San sẻ khó khăn, niềm vui nhân đôi
Tinh mơ sáng, cả đoàn đã chỉnh tề vào viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Quốc gia Vị Xuyên. Đây là nơi an nghỉ của 1.758 liệt sĩ, trong đó có 273 phần mộ chưa biết tên; những người con trung hiếu của 32 tỉnh, thành phố trong cả nước đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc của Tổ quốc. Trong những dãy núi xa mờ kia, hàng nghìn liệt sĩ hy sinh tại các điểm cao tại biên giới như 1509, 468... vẫn còn nằm lại với núi rừng, chưa được quy tập về đây cùng đồng đội.
Điểm đến trong ngày đầu tiên là sáu xã thuộc huyện Vị Xuyên là Thanh Đức, Xín Chải, Lao Chải, Minh Tân, Thượng Sơn, Cao Bồ. Từ trung tâm huyện đi ra vài ki-lô-mét đã gặp đường núi hiểm trở, chật hẹp, có những chỗ chỉ vừa hai ô-tô tránh nhau. Thế nhưng đó là đường từ huyện đến xã, còn phần lớn đường đến các thôn, bản chỉ đi được xe máy. Nhiều bà con hộ nghèo ở các thôn xa gần biên giới như Mã Hoàng Phìn, Hoàng Lì Pả (xã Minh Tân) phải đi bộ cả nửa ngày đường mới đến được điểm nhận quà. Anh Vàng Chính Sìu, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải cho biết, xã có 100% đồng bào Mông với 384 hộ thì non nửa ở trong diện hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Anh Giàng Văn Trang nhà ở thôn Bản Phùng là con liệt sĩ, chưa đến 45 tuổi mà lụ khụ như một ông già 70. Anh cho chúng tôi biết: đây là lần đầu tiên gia đình anh được nhận quà. Vợ chồng anh Trang có sáu người con, làm ăn lam lũ mà vẫn chưa thoát nổi nghèo. Mùa đông năm ngoái trâu chết, thảo quả cũng chết nhiều, giờ mới nuôi lại được một con trâu, trồng lại một ha thảo quả... Nhìn những nụ cười khắc khổ trên gương mặt ánh lên niềm vui của bà con, tất cả chúng tôi đều thấy lòng rưng rưng.
Điểm đến ngày thứ hai của đoàn là ba xã Tả Sử Choóng, Bản Nhùng và Thèn Chu Phìn (huyện Hoàng Su Phì). Những khúc cua tay áo nối nhau không ngớt, cảnh tượng núi non hùng vĩ trùng trùng lướt qua ô cửa kính trong một ngày nắng vàng như rải mật. Những thửa ruộng bậc thang vàng rộm chạy vòng quanh sườn núi tạo thành một cảnh sắc tuyệt đẹp. Thế nhưng ít ai biết, do thời tiết năm nay khắc nghiệt, mưa muộn và dày, lúa chín không đều, nhiều hạt lép, cho năng suất thấp. Thiên nhiên vốn dĩ vô tình, năm nào cũng bão lũ, thiên tai, sức người thì có hạn, con người quá nhỏ bé so với cơn cuồng nộ của thiên nhiên... Ông Triệu Sơn An, Phó Chủ tịch huyện Hoàng Su Phì cho biết, những mặt hàng cứu trợ thiết yếu như gạo, mì tôm, dầu ăn, mì chính, chăn... đã đến thật đúng lúc để giúp bà con vượt qua thời điểm giáp hạt khó khăn này.
Ở xã Bản Nhùng chúng tôi chia sẻ nhiều số phận nổi trôi nghiệt ngã. Chị Nguyễn Mễ Tắc, dân tộc Tày sống ở thôn Na Nhung. 25 tuổi chị không biết chữ. Nhà năm ngoái bị sập do lở đất, đã được mọi người giúp đỡ dựng lại, nhưng cách đây hai tháng lại bị sập tiếp. Hai vợ chồng phải làm ruộng, nuôi trâu thuê cho nhà khác, bữa ăn hằng ngày chỉ có cơm và rau. Lần đầu tiên được nhận quà nên chị rất phấn khởi, nhất là trong lúc đang gặp nhiều khó khăn. Thôn Thiêng Rầy xa nhất cách trung tâm xã Bản Nhùng sáu cây số. Bác Lù Văn Dì, năm nay 70 tuổi, ở thôn Ma Lù Vó, người dân tộc Nùng, bị chất độc da cam, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Các con bác đi làm thuê xa, nhà chỉ có hai ông bà vẫn phải cố gắng làm lụng, tích cóp, tần tảo nuôi thêm gia súc. Bác Dì rất rất phấn khởi vì Nhà nước quan tâm đến hoàn cảnh của gia đình, luôn miệng cảm ơn đoàn từ thiện.
Anh Phan Công Tuấn, Giám đốc chi nhánh Hà Nội của Công ty cổ phần Beegreen, đơn vị tài trợ chương trình tỉ mỉ rút từng sợi chỉ may trên bao tải gạo, vừa nhắc nhở các đồng nghiệp trẻ: Đừng cắt rách, để người dân còn tận dụng được cái bao.
