Tỷ giá và niềm tin thị trường

Tâm điểm chú ý trong tháng 8-2015 là sự kiện Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ mạnh nhất trong vòng hai thập kỷ qua khiến một loạt nước trong khu vực phải phá giá đồng nội tệ của mình và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Tỷ giá và niềm tin thị trường

Ngay sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc quyết định phá giá đồng nhân dân tệ 2% mạnh nhất từ hai thập kỷ qua vào ngày 11-8, ngày 12-8-2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ mức +/-1% lên +/-2%. Tuy nhiên, tiếp sau sự kiện phá giá mạnh của đồng nhân dân tệ, theo đánh giá của NHNN, tâm lý thị trường trong nước còn nặng nề do lo ngại các hệ lụy của việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ điều chỉnh tăng lãi suất, NHNN tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ từ mức 21.673 VND/USD lên mức 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%) áp dụng cho ngày 19-8-2015 và điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá giữa đồng Việt Nam và đô-la Mỹ từ +/-2% lên +/-3%. Thị trường những ngày đầu tiên sốc khi tỷ giá niêm yết mua/bán chính thức ở các ngân hàng thương mại vọt lên gần mức trần 22.547 VND/USD, giá vàng chao đảo mạnh. Tuy nhiên, thị trường sau đợt biến động đã điều chỉnh ổn định trở lại quanh mức cân bằng mới, giao dịch ổn định hơn và tâm lý thị trường cũng bình ổn trở lại. Trong các phiên giao dịch ba ngày gần nhất đợt điều chỉnh lần thứ hai, tỷ giá bán ra tại Vietcombank đang từ chạm trần, áp trần thì đến ngày 27 và ngày 28-8, chỉ còn 22.510 VND/USD, đến ngày 31-8, mức giá này là 22.500 VND/USD. Để trấn an thị trường, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lý giải việc tỷ giá bị đẩy lên sát trần, các dấu hiệu căng thẳng về lãi suất ở một số thời điểm và hiện tượng một số doanh nghiệp mua găm ngoại tệ là yếu tố tâm lý và đưa ra nhận định tại phiên họp thường trực Chính phủ vừa qua: “Chúng ta đã điều chỉnh tỷ giá khá lớn và không có lý do gì để tiếp tục phá giá đồng tiền Việt Nam nữa. Vấn đề còn lại là niềm tin thị trường”.

Tỷ giá và niềm tin thị trường ảnh 1

Nhân viên HD Bank giao dịch với khách hàng.



Về sự kiện này, theo đánh giá của các tổ chức trong và ngoài nước, biện pháp điều chỉnh tỷ giá vừa qua là bước đi đúng hướng, chủ động của NHNN, thể hiện sự phản ứng nhanh chóng trước diễn biến của môi trường bên ngoài, cho thấy sự linh hoạt hơn trong điều hành tỷ giá. NHNN đã cho phép các yếu tố thị trường có vai trò quan trọng hơn trong việc xác định tỷ giá thông qua việc mở rộng biên độ tỷ giá, góp phần ổn định thị trường tài chính. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chính thức đưa ra đánh giá: “Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường”.

Có thể nói, Việt Nam đang ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào hệ thống tài chính tiền tệ thế giới và chịu tác động của cả các cú sốc tích cực và tiêu cực. Sự kiện phá giá tiền tệ dồn dập ở một loạt quốc gia, trong đó có Việt Nam, một lần nữa cho thấy thế lực mạnh mẽ của quan hệ cung cầu thị trường và khả năng thao túng của các đồng tiền lớn như đô-la Mỹ, euro, nhân dân tệ... Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng, thế lực này ngày càng trở nên khó lường, không dễ dàng ứng phó, kể cả không thể cưỡng lại được nếu chúng ta không chủ động thay đổi mô hình quản lý theo hướng mềm dẻo, linh hoạt, mang tính chất thị trường nhiều hơn. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia cần thiết phải sớm đưa ra các phương án điều hành tỷ giá trong bối cảnh mới, vì nếu vẫn tiếp tục duy trì chính sách neo tỷ giá như một vài năm trở lại đây (mặc dù đã phát huy tác dụng trong việc theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát) thì chắc chắn NHNN sẽ phải đối mặt với nhiều lúng túng, kể cả rủi ro về lòng tin khi đưa ra những tuyên bố “cam kết điều hành” dễ dàng bị thị trường phá bỏ.

Thị trường tài chính tiền tệ của Việt Nam hiện đã có liên thông nhất định đến thị trường tài chính quốc tế và chịu ảnh hưởng tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế. Chính vì vậy, công tác truyền thông đóng vai trò hết sức quan trọng để duy trì lòng tin của thị trường. Các cơ quan hoạch định chính sách bên cạnh việc xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó để tránh thụ động cần tăng cường công tác truyền thông để định hướng thị trường theo mục tiêu chính sách. Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cũng cần linh hoạt để bảo đảm tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động.

Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực đang được thúc đẩy mạnh mẽ, sâu rộng, đòi hỏi Việt Nam cần có một chế độ tỷ giá linh hoạt hơn, đủ sức “hấp thụ” hoặc làm “giảm chấn” các cú sốc bất lợi đến từ bên ngoài. Do vậy, mục tiêu lâu dài mà Việt Nam cần phải tiếp tục theo đuổi là cần xây dựng khả năng chống đỡ và phục hồi tốt trước các cú sốc để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và xây dựng các khoảng đệm chính sách. Điều quan trọng trong công tác hoạch định, điều hành chính sách trong thời gian tới là NHNN cần tiếp tục theo dõi, đánh giá tác động của các điều chỉnh chính sách vừa qua đối với sự ổn định kinh tế vĩ mô, lòng tin của công chúng, cũng như tiếp tục theo dõi các cú sốc từ bên ngoài khác có thể xảy ra, thí dụ như diễn biến của đồng nhân dân tệ và chủ động có biện pháp ứng phó kịp thời theo như cách thức xử lý tình huống vừa qua là để cho các yếu tố thị trường đóng vai trò quan trọng hơn.

Dựa trên kỳ vọng của thị trường thông qua những thay đổi của lợi suất trái phiếu Chính phủ, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đánh giá hai lần điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm phần trăm, là mức tăng không đáng kể. Với mức độ điều chỉnh tỷ giá đồng nhân dân tệ vừa qua và nếu từ nay tới cuối năm nhân dân tệ không bị phá giá mạnh hơn nữa, thì không trực tiếp ảnh hưởng nhiều đến thị trường tiền tệ, kinh tế Việt Nam.
Động thái điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường.
Các thông điệp chính sách cần rõ ràng nhưng cũng cần linh hoạt để bảo đảm tính nhất quán trong thông tin và thống nhất, đồng bộ giữa thông điệp chính sách và hành động.