Lên vùng cao cùng đồng bào xe chỉ luồn kim
Craft Link ra đời năm 1996, xuất phát từ ý tưởng của chị Lan cùng bảy người Việt Nam trẻ tuổi. Chị Lan chia sẻ: “Chúng tôi coi việc sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ như một công cụ để tăng thêm thu nhập cho đồng bào dân tộc, những người có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhiều người được hưởng lợi, nhưng cũng có không ít bị tụt lại phía sau. Một giải pháp cho vấn đề này là thiết lập các dự án mới để phát triển các kỹ năng, thiết kế mẫu mã mới, giúp tổ chức sản xuất các sản phẩm và quy tụ mọi người vào các nhóm sản xuất. Và Craft Link đã được thành lập để giúp đỡ, cung cấp cho người sản xuất các kỹ năng và thông tin cần thiết để họ có thể sáng tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có tính thực tế, phù hợp nhu cầu luôn thay đổi của thị trường và tìm kiếm thị trường dễ dàng hơn”.
Craft Link được coi như “của hiếm” trong cơ chế thị trường khi gần 20 năm qua miệt mài với sứ mệnh làm từ thiện, đưa đến cho đồng bào dân tộc, những người khó khăn không chỉ con cá, mà cả cần câu, dạy họ cách câu và thậm chí cùng tìm cá với họ. Chị Lan còn nhớ vào những năm cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20, các sản phẩm thủ công của người dân tộc phải đối diện với làn sóng hàng Trung Quốc tràn về. Cùng với đó, xu hướng Kinh hóa các sản phẩm ngày càng rõ hơn. Làm thế nào những sản phẩm truyền thống ấy không những “trụ” lại được mà còn giúp đồng bào xóa đói, giảm nghèo. Với người dân tộc, những lời nói suông khó làm họ thay đổi nhận thức mà phải “có thực mới vực được đạo”. Năm 1998, chị Trần Tuyết Lan cùng các cộng sự lặn lội lên với đồng bào Mông ở thôn Sín Chải, xã Dền Thàng, Bát Xát (Lào Cai) và giật mình vì nghề dệt lanh độc đáo đang đứng trước nguy cơ thất truyền.
Những người phụ nữ ở đây vẫn thường mặc váy lanh mộc ép ly hoặc váy lanh nhuộm chàm cùng áo khoác ngắn, cổ và thắt lưng được trang trí mảng thêu, nhất là dịp Tết, đám cưới và các lễ hội khác. Sự khác biệt trong trang phục truyền thống của người Mông Bát Xát với các nhóm người Mông khác là ở kỹ thuật thêu đáp vải được cắt tỉa phức tạp, đường thêu uốn lượn, hầu hết các họa tiết hình xoắn ốc với những mầu sắc sặc sỡ trên nền vải đen truyền thống. Nếu cứ đà này, một ngày không xa, kỹ năng thêu dệt ấy sẽ biến mất cùng các bộ váy lanh của người phụ nữ thôn Sín Chải. Ngay sau đó, Craft Link kết hợp Tổ chức Ucodep chung tay thực hiện một dự án hỗ trợ phụ nữ ở đây khôi phục lại nghề thêu. Lần đầu tiên họ được tập huấn về thiết kế mẫu mã, phát triển và hoàn thiện sản phẩm, về marketing, làm sổ sách, tính giá thành... Những tấm vải lanh dệt ra, vẫn với kỹ thuật và chất liệu truyền thống nhưng có những cách điệu. Vải lanh và những bộ trang phục từ thôn Sín Chải nhờ Craft Link quảng bá đã xuống Hà Nội, vào TP Hồ Chí Minh và ra nước ngoài. Nhờ đó, chị em có nguồn thu nhập khá, đời sống được nâng cao hẳn. Những chiếc khung cửi xếp xó, mạng nhện giăng đầy giờ rộn ràng trở lại...
Đứa con hai tuổi đang sốt cao thì chị Trần Thị Lan lại lên đường tới một nơi xa xôi hiểm trở đến mức dân phượt cũng phải ngán: xóm Sảng Pả A, Mèo Vạc (Hà Giang). Đồng bào Lô Lô sống ở nơi hiểm trở trên cao nguyên đá này, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao nhất nước nhưng bộ váy áo của phụ nữ vùng đất này được đánh giá đẹp và cầu kỳ nhất trong số trang phục dân tộc miền núi Việt Nam. Các cô bé Lô Lô mới lên năm, lên sáu đã tập thêu, thêu mãi cho đến khi lấy chồng và rồi vẫn thêu cho đến khi không xe chỉ luồn kim được nữa. Váy áo phụ nữ xóm Sảng Pả A được thêu trang trí nhiều ở hai ống tay và choàng thêm tấm vải trang trí dày đặc hoa văn phủ quanh hông cùng hai hoặc ba chiếc dây lưng thêu. Nhưng rồi, các cô gái dần xa rời cây kim sợi chỉ, họ không còn đủ kiên nhẫn để mất vài năm mới thêu xong một bộ váy áo. Nghề thêu cứ thế mai một dần...
