Học trò nhỏ trong gia đình hành khất
Vào ngày đông lạnh giá của hơn 10 năm trước, khi đến một túp lều ở dưới chân đồi sỏi đá, hoang vu của xóm Đồng Luốc, tôi thấy một ông già quần áo rách rưới đang tay bị tay gậy sắp xuất hành. Trong túp lều chỉ có ba chiếc giường tre, chiếu rách, chăn tả tơi, nền đất rêu xanh bốc lên mùi ẩm mốc, một bà già ngồi trong góc mắt đờ đẫn nhìn ra. Đó là vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Diêu và bà Nguyễn Thị Đông vẫn thường dắt díu nhau đi ăn xin. Ông Diêu dựng gậy vào phên, mời tôi ngồi trên chiếc giường tre và kể về gia cảnh - điều mà ông vẫn thường nói mỗi khi đi ăn mày: “Cả nhà lên vùng rừng Kim Thành định cư, khai hoang. Năm 1973, tui bị một trận ốm nặng, khi khỏi bệnh thì có triệu chứng của bệnh tâm thần. Hai năm sau vợ tui cũng bị như tui. Cha tui đưa vợ chồng tui đi khắp nơi chữa chạy nhưng không khỏi, cuối cùng ông cũng bị... tâm thần”.
Ông Diêu nói đến đây thì bỗng ngồi im, một lúc sau ông nói những điều mà tôi không thể nào hiểu được, lẫn lộn lung tung, không đầu, không cuối. Gió lạnh rít qua mái tranh, thổi tung cả chiếc chiếu rách nát trên giường, gương mặt của vợ chồng ông càng héo úa.
Có tiếng ngoài sân, tôi thấy một cô bé gầy guộc chở bó củi vào. Hiên - con gái thứ tư của vợ chồng ông Diêu đi lấy củi về bán để đỡ đần giúp bố mẹ.
Cô học trò lớp 8 này gầy guộc, xanh xao có lúc đã không cầm được nước mắt khi kể cho tôi nghe về gia đình mình: “Nhà em có bốn anh chị. Anh lớn vì nhà nghèo quá phải theo chú đi vào nam làm thuê kiếm sống. Người chị thứ hai đã 24 tuổi nhưng bị thiểu năng trí tuệ và bị một kẻ xấu làm cho có bầu rồi đi mất. Con chị ấy đã một tuổi, nhưng chị ấy cứ bỏ mặc con đi chơi với lũ trẻ trong xóm. Em còn một em trai út nữa. Bố mẹ em lúc mê lúc tỉnh, từ khi bị bệnh thì không làm được ruộng vườn nữa, không có cách nào khác phải đi ăn xin. Lúc mới sinh, em phải sống cảnh màn trời chiếu đất, mẹ buộc em trên lưng phiêu bạt ăn xin khắp mọi nơi. Em ngủ đầu đường xó chợ, ăn bất cứ thứ gì mà bố mẹ xin được. Nhớ lại em vẫn sợ...”.
Tôi thấy nỗi hoảng sợ chạy trên gương mặt Hiên như một luồng điện khi kể về những năm tháng theo bước chân hành khất của bố mẹ. Cho đến năm bảy tuổi, cô bé này đã chất chứa quá đủ tủi nhục của đời ăn mày. Cô bé nói với bố mẹ: “Con muốn được đi học. Bố mẹ đừng bắt con đi ăn mày nữa. Con xin!”.
Đầu năm học 1993, cô giáo Bùi Thị Hà, chủ nhiệm lớp 1A Trường tiểu học Đồng Thành thấy một cô bé rách rưới đứng ở cửa nhìn vào với ánh mắt vừa khao khát vừa tự ti. Cô Hà ra hỏi thăm thì cô bé xin được vào học và kể lại hoàn cảnh của mình. Cô Hà đến nhà bố mẹ Hiên xin cho em được đến trường. Và Hiên được đi học, từ giã những hành trình theo bố mẹ đi ăn xin.
Biết gia cảnh của Hiên - bố mẹ đi ăn xin - nghèo nhất xã, nên trường miễn học phí. Hiên đi xin sách giáo khoa cũ để học nên cũng không tốn kém của bố mẹ một đồng nào. Nhưng vào lớp, cô học trò này phải đối mặt với sự kỳ thị của chúng bạn.
Hiên kể: “Anh không biết cảm giác của đứa trẻ ăn xin hay có cha mẹ ăn xin thế nào đâu. Em đi đâu, làm gì, ăn gì, thậm chí mặc gì cũng bị chế nhạo. Em ghét cảm giác đó. Nếu em mặc cái ào lành, sẽ bị nói “Ăn mày mà có áo lành à”. Nếu em mặc áo rách đến lớp lại bị dè bỉu kiểu: “Ăn mày áo rách mà cũng đi học à”. Nhiều lúc tủi thân muốn khóc, lại nhớ đến câu: “Ăn mày là ai, ăn mày là ta; Đói cơm rách áo, hóa ra ăn mày”. Nhưng chúng bạn cũng không ghét được em lâu vì em học giỏi. Xóm em có gần 20 đứa đi học lớp 1 cùng, thì em học giỏi nhất. Chúng nó mà ghét em, xa lánh em thì không hỏi bài được”.
Cô chủ nhiệm Bùi Thị Hà đã rất vui lẫn ngạc nhiên khi con gái của vợ chồng ăn mày xã Đồng Luốc lại học giỏi nhất lớp và hát rất hay. Những năm học cấp 1, năm nào Hiên cũng đạt danh hiệu học sinh xuất sắc. Nhưng cuộc sống gia đình Hiên lại ngày càng khốn khó. Bố mẹ đau yếu đến mức không thể đi ăn xin được nữa. Đứa em trai út cũng đang đi học.
