Thân phận lao động chui trên đất Thái

Những bất trắc, rủi ro và cả những cái chết thương tâm nơi đất khách, quê người vẫn chưa làm hạ nhiệt cơn sốt lao động chui tại Thái-lan. Lúc cao điểm Hà Tĩnh có hơn 10 nghìn lao động sống chui, làm chui trên đất Thái. Cuộc sống ở nhiều làng quê bị xáo trộn, nhiều giá trị truyền thống bị thách thức. Sự bất lực của các cơ quan quản lý, sự bế tắc của một bộ phận lao động nông thôn...

Chấp nhận mọi sự nhọc nhằn vì áp lực mưu sinh.
Chấp nhận mọi sự nhọc nhằn vì áp lực mưu sinh.

Trăm phương nghìn kế mưu sinh

BangKok- Thái-lan. Chị Lê Thị Thủy quê ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà ngừng tay lau cần bi trong một trung tâm giải trí, cho tôi hay: “Đây là công việc nhàn hạ mà thu nhập cao nhất. Công việc mỗi ngày của mình bắt đầu từ 8 giờ tối đến sáng hôm sau. Lương tháng chỉ khoảng vài ba nghìn bạt (tương đương 1,5 - 2 triệu đồng) nhưng đổi lại mỗi đêm có thể được khách bo cả nghìn bạt, tính ra mỗi tháng thu nhập tới mấy chục triệu đồng”. Chị Thủy được làm việc ở đây vì ngoài vẻ trẻ trung, xinh xắn còn có thể bập bẹ một ít tiếng Thái. Hầu như ở tất cả các thành phố trên đất Thái đều có người Hà Tĩnh mưu sinh. Nhiều nhất vẫn là thủ đô Bangkok, tiếp đến là những thành phố lớn như Pattaya, Phukhet, Chiengmai... nhưng không phải ai cũng may mắn như chị Thủy. Có cả trăm thứ nghề để kiếm tiền. Phổ biến nhất vẫn là bưng bê, dọn dẹp, trông xe trong các nhà hàng, tiếp đến là bán rong trên đường phố, rồi giúp việc tại gia, làm thợ may, thợ sửa chữa cơ khí cho các cơ sở sản xuất, thậm chí có những người còn làm nghề hành khất. Và cả những công việc hết sức lạ lẫm như sắp bi, lau cần trong các Trung tâm giải trí bi-a.

Tiền bo gần như là nguồn thu nhập chính của lao động phục vụ trong các nhà hàng, quán bar, trung tâm giải trí. Nguyễn Quang Dũng, đến từ xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà tiết lộ: Để có được một chân giữ xe tại nhà hàng Laplaya cạnh khu đèn đỏ ở thủ đô Bangkok, anh và nhóm bạn phải trả cho ông chủ mỗi tháng 20 nghìn bạt, tương đương khoảng 13 triệu đồng. Đổi lại mỗi lái xe ô-tô vào gửi thường sẽ bo từ 50 đến100 bạt. Đêm ít cũng được vài trăm xe, hôm cuối tuần có thể lên tới cả nghìn xe. Mỗi tháng Dũng và anh em cũng có thể kiếm được từ 10 đến 15 triệu đồng từ tiền bo của khách.

Đó quả là khoản thu nhập tương đối cao so với công việc phổ thông tại quê nhà, tuy nhiên để kiếm được đồng tiền cũng không kém phần nhọc nhằn. Phần nhiều công việc đòi hỏi người lao động phải thức đêm ngủ ngày, làm những việc mà người Thái ít khi đụng tới. Anh Nguyễn Văn Anh ở xã Gia Hanh, huyện Can Lộc cho biết: Ngoài bồi bàn, làm bếp tại nhà hàng, còn phải chấp nhận dọn dẹp nhà vệ sinh, đấm lưng thư giãn cho thực khách chỉ cốt để tăng thêm tiền bo.

Anh Nguyễn Văn Dương ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà tâm sự: Để có được mỗi tháng 10 triệu đồng gửi về gia đình, tôi phải dậy sớm đi mua dừa trái, sau đó về cắt gọt để đầu buổi chiều đẩy xe ra hè phố Bangkok ngồi bán nước dừa cho đến tận đêm. Bốn anh em nhà tôi cùng thuê một phòng rộng chừng 15m2, trong một khu phố mà hễ mở cửa ra là gặp ngay người đồng tính và hút chích. Không thật sự thoải mái, nhưng đấy là cách để tiết kiệm chi phí.

Anh Dương cũng như tất cả những lao động người Hà Tĩnh mà tôi tiếp xúc trên đất Thái đều chấp nhận vất vả, vì rất khó để có thể tìm kiếm công việc ở quê với thu nhập đều đặn mỗi tháng trên dưới chục triệu đồng.