Vượt qua những con dốc đá cao vút, chị Lan cùng các cộng sự Craft Link tìm đến Sảng Pả A để giúp khôi phục lại nghề thêu ấy. Người Lô Lô ngạc nhiên lẫn cảm động vì có một nhóm ở tận Hà Nội tìm về đây tha thiết yêu váy áo nơi này và muốn giúp chị em trở lại nghề thêu thùa. Sau đó, dự án “Bảo tồn, gìn giữ nền văn hóa truyền thống và nâng cao thu nhập cho người Lô Lô” của Craft Link phối hợp Hội Phụ nữ Hà Giang đã triển khai ở đây. Dưới một mái nhà, bà Doãn Thị Mỹ và cháu gái Doãn Thị Liên cùng nhiều chị em khác đã được các chuyên gia chia sẻ từ những kỹ năng thêu may đến bán hàng và quản lý tài chính... Chị Lan cùng các cộng sự Craft Link “ba cùng” với dân bản cả tháng trời. Những đường kim sợi chỉ tưởng như đã ngủ quên nay thức giấc, khung cửi giăng mắc khắp xóm và những tấm vải sặc sỡ lại rực lên trên cao nguyên đá xám lạnh. Phụ nữ Sảng Pả A rất phấn khởi vì họ thu được nhiều tiền từ nghề thêu điều xưa nay chưa từng có. Đồng bào đã rất “ưng cái bụng” với những người ở dưới xuôi lên đây và khi dự án sắp kết thúc thì một già làng đã thật thà nói với chị Lan: “Cháu ở đây làm con dâu bác đi”. Già làng không hề biết chị Lan đã phải xa gia đình và lên đây khi đứa con hai tuổi đang sốt cao.
Sản phẩm truyền thống vươn ra thế giới
Trông liễu yếu đào tơ, tôi không ngờ hơn 15 năm qua chị Lan và các cộng sự của Craft Link đã đi nhiều đến thế và hầu hết đến những nơi xa xôi, hẻo lánh. Đến bản Paco, Mai Châu (Hòa Bình) cheo leo trên núi cao giúp bà con người Mông khôi phục khăn nhuộm xanh chàm và váy áo trang trí bằng sáp ong. Đến Tả Pìn, Sapa (Lào Cai) để làm thăng hoa những họa tiết thêu tay trên váy áo. Đến Nậm Cắn, Kỳ Sơn (Nghệ An) giúp đồng bào Thái phục hồi kỹ năng dệt nhuộm và thắt hoa trên sợi, đem lại nụ cười cho nhiều chị em. Nói vậy, bởi sau khi cấm trồng cây thuốc phiện, các chị em phụ nữ không có việc làm, bị suy dinh dưỡng, ngoài hai mươi tuổi là rụng hết răng. Nhờ Craft Link giờ đây họ có công ăn việc làm ổn định, có tiền để trồng lại răng, nên tự tin cười hơn...
Từ năm 1996 đến nay, Craft Link đã thực hiện thành công 37 dự án tại các tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An, An Giang... Các dự án không chỉ giúp nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm làng nghề khôi phục văn hóa truyền thống mà còn mang lại thu nhập cho họ thông qua hệ thống marketing và phân phối của tổ chức này. Họ đang trợ giúp 70 nhóm sản xuất với hơn sáu nghìn người hưởng lợi. Những sản phẩm của bà con tưởng như chỉ quanh quẩn ở vùng sâu, vùng xa nay đã có mặt toàn cầu, với tỷ lệ 79% xuất khẩu, chủ yếu là châu Âu, châu Mỹ, châu Úc.
“Phi lợi nhuận có phải là không có lãi”, tôi hỏi và chị Lan nói ngay: “Thực tế Craft Link kinh doanh có lãi, nhưng có ba điều làm chúng tôi khác biệt với các tổ chức khác: Thứ nhất, chúng tôi cam kết làm việc với những người thật sự cần được trợ giúp. Thứ hai, lãi từ kinh doanh không rơi vào túi cá nhân nào mà được sử dụng vào hỗ trợ phát triển các dự án mới cho các nhóm sản xuất. Thứ ba, bởi vì lợi nhuận không rơi vào túi cá nhân nên nhiều người muốn chia sẻ thời gian và công sức cùng chúng tôi biến viễn cảnh mong đợi thành sự thật”.
Viễn cảnh mong đợi mà chị Lan cùng các cộng sự ở Craft Link hướng tới là các nghề thủ công truyền thống được khôi phục và phát triển, đồng bào dân tộc, các nghệ nhân có mức thu nhập xứng đáng. 15 năm qua, ngọn gió “Craft Link” đã làm bừng lên những váy áo, thổ cẩm... thổi bay đi đói nghèo ở nhiều bản làng và ngọn gió ấy hẳn sẽ còn vạm vỡ hơn nữa.
Trình diễn nghề thủ công truyền thống.