Gặp người hùng từng tổ chứctruy điệu chính mình

Những ngày này khi cả nước đang kỷ niệm 45 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ trên không thì ông Nguyễn Ðăng Chế lại bồi hồi nhớ về một thời khói lửa ở “túi bom” phà Bến Thủy - nơi mà ngay cả một ngọn cỏ cũng bị cắt lìa bởi bom B52. Ở tuổi gần 80, dáng người cao lớn, giọng nói trầm ấm, ông Nguyễn Ðăng Chế kể cho tôi nghe về ngày ông làm lễ truy điệu sống mình, bước lên chuyến phà cảm tử để rà phá bom từ trường cho người và xe qua tiến vào chi viện chiến trường miền nam...

Ông Nguyễn Đăng Chế nhớ lại những năm tháng ở “túi bom” Bến Thủy.
Ông Nguyễn Đăng Chế nhớ lại những năm tháng ở “túi bom” Bến Thủy.

Những chuyến phà giữa chảo lửa túi bom

Ông Nguyễn Đăng Chế kể: “Giờ ngồi nghĩ lại mới thấy tôi sống được đến bây giờ là một điều kỳ lạ. Thời đó, vùng Nghệ Tĩnh, bên cạnh những điểm nóng như cầu Cấm, Truông Bồn, ngã ba Đồng Lộc thì Bến Thủy là một trong những điểm bị đánh phá ác liệt nhất. Ngoài cầu phao để vượt sông Lam, chỉ có cách dùng phà. Đội phà Bến Thủy thời điểm đông nhất khoảng 300 người, toàn nam giới. Cuối năm 1967, Đại đội rà phá bom từ trường phà Bến Thủy được thành lập, tôi được cử làm Trưởng phà Bến Thủy kiêm Đại đội trưởng Đại đội Tự vệ phà Bến Thủy (Liên quân Giao thông - Bộ đội). Chỉ hơn một năm, đơn vị đã rà phá được 232 quả bom từ trường...”.

Từ năm 1965 đến 1968, khu vực phà Bến Thủy hứng chịu 2.912 trận oanh kích của máy bay và hạm đội Mỹ ngoài biển. Từ tháng 9 năm 1972, với 312 trận, Mỹ dội xuống đây 13.253 quả bom, pháo. Bến Thủy bị cày xới tan nát, anh em trong đội phá bom phải khoét hầm vào núi Quyết ẩn mình. Mùa mưa, nóc hầm bằng ni-lông không chống chọi nổi, ai nấy ướt như chuột lột. Ăn uống kham khổ, thiếu thốn, có thời điểm anh em công nhân cả ngày không được một hạt cơm, phải ăn toàn mì hột.

Ngọn núi Quyết lừng lững sát bờ sông, bên trong có hệ thống địa đạo quân sự, hệ thống công sự để xe, người di chuyển ra phà. Trên đỉnh núi là trận địa pháo cao xạ được ẩn mình trong những tán cây.

Ban ngày Bến Thủy vắng lặng như tờ, nhưng ban đêm những chuyến phà hối hả chuyển xe và những đoàn quân qua sông. Ông Nguyễn Đăng Chế nhớ lại: “Hồi đó, chúng tôi lập năm bến phà dã chiến, mỗi bến cách nhau vài trăm mét, để bến này bị đánh hỏng có bến kia dự phòng, mỗi phà chở được sáu ô-tô tải lớn, nếu người nhiều thì giảm xe. Hai đầu phà treo hai ngọn đèn hạt đỗ ở tầm thấp để công nhân lái ca-nô định hướng. Khó vậy, nhưng với những tay lái cừ khôi, tất cả các chuyến phà đều cập đúng bến, sau sáu phút kể từ khi nổ máy, vượt qua lòng sông rộng độ 600 m”.

Lượng bom đạn của địch trút xuống Bến Thủy hòng chặn đứng tuyến đường chi viện miền nam ngày càng khủng khiếp. Máy bay quần thảo, thả đủ các loại bom, bom tấn, bom tạ, bom từ trường, ngư lôi, rốc-két. Ngoài ra còn có pháo từ Hạm đội 7 ở ngoài khơi bắn vào.