Gánh củi đang dựng ở kia là công sức nửa ngày vào rừng Kim Thành chặt những cành khô đến bật máu tay của Hiên. Nhưng có hôm gặp gia đình cùng cảnh ngộ, người mẹ bị mù dắt díu hai đứa con, Hiên rơi nước mắt nhớ lại ký ức hành khất của mình. Hiên giúi vào tay bà mẹ mù 10 nghìn đồng - số tiền bán củi của cả ngày hôm ấy.
Làm thuê học lên thạc sĩ y khoa Hiên đi cấy thuê, gặt thuê mãi rồi chợt nghĩ tại sao không nhận lại ruộng của bố mẹ để làm? Hiên đến nhà ông Trương Ngọc Long, đội trưởng xóm Đồng Luốc để nhận lại ruộng. Ông Long nhìn cô học trò gầy gò bảo: “Cháu đi học, tiền mô mà làm”. Hiên nói: “Chú cho cháu vay giống má, xong mùa sẽ trả”. Hiên làm thật, giống má được cho vay, việc cày bừa bà con giúp không lấy tiền, đến mùa gặt bạn bè xúm vào giúp. Nhờ đó cuộc sống cũng bớt gieo neo. Nhưng bố mẹ bệnh tật khiến Hiên phải chạy vạy tiền thuốc thang, có những lúc tưởng chừng phải bỏ học. Dân làng lại góp tiền góp gạo giúp, quỹ khuyến học của huyện cũng cấp học bổng cho cô học trò của gia đình ăn mày ba năm cấp 2, mỗi năm ba trăm nghìn. Nhà Hiên lúc bây giờ vẫn chưa có điện, đêm đêm bà con lối xóm vẫn thấy đốm lửa đèn dầu sáng đến tận khuya trong túp lều của vợ chồng hành khất. Lên cấp 3, nhà cách trường 10 km đường rừng, có những hôm chiếc xe đạp cà tàng bị hỏng, Hiên phải gửi xe chạy bộ cho kịp giờ. Hiên có năng khiếu đặc biệt về môn sinh học, đoạt giải học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh về môn học này. Hiên dự định thi vào Trường đại học Y thực hiện mơ ước trở thành bác sĩ vì hồi còn nhỏ đã chứng kiến cảnh dịch tả cướp đi nhiều mạng sống của người dân xóm nghèo Đồng Luốc. Ảnh cưới của Hiên và chồng.
Bị gậy ăn mày của bố mẹ Hiên đã xếp lại, trong ngôi nhà mới, có tấm ảnh cô gái nhận bằng cử nhân và bằng thạc sĩ y khoa. |
Thế rồi, cô gái của gia đình hành khất thi đỗ vào Đại học Y Thái Nguyên với 23 điểm. Sáu năm bươn chải vừa học vừa phải làm thêm để tự túc mọi chi phí, Hiên tốt nghiệp Đại học Y với tấm bằng loại khá và được kết nạp Đảng ngay ở trong trường. Về quê, Bệnh viện Cửa Đông ở thành phố Vinh sẵn sàng nhận Hiên vào làm nhưng với điều kiện phải làm việc lâu dài. Nhưng Hiên muốn học lên cao hơn nữa nên đã lặn lội vào TP Hồ Chí Minh để thi cao học.
Những ngày Hiên vào TP Hồ Chí Minh, gọi điện cho cô tôi thường nghe tiếng còi xe inh ỏi. Hiên bảo đang lơ ngơ giữa thành phố rộng lớn này, chiếc bản đồ cầm tay đã sờn, điện thoại cùi bắp thì lúc hết pin, lúc hết tiền... Hiên xin vào một bệnh viện tư để làm thêm, sau khi nộp đơn vào học lớp định hướng chuyên khoa mắt tại Trường đại học Y Phạm Ngọc Thạch, tháng 3-2011, Hiên thi đỗ chương trình đào tạo thạc sĩ.
Cũng thời gian ấy, một chàng trai cùng quê, biết hoàn cảnh của Hiên từ ngày xưa đã đem lòng yêu thương cô gái này. Gánh nặng mưu sinh bươn chải từ nhỏ, tưởng như Hiên đã “quên” yêu, nhưng ở đất khách quê người gặp được tình cảm chân thành, trái tim nữ bác sĩ trẻ cũng đã rung động. Họ cưới nhau. Nhìn tấm ảnh cưới của đôi trẻ: Chàng trai áo sơ-mi trắng, cô gái áo dài trắng dắt tay nhau đi giữa cỏ, mắt cùng nhìn về một hướng, tôi có cảm giác như Hiên đã bỏ lại ký ức tủi nhục phía sau. Tấm ảnh ấy được Hiên lấy làm hình đại diện trên Facebook, và chẳng hiểu sao mỗi lần nhìn vào, tôi lại có cảm giác như đang chứng kiến hình ảnh trong truyện cổ tích. Cảm giác đó lại đến khi Hiên báo tin đã bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và được Bệnh viện Thống Nhất mời về làm. Dù cuộc sống đang nhiều khó khăn nhưng vợ chồng Hiên đã về quê xây cho bố mẹ ngôi nhà mới thay thế túp lều tranh của gia đình ngày nào. Bị gậy ăn mày của bố mẹ Hiên đã xếp lại, trong ngôi nhà mới, có tấm ảnh cô gái nhận bằng cử nhân và bằng thạc sĩ y khoa. Có thời gian, Hiên lại về quê khám bệnh phát thuốc cho những cụ già trong xóm và muốn về lại nơi mình ra đi để làm việc. Nhưng giờ thạc sĩ y khoa ở bệnh viện lớn này muốn xin về Nghệ An làm việc lại đang gặp khó vì “không quen biết”.