Trong cái nắng chói gắt của thời tiết sắp đổi, mồ hôi ướt đẫm lưng các thành viên đoàn từ thiện đang hối hả chuyển gạo, mì, dầu, mắm, chăn mền đến tay đồng bào. Họ đã vượt qua nhiều cung đường xa xôi để mang đến đây những tấm lòng thơm thảo.
Bà con xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì phấn khởi khi nhận quà tặng của đoàn từ thiện. Ảnh trong bài | Mạnh Trường
Cần lắm những hoạt động từ thiện dài hơi
Xã Thèn Chu Phìn có 100% đồng bào dân tộc Mông, tập quán du canh du cư ngàn đời nay đã được khắc phục. Nhờ sự vào cuộc rốt ráo của chính quyền địa phương, những tập tục xấu bị loại bỏ dần. Hai thôn của xã là Lùng Chinh Hạ và Lùng Chinh Thượng hiện có con suối chia cắt. Người dân, đặc biệt học sinh qua lại khó khăn, vào mùa lũ nước dâng cao phải nghỉ học. Niềm mong mỏi có một cây cầu của người dân nhiều năm nay vẫn chưa có cách giải quyết. Dân trong bản bảo nhau, thôn Thác Tậu, Cao Bồ (Vị Xuyên) cũng bị chia cắt bởi dòng suối Nậm Má. Năm 2015, lãnh đạo xã đã tiến hành họp dân và thống nhất đóng góp xây dựng cây cầu, mỗi hộ đóng góp sáu triệu đồng. Tổng số tiền dân góp, chính quyền và các nhà hảo tâm đóng góp được gần 400 triệu đồng, cùng với hơn 1.700 ngày công lao động của dân tự bỏ ra, sau ba tháng gấp rút xây dựng, tháng sáu năm 2015, cầu hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Bà con phấn khởi đặt tên cầu là cầu Tài. Thấy Thác Tậu làm được cầu, bà con Lùng Chinh Hạ, Lùng Chinh Thượng muốn làm theo lắm, nhưng ngặt nỗi, đóng góp năm, bảy triệu đồng với nhiều hộ gia đình là vượt quá khả năng...
Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Bản Nhùng (Hoàng Su Phì) cho biết, xã có 438 hộ thì 313 hộ nghèo. Ngoài giúp đỡ tặng quà, xã mong muốn được giúp đỡ xây dựng cơ sở vật chất như công trình vệ sinh, đường đi, điểm trường... cùng với sự đóng góp công sức của người dân.
Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc công ty Beegreen chia sẻ, chuyến trao quà từ thiện lần này (2.000 suất quà, giá trị tương đương một tỷ đồng) mới chỉ là chuyến khảo sát bước đầu. Từ tình hình thực tế của địa phương, trong thời gian tới, công việc từ thiện sẽ tập trung vào những công trình dân sinh như đường sá, cầu vượt suối, hồ treo chứa nước, nhà ở cho học sinh và giáo viên tại các điểm trường các thôn, bản xa xôi... Đây mới là những hoạt động thiện nguyện dài hơi, giải quyết những nhu cầu sinh hoạt cơ bản, bền vững cho bà con. Và không chỉ có vậy, cần thêm những dự án hỗ trợ bà con phát triển kinh tế tại chỗ vốn còn rất nhiều tiềm năng chưa được khai thác.
Vào một cửa hàng ven đường bày bán các sản phẩm trà, chúng tôi được chủ nhà mời uống loại trà ngon hảo hạng. Câu chuyện chủ khách xoay quanh nỗi trăn trở với lối đi cho thị trường trà sạch của địa phương. Cây chè shan tuyết, tên địa phương là chè thuốc - bởi dược tính cao của nó. Loại trà này là một trong những vị thuốc của người Dao đỏ có tác dụng ngăn ngừa bệnh ung thư, tốt cho tim mạch, thanh lọc cơ thể, chống lão hóa, tăng cường trí nhớ và giải tỏa căng thẳng... Một nhóm thanh niên trẻ có tri thức, được tiếp cận công nghệ đã và đang nhen nhóm nên những khát vọng xây dựng thương hiệu trà hữu cơ để đổi thay cho quê hương. Họ rất cần sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.
Sự giao thoa tiếp biến văn hóa ở các tỉnh miền núi phía bắc những năm gần đây trở nên mạnh mẽ hơn. Hào hứng, bà chủ nhà cất giọng hát, lời rằng: Ai đã mở đường lên đỉnh núi, ngắm nhìn mây như dải lụa hồng/ Ngọt ngào nghe điệu páo dung, thông reo gió ngàn nhìn ruộng bậc thang... Vùng đất huyền bí và đầy hấp dẫn, một nền văn hóa bản địa giàu có của Miền đất vỏ cây vàng, như tên một cuốn khảo luận của tác giả Triệu Đức Thanh, người con của đất Hoàng Su Phì sẽ phát triển giàu mạnh với nội lực tự thân của nó. Hứa hẹn sẽ quay lại không chỉ một lần, vì yêu thương và đầy trắc ẩn với dải đất thiêng liêng miền biên viễn của Tổ quốc...