Cùng niềm hân hoan dự ngày khai giảng, thầy, trò vùng cao lại bắt đầu một hành trình đến trường đầy gian khó. Những con đường đến trường đã trở thành nỗi ám ảnh của giáo viên, học sinh vùng cao mà để vượt qua cần cả ý chí lẫn “mưu mẹo”. Máu đã đổ trên những con đường đến với cái chữ. Tôi đã chứng kiến những con đường như thế trên khắp vùng miền và đã từng rơi nước mắt vì cái chết của một cô giáo khi đang cố gắng đến trường...
Những “cuộc chiến” trên đường đến trường
Ngồi trong lớp tre nứa trống huơ trống hoác, cô giáo Liên tâm sự với tôi về đường tới trường. Hồi đó, huyện Simacai vừa tách khỏi huyện Bắc Hà của tỉnh Lào Cai nên nhiều con đường biến thành công trường. Trời mưa, đường lầy lội như ruộng, trời nắng thì mịt mù bụi. Rồi những con dốc vừa cao vừa nhỏ và tròn trơn như một chiếc đũa, khiến cô giáo Liên mỗi tháng chỉ về thăm nhà được một lần. Chiều nay, cô giáo Liên được về nhà và cô muốn mời tôi ghé qua chơi khi trên đường trở về từ Simacai. Trưa hôm sau, tôi tìm đến nhà cô giáo Liên. Vừa đến ngõ đã nhìn thấy cờ đám ma, bước vào nhà, tôi sững người khi thấy tấm ảnh chân dung của cô giáo Liên trên bàn thờ nghi ngút khói hương. Cô đã đập đầu vào đá khi chiếc xe máy bị đứt phanh khi xuống con dốc dài và tròn trơn như chiếc đũa. Đường vắng tanh, cô ngất đi và máu trên đầu cứ thế chảy. Mãi một tiếng sau, người ta mới nhìn thấy cô giáo và đưa lên xe máy đi cấp cứu. Xe máy trên đường đi cấp cứu lại bị nổ lốp khi đang leo lên một con dốc. Cô giáo lại đập đầu vào đá và hơi thở cứ lịm dần...
Cả tuần đó 30 học sinh lớp ba ngơ ngác vì cô giáo Liên không còn lên lớp nữa. Nhưng nhà trường chỉ dám nói với học sinh rằng cô giáo Liên bị ốm. Những đứa trẻ cứ ra ngoài con dốc ngóng cô, ngóng mãi... Các đồng nghiệp của cô nhìn xuống con đường thấy chờn rợn, nhưng hằng ngày họ vẫn cứ phải đến trường, về nhà, xe đứt phanh hay thủng lốp thì đành “may nhờ rủi chịu” bởi với những khúc cua, những dốc đèo như thế thì chẳng ai dám nói trước được điều gì.
Trời vừa đổ một cơn mưa và thầy Trần Đình Phi lắc đầu nói với tôi: “Mưa dầm kiểu này thì đường sẽ như ruộng, không buộc xích vào lốp thì không đi nổi, mà buộc vào thì chạy chậm như máy xúc, có khi đến trường thì trống đã tan học, thấy ngượng, thấy tội học sinh nhưng biết làm sao được”. Thầy mặc áo mưa, ngồi lên chiếc xe, nét mặt căng như sắp bước vào một trận đánh. Mà thầy bảo, mỗi ngày đến trường đều như một trận đánh, đến trường đúng giờ thì coi như mình thắng, đến muộn thì coi như bại. Chiếc xe rồ lên, giần giật đi vào làn mưa mỗi lúc một dày thêm. Liệu thầy có bại trận hôm nay?
Xe máy buộc xích tới trường.
Những dốc núi và những giọt nước mắt
Sau ngày khai giảng, tôi đến Trường tiểu học Kim Bon của huyện vùng cao Phù Yên – Sơn La. Cô hiệu trưởng Hoàng Thị Thư dặn đến thị tứ thì dừng lại để các thầy ra đón vì nếu không quen không thể đi được vào trường. Tôi dừng ở thị tứ, có hai thầy giáo đi xe win ra đón. Chở một người nhưng phải đi hai thầy để “xơ cua”, lỡ đâu có một xe chết máy, thủng lốp dọc đường. Thầy Thành bắt đầu chở tôi leo lên con dốc cao, càng lên độ dốc càng lớn. Xe đi số một, thỉnh thoảng lại chồm lên vì va phải tảng đá to. Đường ngày càng hẹp, nhìn sang là vực sâu hút. Thầy Thành nói to: “Nhà báo đừng nhìn xuống, ngợp lắm. Bọn em đi dạy cứ mắt nhìn thẳng, chứ liếc ngang thấy vực thẳm, chỉ cần lệch tay lái cái là có thể rơi xuống vực. Có lần em suýt rơi, may mà có cái cây chắn lại, cái cây cứu mạng đó, nhiều lần đi qua, em chắp tay vái cây”.
Xe cứ rồ lên leo dốc, đi một lúc tôi ngửi thấy mùi khét, thầy Thành dừng lại, bảo: “Xe nóng máy quá rồi, phải nghỉ một lúc”. Thầy chỉ lên điểm nhỏ như bàn tay gần đỉnh núi: “Trường Kim Bon đó, đường chim bay thì rất gần nhưng từ đỉnh núi lên trường phải đi như đánh vật vài ba tiếng. Giá mà thầy trò có cánh như chim”.