Giọng ông Chế trầm xuống: “Bom còn có tiếng động của máy bay để biết mà tránh, còn pháo thì không có bất kỳ tín hiệu gì, nó cứ căn tọa độ bắn vào, nhiều khi bất ngờ nổ ngay sát miệng hầm, gây thiệt hại lớn. Trải qua tám năm chiến đấu, mỗi cán bộ, công nhân, chiến sĩ phà Bến Thủy phải chịu 150 quả bom và đạn. 26 cán bộ, chiến sĩ bến phà hy sinh, 92 người bị thương, có lúc số hy sinh và thương vong lên tới 75% quân số. Tôi không thể quên ngày 9-11-1972, tám chiến sĩ, công nhân phà Bến Thủy hy sinh. Máu của đồng đội nhuộm đỏ cả nước sông Lam. Đau thương đến nghẹn lời nhưng huyệt vừa đào xong thì bom lại dội xuống, anh em phải nằm trên áo quan tránh bom”.

Giữa mưa bom bão đạn ấy, phà trưởng Nguyễn Đăng Chế bén duyên o Nguyễn Thị Huệ - tiểu đội trưởng tiểu đội rà phá bom mìn trên sông Lam. O Huệ nhà ở Cửa Hội, bơi lội giỏi, có thể bơi đi bơi lại ba lần sông Lam mà không biết mệt. Hai người cưới nhau và giữa lúc gia đình nhỏ của họ đón bé gái đầu lòng chào đời thì máy bay Mỹ tăng cường đánh phá. Tháng 11-1972, phà bị tắc hàng tuần do bom nổ chậm và bom từ trường thế hệ mới. Phương án dùng thuyền khử từ (thuyền gỗ, chốt tre) để rà phá không hiệu quả. Nếu tình hình này kéo dài, tuyến giao thông huyết mạch chi viện cho chiến trường miền nam sẽ bị tê liệt, ảnh hưởng tới cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra rất cam go. Tỉnh Nghệ An và Bộ Tư lệnh Quân khu 4 huy động tàu phóng từ hải quân vẫn không thể rà phá hết được số lượng bom dưới lòng sông.

Gặp người hùng từng tổ chứctruy điệu chính mình ảnh 1

Người tình nguyện bước lên phà cảm tử

Trước tình hình đó, Trưởng phà Nguyễn Đăng Chế nêu sáng kiến dùng phà lớn, kẹp hai ca-nô mã lực lớn hai bên, chạy tốc độ nhanh đâm thẳng vào bom với kích từ mạnh buộc bom nổ để thông tuyến. Ông Nguyễn Sỹ Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An lúc bấy giờ - người đặc trách chỉ đạo về giao thông vận tải đồng ý phương án này. Những ai lên chuyến phà cảm tử đó gần như không có cơ hội quay về nữa. Ông Hòa hỏi: “Ai là người chỉ huy trên chuyến phà cảm tử này”. Ông Chế trả lời ngay không chút suy nghĩ: “Tôi chứ còn ai nữa. Tôi là phà trưởng, tôi trực tiếp chỉ huy con phà này!”. Ông Hòa lặng đi, cố nén những giọt nước mắt. Ông biết người trưởng phà đã chọn cách hy sinh thân mình để thông phà Bến Thủy. Bến Thủy đã ách tắc năm ngày, người và xe vào chiến trường miền nam không thể chờ lâu hơn được nữa.