Phận sống lủi, làm chui

Nỗi ám ảnh lớn nhất của lao động Việt Nam nói chung và lao động Hà Tĩnh tại Thái-lan nói riêng chính là cảnh sát. Đơn giản vì họ nhập cảnh vào Thái-lan với tư cách là khách du lịch nhưng rồi ở lại để lao động kiếm tiền. Do vậy sự lưu trú quá thời hạn 30 ngày là bất hợp pháp, công việc cũng không được pháp luật bảo hộ và thừa nhận. Chị Phạm Thị Tình ở xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà cho hay: Ra đường nếu gặp cảnh sát thì cứ thành thực thú nhận là đi làm, còn trả lời lòng vòng ắt sẽ bị gây khó khăn, bởi họ biết tỏng người mình sang đây chủ yếu với mục đích gì.

Để tồn tại trên đất Thái, người lao động tìm ra nhiều phương cách. Cách tốt nhất là nhờ ông chủ, bà chủ quan hệ với cảnh sát, đóng một khoản tiền lót tay để được bỏ qua vi phạm. Theo anh Nguyễn Đại Phúc (quê ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà), để có một khoảng không gian chưa đầy 1 m2 bán nước giải khát trên hè phố Bangkok, anh phải chung chi, nạp cho cảnh sát mỗi tháng 3.000 bạt (tương đương hai triệu đồng).

Để kéo dài thời hạn lưu trú, mánh phổ biến nhất được người lao động áp dụng là giả làm thủ tục xuất cảnh rồi sau đó lại nhập cảnh. Theo cách này, hằng tháng họ phải xuống cửa khẩu Cam-pu-chia hoặc lên cửa khẩu Lào để đi gia hạn hộ chiếu (mà như cách nói của người trong cuộc là đi “tò” hộ chiếu). Cũng có những người chấp nhận không gia hạn để “hộ chiếu chết” rồi khi trở về nước lại phải đi chui, thậm chí vượt biên. “Có cầu ắt có cung”, đã hình thành nên những nhóm người chuyên đảm nhận khâu đi “tò hộ chiếu” hoặc là đưa người qua lại cửa khẩu theo những cách trái phép khác nhau.

Gần đây, việc quản lý người nước ngoài ở Thái-lan thêm siết chặt, dẫn tới công việc của lao động người Việt càng khó khăn. Đã có một số lượng lớn lao động Hà Tĩnh buộc phải trở về vì không thể trốn tránh.

Thân phận lao động chui trên đất Thái ảnh 1

Chen chúc làm thủ tục nhập cảnh vào Lào trước khi qua Thái-lan.


“Cơn sốt” bao giờ hạ nhiệt?

Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh: Lúc cao điểm có khoảng 10 nghìn lao động trong tỉnh sống chui, làm chui trên đất Thái, trong đó huyện Can Lộc có tới bốn nghìn, Thạch Hà, Lộc Hà mỗi huyện có từ hai nghìn đến ba nghìn người. Tất cả đều nhập cảnh vào Thái-lan theo con đường du lịch, rồi trốn ở lại làm thuê. Cơn sốt ly hương sang đất Thái làm thuê đang gây nên rất nhiều hệ lụy sau lũy tre làng. Trên thực tế, đã có những vụ án mạng thương tâm mà người lao động hoàn toàn một mình phải gánh chịu bởi pháp luật Thái-lan hoàn toàn không bảo hộ. Chủ tịch UBND xã Mỹ Lộc (Can Lộc) Trần Trí Quang không giấu nổi nỗi lo khi toàn xã có 7.800 dân thì đã có hơn 1.000 người đang lao động tại Thái-lan. Có nơi như xóm Nhật Tân, gần 100% số người trong độ tuổi lao động hiện đang ở Thái. Cuộc sống xáo trộn khi nhiều cặp vợ chồng bỏ lại con cái cho ông bà nuôi dạy, nhiều học sinh bỏ học giữa chừng và thậm chí còn có cả những cán bộ xã, cán bộ thôn xin nghỉ việc chỉ để theo người nhà sang đất Thái kiếm tiền. Sự yên tĩnh của làng quê đang bị phá vỡ, nhiều giá trị truyền thống đang bị thử thách.

Cùng chung quan điểm, Giám đốc Sở LĐ-TB và XH tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Văn Sơn bày tỏ: “Cái được từ những đồng bạt gửi về không bằng những cái mất mà nó mang lại. Để giải quyết căn cơ tình trạng này, chính phủ hai nước Việt Nam và Thái-lan cần đàm phán ký kết một nghị định thư về hợp tác xuất khẩu lao động, giống như những gì mà Việt Nam và Malaysia đã làm. Điều này không chỉ hợp lý hóa lao động Việt Nam tại Thái-lan mà còn mở ra một thị trường lao động mới với nhiều cơ hội việc làm và thu nhập chính đáng.

Chính phủ Thái-lan vừa thông qua Tờ trình của Bộ Lao động nước này liên quan đến vấn đề nhập khẩu lao động từ các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động ở Thái-lan. Theo đó, Thái-lan cho phép người lao động Việt Nam sang Thái-lan với visa du lịch trước ngày 10-2-2015 được đăng ký và hoàn tất các thủ tục để được lao động hợp pháp tại nước này trong thời hạn một năm. Những người nhập cảnh vào Thái-lan sau thời điểm nói trên sẽ phải về nước. Mức phí thị thực đối với lao động Việt Nam sẽ giảm từ 2.000 bạt (khoảng 57 USD) xuống còn 500 bạt.