Cuối cùng thì tôi cũng đến được ngôi trường trên đỉnh núi, toàn thân đau ê ẩm. Cô hiệu trưởng Hoàng Thị Thư cười bảo: “Ngày nào các thầy cô cũng hai bận đi về như thế đấy, nắng cũng như mưa. Tiền lương đổ vào xe máy hơi nhiều, có tháng gần hết cả tiền”.
Khi gặp các giáo viên ở trường, tôi biết cô Thư không hề ngoa ngôn. Cô Vân Anh kể: “Ở đây, cứ khoảng hơn tháng, giáo viên bọn em lại phải thay nhông xích xe máy. Hai tháng thay phanh. Hơn ba tháng thay lốp, còn khoảng ba năm thì thay xe mới. Chi phí vào xe máy như vậy lương giáo viên nào kham được nhưng vẫn không thể bỏ dạy. Đường đi như vậy, xe nào chịu nổi. Mà thực ra không phải đường, đúng hơn là những con dốc. Lên dốc cũng khổ, xuống cũng khổ. Lên dễ cháy máy, xuống dễ cháy phanh”.
Để tránh bị cháy phanh, bó phanh, các giáo viên nhiều lúc phải buộc bụi cây vào sau xe, kéo lê trên đường, hạn chế tốc độ. Họ đã quen với con dốc, quen với từng ổ gà, tảng đá. Bàn tay họ đã đầy vết chai và chân đầy sẹo sau những lần ngã xe. Nhưng có những nỗi đau mà các cô giáo ở đây không thể nào quên được, mỗi lần nghĩ đến họ lại rơi nước mắt. Trường Kim Bon có nhiều cô giáo trẻ, phần lớn đều mới lập gia đình. Leo núi vượt đèo đến trường, nhiều giáo viên có thai đứa con đầu lòng nhưng đã bị sảy thai do đường quá xấu.
Cô Vân Anh cũng đã từng bị sảy thai khi đang trên đường tới trường. Không phải một lần. Nhưng cô không thể bỏ dạy hoặc xin nghỉ vì nhớ vì thương những đôi mắt học sinh đang chờ mình trên lớp. Khi có được tin cô có bầu, sáng chồng tiễn vợ đi mặt đầy lo lắng, chiều chồng đón vợ ở cổng, mặt đầy hồi hộp. Khi biết vợ an toàn trở về, mới thở phào. Ngày nào cũng thế. Thế rồi may thay chín tháng mười ngày cái thai phát triển tốt, bất chấp những con dốc không hề giảm đi sự khắc nghiệt. Có gì đó mừng đến rơi nước mắt khi đứa con cô chào đời - một điều rất bình thường mà được xem như “kỳ tích” ở đây. Biết là có thể sảy thai nhưng vẫn đến trường – một thực tế xót xa không chỉ của các cô giáo Trường Kim Bon.
Đoạn đường vào phân hiệu Trường Chống Chùa - điểm trường xa trung tâm và khó khăn nhất ở Tà Xi Láng (Trạm Tấu - Yên Bái) không dành cho người yếu tim, đặc biệt vào mùa đông khi nơi có độ cao 1.600m so với mặt nước biển này sương mù bao phủ và cái lạnh thấu xương nhiều khi xuống âm độ. Nhưng cô giáo Nguyễn Thị Hoa vẫn thường đi bộ cả một ngày đường để đến nhà học sinh. Mới vào năm học mới, nhiều học sinh mới bỗng dưng “quên” đi học vì phải ở nhà làm nương hay bị nạn bắt vợ phải đi làm dâu nhà người. Giáo viên phải vừa dạy vừa dỗ, có khi phải đến nhà dỗ. Đường đi trong sương mù, chỉ cần sảy chân là rơi xuống vực, ban ngày nhưng có lúc phải bật đèn pin. Có những hôm chưa tới trường thì trời sập tối, giữa rừng sâu hút, hoang lạnh, muỗi vắt lao vào đốt, cô Hoa bật khóc, nhưng chân vẫn dò dẫm bước về phía trước. Tính ra đi đã mòn không biết bao đôi dép (mà dép đi đường này rất mau mòn), nhưng cô Hoa vẫn không muốn dừng bước chân đến nhà học sinh để “dỗ” đi học. Vì cô biết, một học sinh đến trường là một cuộc đời có thể được thay đổi.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều “đường đi khó” của giáo viên vùng cao như vậy, trèo đèo, lội suối, cõng xe máy qua đường lầy, bước qua những cây cầu tạm bằng tre nứa chênh vênh như làm xiếc, hay chui vào túi bóng qua sông... Nhưng các thầy cô đều không muốn “kể chi những nỗi dọc đường”, vì đơn giản họ biết có rất nhiều học sinh cũng đến trường vất vả như thế, hơn thế... Với giáo viên vùng cao, nhiều khi thầy trò có mặt ở lớp đúng giờ đã là một sự gắng gỏi ngoài sức hình dung của những người dưới xuôi, đã là một kỳ tích mà khi kể ra người thành phố vốn bon bon xe đạp điện, xe máy, ô-tô đến trường không thể hiểu được.
Tính ra đi đã mòn không biết bao đôi dép nhưng cô Hoa vẫn không muốn dừng bước chân đến nhà học sinh để “dỗ” đi học. Vì cô biết, một học sinh đến trường là một cuộc đời có thể được thay đổi.