Trong hồi ức của nhà văn Đào Thắng, thì Nguyễn Đăng Chế khi đó “lúc nào cũng đeo băng đỏ có dòng chữ Trưởng phà Bến Thủy nơi cánh tay, cao to, vững chãi như nhà chỉ huy quân sự”. Và người chỉ huy đó đã bước lên chuyến phà cảm tử. Ông Nguyễn Đăng Chế không bao giờ quên được ngày 23-11-1972, ngày mà nhiều người nghĩ sẽ là ngày giỗ của ông. Ông không dám nói với vợ mình quyết định này, lòng quặn thắt khi nghĩ sẽ không bao giờ gặp lại vợ và đứa con gái bé bỏng nữa. Đúng 15 giờ, đơn vị tập trung tại bến bờ bắc làm lễ xuất quân và truy điệu sống cho Đại đội trưởng Nguyễn Đăng Chế và bốn thợ lái, thủy thủ- những người đi làm nhiệm vụ đặc biệt. Ông thay mặt anh em tổ cảm tử, đứng trước dòng sông Lam, thề rằng: “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả vì sự nghiệp giải phóng miền nam, chúng tôi sẵn sàng hy sinh để mở đường thông tuyến”.

Sau lời thề dõng dạc là một khoảng lặng đến tê người của phút phân ly tử biệt. Xuất phát! Năm người bước lên một con phà và hai ca-nô rẽ sóng lao với tốc độ cao trên sông để kích nổ các loại bom từ trường. Đến vòng thứ ba thì hai quả bom từ phát nổ kích những quả bom khác cùng nổ theo. Những cột nước dữ dội bùng lên từ lòng sông giật xích hất tung ca-nô hai chiếc lên trời. Phà chìm dần. Nguyễn Đăng Chế bị sức ép quá nặng của bom, ngất đi, cơ thể nổi bồng bềnh trên mặt nước. Tin báo về tỉnh và gia đình: Trưởng phà Bến Thủy hy sinh. Lễ mai táng đã được chuẩn bị. Mẹ và người vợ trẻ khóc lịm đi, bé gái đầu lòng mới một tuổi cũng khóc theo. Nhưng đến một giờ sáng, Nguyễn Đăng Chế tỉnh lại và được chuyển tuyến điều trị. Với chế độ chăm sóc đặc biệt, sau một năm ông mới bình phục, trở lại vị trí trưởng phà.

Nhà báo Thanh Phong - phóng viên Báo Nhân Dân lúc đó đã vào bệnh viện phỏng vấn viết bài về tấm gương Nguyễn Đăng Chế và chuyển lời lãnh đạo tỉnh yêu cầu làm bản thành tích nhưng lúc đó sức khỏe kém, tay run nên ông xin “khất”. Ông Nguyễn Kim Giao, Phó phà Bến Thủy - đồng đội cùng thời với ông Chế chia sẻ: “Tôi nhớ rất rõ ngày ấy, khi được tỉnh làm hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND, anh Chế khiêm tốn nói: “Sự hy sinh, cống hiến của tôi chưa thể bằng những người đã dũng cảm hy sinh khác. Thí dụ như 21 công nhân phà Bến Thủy bị bom dập, bom vùi và nhiều chiến sĩ lái xe đã ngã xuống ở dòng sông Lam, họ mới thật xứng đáng là anh hùng”.

Hòa bình. Sau nhiều năm làm cán bộ của ngành giao thông, ông Nguyễn Đăng Chế nghỉ hưu, trở về với làng quê và sống trọn vẹn với niềm đam mê thi ca của mình. Ông viết cả nghìn bài thơ và trong đó vẫn thường trực, vẫn đau đáu hình ảnh phà Bến Thủy trong mưa bom bão đạn. Bến Thủy nay đã có cầu lớn sang sông, đứng bên dòng Lam, ông tự hỏi bằng mấy câu thơ: “Cầu lớn bắc qua/ Ai người hay biết/ Bến Thủy/ Đôi bờ máu nhớ bàn chân”.

Hai vợ chồng ông đều là thương binh, giờ sống với lặng lẽ, với “rơm rạ một thời” (Thơ Nguyễn Đăng Chế), nhưng trong cõi lặng ấy thỉnh thoảng lại lóe lên những câu thơ thế này: “Đường vui nhớ bến tưởng nguồn/ Con phà bom dội gọi hồn ta chăng”.