nào. Bên em bây giờ có rất nhiều cộng sự tốt, cùng đồng hành với em như anh Bình, bạn Nguyên...”, Vân cười rạng rỡ và tôi nhìn sâu vào đáy mắt nhưng không thấy nỗi buồn sâu thẳm của 15 năm về trước nữa. Và tôi cũng biết Vân đã không còn dùng nick chat “Bằng lăng tím cô đơn”. Nếu em không làm, không dấn thân để thay đổi thì chẳng biết cuộc sống của mình bây giờ đang ở xó xỉnh nào.